Quyết tâm giao tiếp với trò bằng ngôn ngữ mới!
Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi Tàn tật Việt Trì là trung tâm duy nhất và đầu tiên của tỉnh Phú Thọ có chức năng thu hút, chăm sóc nuôi dưỡng, dạy chữ, dạy nghề cho trẻ em khuyết tật trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Sau khi ra trường, cô Đinh Thị Phú Hiền đã tình nguyện về đây giảng dạy.
Dù đã mường tượng được những khó khăn nhưng cô vẫn không khỏi hụt hẫng khi nhìn những học trò mới của mình: “Muốn giao tiếp được với học sinh phải biết ký hiệu mà những năm học ở giảng đường tôi không được đào tạo về ngôn ngữ ký hiệu.
Lần đầu tiên đến trường tiếp xúc với học sinh, hỏi các em không nói chỉ khua tay chỉ trỏ mà tôi không hiểu được gì chỉ đứng ngây người ra nhìn các em chỉ tay lên đầu lắc lia lịa, có em bỏ đi chỗ khác, một số em lớn hơn lấy giấy bút ra viết hỏi tên cô, cô bao nhiêu tuổi, nhà ở đâu... thực sự trong lòng tôi lúc ấy có chút hụt hẫng và nản lòng”.
Thế nhưng, nhìn các em, chính cô Hiền đã hạ quyết tâm bằng mọi cách phải học ngôn ngữ ký hiệu để xóa bỏ rào cản giữa cô và trò.
Từ đó, cô Hiền đã tự học ngôn ngữ ký hiệu trong sách của trường, học hỏi đồng nghiệp trong những buổi đến trường, học ngôn ngữ ký hiệu từ học sinh, tự tìm mua sách dạy ngôn ngữ ký hiệu. Mỗi buổi lên lớp dạy học trò cũng là giờ cô giáo thực hành bài học về ngôn ngữ ký hiệu.
Ước muốn chữa lành những nỗi đau!
Do bị khuyết tật nên học sinh khá tự ti và dễ bị tổn thương, kích động, để dạy các em có hiệu quả đòi hỏi người giáo viên phải thật kiên nhẫn, lúc nào cũng phải nhẹ nhàng và kiếm chế bản thân hết sức. Người giáo viên phải nắm bắt tâm lý tốt, có lúc nghiêm nghị, có lúc phải chiều theo yêu cầu của học sinh, lúc học sinh đòi vui chơi thì giáo viên cùng tham gia hoạt động với các em.
Đối với từng đối tượng học sinh, cô Hiền lại có những phương pháp khác nhau, có em phải mềm mỏng, có em lại phải dỗ dành, có em phải nghiêm nghị. Dạy cho trẻ chậm phát triển trí tuệ quan trọng hơn cả là dạy cho các em kỹ năng sống, biết chào hỏi, ứng xử, lễ phép, biết tham gia các hoạt động bình thường, giáo viên phải theo sát học trò để nắm bắt tâm tư tình cảm lắng nghe và chia sẻ với học sinh.
Còn dạy nghề cho học sinh khiếm thính rất quan trọng vì với các em có được một nghề trong tay để sau này tự đi làm nuôi sống được bản thân mình. Nhưng quan trọng nhất là phải động viên các em vượt qua những thiếu thốn vật chất, mặc cảm về bản thân để các em nuôi dưỡng ước mơ của mình từ đó dần dần thực hiện ước mơ trở thành hiện thực, trở thành người có ích cho xã hội.
Gần 18 năm dạy học sinh khuyết tật, 12 năm dạy nghề gắn bó cùng bao thế hệ học trò, nếu không yêu nghề, không có tình yêu thương dành cho học sinh có lẽ cô Hiền sẽ không trụ được ở ngôi trường mang tên Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi Tàn tật Việt Trì.
Giờ, một số em đã tốt nghiệp trưởng thành, một số em đã xây dựng gia đình quay lại trường gửi những tấm thiệp hồng mời cô giáo dự ngày vui của các em mà cô không cầm được nước mắt.
“Bao khó khăn, vất vả, những nỗ lực cố gắng dường như đã được đền đáp bằng những nụ cười, bằng hạnh phúc của các em. Tôi tự nhủ với lòng mình sẽ cố gắng đem những gì mình đã học hỏi được, mình đã trải qua tiếp tục vào con đường mình đã chọn, giúp đỡ được một phần nào cho những thiệt thòi của các em học sinh khuyết tật” – Cô Hiền nói.
Cô Hiền là một trong số những giáo viên được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2018” do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức. Năm nay, chương trình hướng đến đối tượng là những giáo viên dạy trẻ khuyết tật. Theo đó, mỗi thầy cô sẽ được tặng một sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng và được tuyên dương nhân dịp 20/11.