Cô giáo Êđê chia sẻ kinh nghiệm giáo dục học sinh dân tộc

GD&TĐ - Kinh nghiệm trong giáo dục học sinh dân tộc được cô H Bê La Niê rút ra từ kinh nghiệm 15 năm công tác tại trường vùng khó.

Cô H Bê La Niê và học trò.
Cô H Bê La Niê và học trò.

15 năm gắn bó với học sinh dân tộc

Cô H Bê La Niê là người dân tộc Êđê. Sau 2 năm công tác tại Trường tiểu học Kim Đồng (huyện MĐrắk, tỉnh Đắk Lắk), cô được luân chuyển đến Trường tiểu học Lê Hồng Phong, thuộc buôn đặc biệt khó khăn ở trên địa bàn huyện Ea Kar. Trường có gần 90% học sinh dân tộc thiểu số, tập trung trên địa bàn 3 buôn điều kiện kinh tế gia đình rất khó khăn.

Với thuận lợi là người dân tộc Êđê, không bị rào cản ngôn ngữ, cùng nhiệt huyết của giáo viên trẻ, cô H Bê La Niê đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp, vận động học sinh có nguy cơ bỏ học. Học sinh yêu quý cô bởi sự ấm áp, gần gũi, luôn tìm phương pháp dễ hiểu nhất trong dạy học; sẵn sàng phụ đạo học sinh còn yếu và luôn chia sẻ, giúp đỡ kịp thời học sinh hoàn cảnh khó khăn. Thành quả cho nỗ lực, tâm huyết đó là học sinh tiến bộ rõ rệt, chất lượng đại trà ngày càng nâng cao.

8 năm công tác tại Trường tiểu học Lê Hồng Phong cũng là thời gian cô H Bê La Niê giành được hàng loạt các danh hiệu: Giáo viên giỏi cấp huyện, chữ viết đẹp cấp huyện, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp huyện, giáo viên giỏi cấp tỉnh, nhiều năm liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ…

Tháng 12/2018, cô H Bê La Niê tiếp tục chuyển công tác và làm cán bộ quản lý tại Trường tiểu học Lê Lợi (buôn M'Hăng, xã Cư Huê, huyện Ea Kar) - cũng là một trường nằm trên địa bàn buôn đặc biệt khó khăn, học sinh chiếm 70% là người dân tộc thiểu số.

Gần 5 năm làm công tác quản lý chuyên môn, cô góp phần giúp thành tích của nhà trường ngày càng đi lên. Hằng năm, nhà trường luôn có học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh, quốc gia. Cô cũng nhiều năm được UBND tặng giấy khen và đạt Chiến sĩ thi đua.

Cô H Bê La Niê: Thầy cô phải dạy dỗ bằng cả tấm lòng, tình thương, lòng nhiệt huyết.

Cô H Bê La Niê: Thầy cô phải dạy dỗ bằng cả tấm lòng, tình thương, lòng nhiệt huyết.

Kinh nghiệm hay giáo dục học sinh dân tộc

Tiếng Việt là ngôn ngữ thứ 2 đối với học sinh dân tộc thiểu số. Học tiếng Việt đối với em rất khó khăn, vốn tiếng Việt khi vào lớp 1 rất ít. Chia sẻ điều này, cô H Bê La Niê cho rằng, việc giúp học sinh làm quen với môi trường học tập mới trước khi vào lớp 1 là vô cùng quan trọng.

Trong thời gian hè, sau khi hoàn thành tuyển sinh vào lớp 1, thầy cô có trách nhiệm vận động và tạo điều kiện để học sinh ra lớp. Trước khi chính thức bước vào năm học mới, nhà trường cần có kế hoạch cho học sinh làm quen với môi trường học tập mới, đặc biệt là tăng cường tiếng Việt. Theo đó, tập trung rèn cho học sinh kỹ năng nói, nghe, giao tiếp bằng tiếng Việt; dành thời gian còn lại cho các em đọc, nhớ các chữ cái, biết cầm bút và các nét cơ bản, tạo tâm thế tốt nhất khi vào lớp 1.

“Giáo viên cũng cần làm tốt công tác tuyên truyền để học sinh được nói tiếng Việt thường xuyên, mọi lúc mọi nơi: Ở lớp, ở trường, ở gia đình và cộng đồng. Tạo môi trường học tập thân thiện, thông qua các môn học và hoạt động giáo dục, qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp tăng cường tiếng Việt cho học sinh. Điều không thể thiếu giúp các em tiến bộ là thầy cô phải dạy dỗ bằng cả tấm lòng, tình thương, lòng nhiệt huyết”, cô H Bê La Niê trao đổi.

Không chỉ khó khăn về tiếng Việt, nhiều học sinh dân tộc chưa thực sự mạnh dạn giao tiếp, còn rụt rè trong hoạt động học tập và các hoạt động khác. Tuy nhiên, theo cô H Bê La Niê, điểm mạnh của các em là thường rất ngoan, nhiều em có năng khiếu văn nghệ và thể dục thể thao. Nắm được điều này, thầy cô sẽ giải pháp để thường xuyên động viên, khuyến khích học sinh, rèn cho các em sự mạnh dạn, tự tin.

“Cách làm của tôi là gần gũi để nắm được hoàn cảnh của học sinh; thường xuyên dành thời gian vào buôn thăm gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh cá biệt, tạo mối quan hệ gần gũi với phụ huynh. Biết giao tiếp bằng tiếng dân tộc là một lợi thế đáng kể trong công tác chủ nhiệm và dạy học”, cô H Bê La Niê chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ