Hạnh phúc được giúp trò

GD&TĐ - Hạnh phúc của giáo viên vùng sâu đôi khi đơn giản chỉ là chứng kiến học trò trưởng thành. Có lúc hạnh phúc ấy là khi thầy và học trò cũ trở thành đồng nghiệp và cùng nhau giúp đỡ cho những hoàn cảnh khốn khó.

Cô Mạc Thị Thoan hạnh phúc khi thấy học trò trưởng thành.
Cô Mạc Thị Thoan hạnh phúc khi thấy học trò trưởng thành.

Nỗ lực trau dồi kinh nghiệm chuyên môn

Cô Mạc Thị Thoan (44 tuổi, Tổ trưởng tổ Văn - Sử, Trường THCS 24/4 xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô, Kon Tum) đã có 22 gắn bó với giáo dục vùng khó.

Cô Thoan kể, năm 2000, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, cô về công tác tại Trường Tiểu học - THCS xã Pô Cô. Khi đó, điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn nên hàng ngày cô vẫn đạp xe hơn chục km để đến trường dạy chữ cho học sinh.

Cô Mạc Thị Thoan nhớ lại, thời điểm ấy 100% học sinh của trường là người dân tộc thiểu số. Điều kiện sống của học sinh vô cùng khó khăn, kinh tế gia đình các em chủ yếu phụ thuộc vào vài sào rẫy. Nhưng đất đai cằn cỗi nên kinh tế gia đình chỉ đủ giúp các em no bụng và có quần áo để mặc.

“Học sinh khi đó rất rụt rè, nhút nhát. Bên cạnh đó, gia đình các em tập trung kiếm sống nên ít quan tâm đến việc học của con em mình. Chính vì vậy, giáo viên phải thường xuyên đến nhà vận động, quan tâm và động viên các em ra lớp. Tuy có phần vất vả nhưng giáo viên ai nấy đều vui và hạnh phúc vì góp phần giúp học trò biết con chữ”, cô Thoan chia sẻ.

Sau 6 năm giảng dạy tại đây, cô Thoan được luân chuyển về Trường THCS 24/4 công tác cho đến nay. Điều kiện sống của học sinh nơi đây còn nhiều khó khăn nên cô Thoan luôn cố gắng hết lòng quan tâm, sẻ chia với học trò.

“Trong 22 năm gắn bó với nghề giáo, tôi rất vui và hạnh phúc khi chứng kiến từng lớp học trò lớn lên và trưởng thành. Đến nay, nhiều học sinh đã thành đạt và thực hiện được ước mơ của mình. Có những em là cán bộ xã, cán bộ huyện và nhiều em đã trở thành đồng nghiệp. Các em cũng quay trở lại trường giảng dạy, tiếp tục hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn”, cô Thoan tâm sự.

Theo cô Thoan, để có thể vượt qua mọi khó khăn, thử thách trên chặng đường gieo chữ đòi hỏi giáo viên phải có tri thức, năng lực và phẩm chất đạo đức. Bên cạnh đó, người thầy, người cô phải hết lòng với nghề và học trò. Qua đó, mang bầu nhiệt huyết để cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

“Bản thân tôi cũng như những đồng nghiệp khác luôn tích cực trau dồi chuyên môn, nỗ lực nghiên cứu để có nhiều sáng kiến, thiết kế ra những bài giảng hay…để nâng cao chất lượng dạy học”, cô Thoan nói.

Tạo điều kiện cho giáo viên

Học sinh Trường PTDT BT Tiểu học Lê Văn Tám còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Học sinh Trường PTDT BT Tiểu học Lê Văn Tám còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Đều đặn hàng tuần, cô Trần Thị Kim Hoà, giáo viên Trường PTDT BT Tiểu học Lê Văn Tám (xã Krong, huyện Kbang, Gia Lai) lại cùng giáo viên trong trường đến từng làng, từng nhà học sinh để vận động các em ra lớp.

Cô Kim Hoà chia sẻ, hàng tuần cứ sáng thứ 2 học sinh đến trường và chiều thứ 6 lại về nhà. Tuy nhiên, cuối tuần, sau khi về nhà thường thì các em ngại đến lớp. Do đó, hàng tuần giáo viên lại rủ nhau đến các bản làng để tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp. Con đường vào làng ngày nắng còn dễ đi, nhưng khi mưa xuống đường đất sình lầy, bám dính gây khó khăn cho giáo viên.

“Không chỉ vào cuối tuần mà sau những dịp nghỉ lễ, Tết giáo viên trong trường đều vào làng vận động học sinh ra lớp. Những em nhà xa, gia đình không có phương tiện thì giáo viên sẽ hỗ trợ chở các em ra lớp. Như vậy mới có thể duy trì được sĩ số và nâng cao chất lượng giáo dục.

Niềm vui và hạnh phúc của mình chỉ đơn giản là học sinh đến lớp đông đủ. Bên cạnh đó, các em lớp 1 biết đọc, biết viết và tính toán”, cô Kim Hoà tâm sự.

Giáo viên trường PTDT BT Tiểu học Lê Văn Tám đến tận nhà vận động học sinh ra lớp.
Giáo viên trường PTDT BT Tiểu học Lê Văn Tám đến tận nhà vận động học sinh ra lớp.

Thầy Hoàng Văn Ngọc, Hiệu trưởng trường PTDT BT Tiểu học Lê Văn Tám cho biết, toàn trường có 34 cán bộ, giáo viên và nhân viên. Tuy nhiên, đa số giáo viên đều có nhà cách xa trường. Bên cạnh đó, nhiều giáo viên nữ có con nhỏ nên phải đi về mỗi ngày.

Theo đó, có nhiều giáo viên mỗi ngày phải chạy quãng đường gần 100km để dạy chữ rồi về nhà. Tuy khó khăn, vất vả những giáo viên vẫn luôn nhiệt huyết, yêu nghề và hết lòng vì học sinh.

“Để giáo viên yên tâm công tác, nhà trường luôn quan tâm, động viên và sẻ chia khó khăn với giáo viên. Có như vậy, giáo viên sẽ luôn hạnh phúc trên hành trình đưa con chữ đến với học trò nghèo vùng sâu, vùng xa”, thầy Ngọc chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ