Câu lạc bộ Truyền thông Học đường, sân chơi bổ ích của học sinh
Lâu nay, môn học Giáo dục công dân ở các trường phổ thông được coi là môn phụ nên nhiều giáo viên, học sinh chưa coi trọng đến việc dạy và học bộ môn. Thậm chí, ở một số trường, môn Giáo dục công dân còn có nhiệm vụ “gánh vác” chỉ tiêu cho các môn học khác. Do vậy, giáo viên bộ môn thường “tạo điều kiện” để các em đạt được kết quả cao trong học tập thay vì quan tâm đến những giá trị thực chất.
Nhưng theo cô giáo Võ Thị Kiều, mỗi môn học đều mang giá trị riêng và môn Giáo dục công dân cũng vậy. “Môn Giáo dục công dân hình thành, phát triển ở học sinh các phẩm chất và năng lực của người công dân thông qua các bài học về lối sống, đạo đức, pháp luật, kinh tế, nghĩa là chuyển các giá trị văn hoá, đạo đức, các kiến thức pháp luật, kinh tế thành ý thức và hành vi của người công dân”, cô giáo Võ Thị Kiều chia sẻ.
Cô giáo 31 tuổi quê ở Quảng Bình cho rằng, để môn học không còn khô cứng và thiếu hấp dẫn thì nhà trường cần nghiêm túc nhìn nhận lại vai trò, vị trí của môn học này trong hệ thống các môn học, nhằm thực hiện mục tiêu quan trọng “Học để làm người”.
Đặc biệt, giáo viên cần có những nỗ lực trong việc cải tiến, đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm “mềm” hoá môn học. Ngoài kiến thức trong sách giáo khoa, giáo viên cần mở rộng kiến thức gắn liền với thực tế cuộc sống, với những câu chuyện, những dẫn chứng cụ thể mang tính thời sự mới có thể truyền cảm hứng cho các em yêu thích môn học này.
Cô giáo Võ Thị Kiều tâm sự, quá trình giảng dạy của cô ở Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa gặp rất nhiều thuận lợi khi Ban Giám hiệu nhà trường luôn tạo điều kiện cho tổ bộ môn Giáo dục công dân thực hiện các tiết dạy học ngoài nhà trường nhằm mang đến những trải nghiệm môn học mới đầy thú vị cho các em.
Chính những hoạt động ngoại khóa, tích hợp kiến thức liên môn đã góp phần củng cố kiến thức cho học sinh, giúp các em nâng cao chất lượng học tập và tăng hứng thú học tập với môn học tưởng như khô khan này.
Năm 2020, cô Võ Thị Kiều và tổ bộ môn đã thành lập Câu lạc bộ Truyền thông Học đường với mục tiêu mang những hiểu biết về pháp luật và đời sống xã hội đến gần hơn với học sinh thông qua những hình thức sinh động, mới lạ và gần gũi.
Ngoài các hoạt động chính hướng đến việc nâng cao nhận thức của học sinh toàn trường, Câu lạc bộ còn là một sân chơi cho các em học sinh đam mê truyền thông, diễn xuất và tổ chức sự kiện, nâng cao kỹ năng và kinh nghiệm cho thành viên.
Điển hình như trong tiết học Công dân với cộng đồng của môn Giáo dục công dân dành cho khối 10, học sinh được tham gia dự án “Yêu thương con người”. Các em có cơ hội được trải nghiệm thông qua các hoạt động nhóm trong chuyến đi sinh hoạt cộng đồng, được tự tay làm những món đồ chơi nhằm mục đích gây quỹ từ thiện, được sẻ chia yêu thương với những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn…
Ngoài ra, các em còn mang đến cho quý thầy cô, quý phụ huynh, các bạn học sinh những vở kịch, những câu chuyện kể mang thông điệp yêu thương. Chưa dừng lại ở đó, dự án tiếp tục được lan toả bằng buổi triển lãm kéo dài một tuần về các ấn phẩm, poster, tranh ảnh liên quan.
Tham gia Hội thi để làm tư liệu học tập
Mới đây, Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa đã tham gia Hội thi “Học sinh sinh viên thành phố với pháp luật” năm học 2021 – 2022. Trường là 1 trong 8 trường có những tham gia tích cực vào Hội thi, đồng thời giành Giải đơn vị có phần trình bày ấn tượng nhất.
Ngoài những giải thưởng ấn tượng đó, Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa còn thu hoạch được một điều vô cùng lớn lao là truyền tải những kiến thức, ý nghĩa cuộc sống cho các em học sinh.
Trong quá trình tham gia Hội thi, cô giáo Võ Thị Kiều và tổ bộ môn Giáo dục công dân đã cùng các em học sinh của Câu lạc bộ Truyền thông học đường xây dựng kịch bản và gửi các sản phẩm dự thi. Đó là tác phẩm “Lá chắn của tôi và bạn” cho khối THCS và “Trầm cảm” cho khối THPT. Đặc biệt, tác phẩm “Trầm cảm” đã gây xúc động mạnh đến Ban Giám khảo Hội thi “Học sinh sinh viên thành phố với pháp luật”.
Các tác phẩm này sau đó đã được các thầy, cô trong tổ bộ môn Giáo dục công dân của Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa dùng làm tư liệu giảng dạy, giúp học sinh có cái nhìn chân thực và hiểu hơn về những điều đang xảy ra xung quanh.
Cô giáo Võ Thị Kiều chia sẻ: “Trầm cảm tuổi học đường hiện đang là căn bệnh đáng báo động bởi nó gây ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc, suy nghĩ, hành vi của học sinh, làm cho các em dần mất niềm tin vào cuộc sống, hầu hết đều muốn tự giải thoát bản thân bằng cái chết. Trong những năm gần đây, bệnh trầm cảm đang có xu hướng tăng mạnh và trẻ hóa và trở thành một vấn đề đáng lo ngại trong xã hội”.
Theo cô giáo Võ Thị Kiều, các em học sinh đã thực hiện tiểu phẩm mang tên “Trầm cảm” nhằm đề ra hướng đi mới, cải thiện tình trạng trên ở giới trẻ nói riêng và trong xã hội nói chung.
Tiểu phẩm mang đến nhận thức cho tất cả mọi người về góc khuất “trầm”, ẩn đằng sau những khuôn mặt tươi cười hồn nhiên của con trẻ. Còn “cảm” có nghĩa là “cảm” trong cảm nghĩ về góc khuất “trầm” này, hay là sự cảm thông, đồng cảm. Vì thế, chúng ta hãy cùng chung tay chấm dứt căn bệnh trầm cảm ở mọi lứa tuổi và hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn.
Cô giáo Võ Thị Kiều từng tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm TPHCM, ngành Giáo dục chính trị và Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM, ngành Ngôn ngữ Anh. Năm 2017, cô đã bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ ngành Triết học, cũng ở Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM.
Chính sự đa năng và tinh thần ham học hỏi đã giúp cô giáo Võ Thị Kiều tạo dấu ấn trong quá trình mang đến những trải nghiệm môn học mới đầy thú vị cho học sinh ở Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa.