Nữ nhà giáo 20 năm 'vác bị' xây trường vùng khó

GD&TĐ - Gần 40 năm gắn bó với giáo dục vùng khó là chặng đường nhiều trăn trở của nữ nhà giáo Nguyễn Thị Nga.

Qua sự kết nối của nhà giáo Nguyễn Thị Nga, cơ sở vật chất tại Trường Mầm non Núa Ngam hiện nay đã được đầu tư đồng bộ, khang trang hơn.
Qua sự kết nối của nhà giáo Nguyễn Thị Nga, cơ sở vật chất tại Trường Mầm non Núa Ngam hiện nay đã được đầu tư đồng bộ, khang trang hơn.

Cô Nga là Hiệu trưởng Trường Mầm non Núa Ngam, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên). Với tâm thế biến khó khăn thành hành động, cô Nga đã dành nửa hành trình ấy để làm nên diện mạo mới cho những mái trường…

“Em chọn lối này…”

Rời quê lúa Thái Bình, năm 1986 cô giáo trẻ Nguyễn Thị Nga mang theo hành trang chỉ vài bộ quần áo, ngược núi lên Điện Biên. Nhiều lần lên xuống, xuôi theo những chuyến xe dòng dã dài ngày, cô Nga đặt chân đến biên giới trong sự ngỡ ngàng.

“Tôi được phân công giảng dạy tại Trường THCS xã Núa Ngam (huyện Điên Biên). Lúc bấy giờ đây còn là xã đặc biệt khó khăn. Đường đi vất vả, cơ sở vật chất trường lớp, nhà ở gần như chưa có gì. Học sinh, phụ huynh đồng bào đa phần chưa thạo tiếng phổ thông nên hạn chế trong giao tiếp. Mọi thứ khác xa so với những gì tôi mường tượng”, cô Nga nhớ lại.

Vì tuổi còn trẻ nên suốt những năm đầu cô Nga từng vài lần có ý định bỏ việc, xuôi quê. Nhưng rồi mỗi ngày lên lớp, nhìn bọn trẻ nhem nhuốc háo hức với từng bài học, cô lại nguôi ngoai. Lứa học trò đầu tiên trưởng thành, trở về xây dựng quê hương như nguồn động lực thôi thúc cô quyết định ở lại, gắn bó với biên giới.

Để không nhàm chán, cô nghĩ cách nỗ lực làm mới mình, mới nghề mỗi ngày. Những sáng tạo trong giảng dạy của cô được nhà trường và ngành ghi nhận. Năm 1994, cô Nga đại diện nhà trường tham dự cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Năm 1996, cô tiếp tục được Phòng GD&ĐT cử đi dự thi giáo viên giỏi cấp tỉnh. Mỗi lần “vác chuông đi đánh”, cô đều mang niềm vui, vinh dự về cho đơn vị.

Nhà giáo Nguyễn Thị Nga (thứ 2 từ trái sang) cùng các nhà tài trợ cắt băng khánh thành điểm trường Na Sang 1.

Nhà giáo Nguyễn Thị Nga (thứ 2 từ trái sang) cùng các nhà tài trợ cắt băng khánh thành điểm trường Na Sang 1.

Từ đó, cô được ngành giáo dục địa phương tin tưởng giao trọng trách cốt cán chuyên môn. Cô Nga thường xuyên tham gia hỗ trợ, giúp đỡ các trường trong huyện, trong tỉnh nâng cao chất lượng chuyên môn, thông qua các cuộc tập huấn, hội thảo, sinh hoạt chuyên đề cấp cụm, phòng…

Năm 2003, trường chia tách để thành lập thêm trường mầm non. Cô Nga được ngành giao phụ trách cấp mầm non. Sự khởi đầu vốn đã khó khăn, ở vùng khó lại càng gian truân. Cơ sở mới thành lập nhiều ngổn ngang, bề bộn, thiếu thốn đủ thứ, từ phòng học, phòng chức năng, công trình phụ trợ… Trong khi nguồn kinh phí dành cho giáo dục ở địa phương hết sức hạn chế.

“Thời điểm ấy, tôi mất nhiều đêm thức trắng bởi trăn trở và lo lắng. Muốn dạy tốt, học tốt thì phải xây dựng được môi trường giáo dục tốt. Đội ngũ nhân lực chất lượng là điều tất yếu rồi. Nhưng cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học cũng phải đảm bảo. Nghĩ thế nên tôi quyết định đi tìm sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm”, cô Nga bộc bạch.

Một giờ học của cô trò Trường Mầm non Núa Ngam.

Một giờ học của cô trò Trường Mầm non Núa Ngam.

Hai thập kỷ “vác bị” đi xin

Nghĩ là làm, cô bắt đầu hành trình “đi xin” từ những mối quan hệ quen biết cá nhân. Bạn bè, người thân… ai có gì hỗ trợ cho học sinh, phục vụ công tác giảng dạy cô đều xin. Từ đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, đồ chơi, chăn màn, quần áo cho trẻ… Rồi nhiều lần cô vận động phụ huynh đóng góp tre, gỗ, đá, phế liệu… để dựng lên các sân chơi đơn sơ ở điểm trường.

Để công trình có quy mô, đồng bộ hơn, cô Nga bắt đầu gửi đi những lá thư ngỏ kêu gọi tài trợ. Việc thiện thường dễ lan tỏa nên những lá thư của cô, bằng nhiều cách khác nhau đã đến tay các nhà hảo tâm. Nhiều tổ chức, cá nhân tự liên hệ, kết nối để hỗ trợ nhà trường xây dựng lớp học, công trình vệ sinh, sân chơi…

Đặc biệt, sau những lần chứng kiến học sinh đứt bữa, giáo viên vất vả đi lại vận động phụ huynh cho con em ra lớp, cô Nga đã tìm cách kết nối bữa cơm cho trò. Qua nhiều người giới thiệu, năm 2011 cô xin được tài trợ của Chương trình cơm có thịt, Quỹ trò nghèo vùng cao, để hỗ trợ hàng trăm bữa ăn trưa cho học sinh không thuộc diện chính sách của nhà trường. Từ kết nối này, đến nay có 25 trường, với hơn 2.000 học sinh dân tộc trong huyện được nuôi ăn, đảm bảo việc học.

“Tôi may mắn khi nhận được sự tin tưởng, đồng hành của nhiều tổ chức, cá nhân có tấm lòng thiện nguyện. Vì thế, học sinh của tôi từ việc được học tập trong những căn phòng ấm áp hơn, ăn bữa cơm no hơn… Dần dần cho tới nay các em đều có môi trường học tập tốt, sạch đẹp, khang trang; ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng… Tôi cảm ơn rất nhiều sự đồng hành để làm nên đổi thay ấy”, cô Nga chia sẻ.

Không chỉ dừng lại ở việc hoàn thiện cơ sở vật chất, điều kiện học tập cho học sinh nhà trường, với sự tin tưởng và nguồn hỗ trợ từ nhà hảo tâm, cô Nga còn kết nối, kêu gọi đầu tư cho nhiều cơ sở giáo dục khác trong cùng địa bàn. Với suy nghĩ “nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó” là nhiệm vụ chung, mỗi lần thấy đồng nghiệp chia sẻ thiếu phòng học, sân chơi… cô Nga lại thêm một lần gửi đi lời kêu gọi.

Ông Đặng Quang Huy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Điện Biên nhận xét: “Không chỉ đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhà giáo Nguyễn Thị Nga còn là tấm gương sáng trong công tác xã hội hóa, vượt khó để nâng cao chất lượng giáo dục địa phương. Tôi luôn tin tưởng tấm lòng nhiệt huyết, tận tâm và trách nhiệm của cô Nga sẽ được lan tỏa và truyền đi năng lượng tích cực, góp phần xây dựng sự nghiệp giáo dục vùng khó”.

Theo thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Điện Biên, từ năm 2010 đến nay, cô Nga đã kêu gọi, kết nối được trên 6 tỷ đồng đầu tư, hỗ trợ cho giáo dục địa phương. Trong đó, hơn 4,7 tỷ đồng cho Mầm non Núa Ngam để đầu tư xây dựng 19 phòng học, hàng chục phòng chức năng, bếp ăn, sân chơi, công trình vệ sinh, hỗ trợ quần áo ấm, chăn ấm, thiết bị đồ dùng, đồ chơi, sách vở… cho học sinh. Gần 1,5 tỷ đồng đầu tư nhiều công trình cho trường Mầm non các xã: Mường Lói, Hẹ Muông, Na Tông (huyện Điện Biên), Pá Khoang (TP Điện Biên Phủ).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kết nối, hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người lao động. Ảnh: Thanh Bình

169.000 lao động sẽ có việc làm mới

GD&TĐ - Theo kế hoạch hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn TP Hà Nội năm 2025, UBND TP Hà Nội đề ra chỉ tiêu sẽ giải quyết việc làm mới cho 169.000 lao động, đồng thời giảm tỉ lệ thất nghiệp thành thị dưới 3% và tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%.

Indonesia có khoảng 60 loại keris khác nhau. Ảnh: Wikipedia.org

Linh kiếm của Indonesia

GD&TĐ - Nếu ở hầu hết các nền văn hóa, kiếm chỉ giữ vai trò vũ khí thì ở Indonesia, kiếm cổ truyền – Keris mang cả giá trị quân sự lẫn tâm linh.