Cô giáo đưa trẻ rời trường, tham gia cuộc phiêu lưu toàn cầu

GD&TĐ - Chán nản với những mục tiêu và những bài kiểm tra, cô giáo Sue Cowley đã đưa những đứa trẻ của cô vào cuộc phiêu lưu toàn cầu, đồng thời viết một cuốn sách hướng dẫn giúp các bậc cha mẹ khác có thể cân nhắc việc làm tương tự.

Gia đình cô Cowley tại Harz, Đức
Gia đình cô Cowley tại Harz, Đức

Cô Sue Cowley – một người mẹ đồng thời cũng là một giáo viên đã viết trong cuốn sách mới của mình: “Đó là giáo dục hay sao? Đó có phải là hàng ngày đi học, mặc đúng đồng phục, học hành chăm chỉ và hoàn thành bài tập về nhà không? Có phải giáo dục là về việc các cháu có thể biết và nhớ được bao nhiêu sự kiện trong các kỳ thi không? Hay giáo dục có thể là một điều gì đó khác biệt hơn, có thể diễn ra trong lớp học cũng như bên ngoài thế giới?”

Cuộc hành trình giáo dục

Cô Cowley đã gắn bó cả cuộc đời mình với ngành giáo dục. Cô đã được đào tạo để trở thành giáo viên, đã dạy tiếng Anh và kịch ở các trường trung học, làm việc trong các trường học ở nước ngoài, đào tạo giáo viên, là một chuyên gia trong quản lý hành vi, và đã viết hơn 25 cuốn sách cho các giáo viên và phụ huynh. Nhưng rồi ba năm trước cô quay lưng lại với nó.

Thất vọng vì những thay đổi và chế độ thi cử trong hệ thống giáo dục ở Anh, cô đã đưa hai đứa con của mình ra khỏi trường học và bắt đầu cuộc hành trình định hướng trẻ trên khắp châu Âu và Trung Quốc.

Hành trình đã được lên kế hoạch xung quanh các sở thích của các con cô: xem khủng long ở Bảo tàng Naturkunde Berlin, núi lửa ở Vesuvius, gần Naples, xem bức tranh “Bữa tối cuối cùng” ở Milan của Leonardo da Vinci và gấu trúc khổng lồ ở vườn thú Bắc Kinh.

Kết quả là một cuộc phiêu lưu kéo dài sáu tháng, được ghi lại trong cuốn “Road School” của cô, mô tả cuộc phiêu lưu của gia đình và đưa ra hướng dẫn thực tế cho các bậc cha mẹ khi muốn bước ra khỏi hệ thống giáo dục này và bắt đầu việc giáo dục trên đường đi.

Cô Cowley là một trong số ít, nhưng ngày càng nhiều các bậc cha mẹ cho con mình một nền giáo dục khá khác biệt. Số trẻ em học ở nhà tại Anh tăng 65% từ năm 2009 đến năm 2015 và một vài trong số những gia đình này sẽ lựa chọn mô hình kết hợp – dạy con cái của mình trong khi đi du lịch trên thế giới.

Ngày nay, khi ngày càng có nhiều công việc không còn gắn liền với một địa điểm cụ thể hay một ngày làm việc 8 tiếng truyền thống, giáo dục theo hình thức này đang trở thành một lựa chọn khả thi hơn với một số người.

Cô Cowley cho biết: “Tôi đã tiếp xúc với các gia đình khác đang thực hiện những chương trình tương tự. Ngày nay, với Internet và tất cả những cuốn sách bạn có, cách thế giới hoạt động có thể dạy cho trẻ em rất nhiều điều. Đó là một hình thức học tập khác”. Điều khiến cho cuốn sách của cô Cowley đặc biệt thú vị là cô đã tiếp cận phương pháp học mới này không chỉ với tư cách một phụ huynh, mà còn là một giáo viên có kinh nghiệm.

Gia đình gồm có cô Cowley, Frank – chồng cô, cậu con trai Alvie 11 tuổi và cô con gái Edite 8 tuổi đã khởi hành tới Dover vào tháng 2 năm 2014. Điểm đến đầu tiên của họ là một căn nhà di động ở ngoại ô Amsterdam, trước khi họ di chuyển tới Đức, Ý, Bồ Đào Nha, Pháp và các nước khác.

Và những vấn đề cần tháo gỡ

Chuyến đi này diễn này trùng thời điểm với khi chính phủ Anh đưa ra những giải pháp cứng rắn đối với việc vắng mặt trong kì học của học sinh, khiến cho cha mẹ đưa con em mình ra khỏi trường rất khó khăn. Hàng trăm bậc phụ huynh đã bị phạt. Theo quan điểm của chính phủ, nếu trẻ em không ở trong trường, các em sẽ không thể học được. Nhưng cô Cowley nghĩ khác.

Cô viết trong những trang mở đầu cuốn sách của mình: “Học tập không chỉ diễn ra trong trường học. Không phải tất cả các ngày nghỉ đều tồi tệ cả. Không phải tất cả sự vắng mặt khỏi trường đều gây tổn hại. Những đứa trẻ của tôi đã dành sáu tháng không ngồi xuống và học bất kỳ bài học chính thức nào, nhưng điều đó không có nghĩ là chúng ngừng học”.

Chỉ có bốn quy tắc đối với việc học trên đường này: một, chúng sẽ luôn luôn di chuyển; hai, chúng sẽ tìm kiếm những điều thú vị; ba, (một quy tắc ít phổ biến hơn) cả hai đứa trẻ đều phải viết một trang giấy A4 mỗi ngày vào nhật ký du lịch của mình; và bốn, một số quy tắc phải giữ và một số quy tắc được phép phá vỡ. Cô cho biết: “Học trên đường có nghĩa là không có đồng phục, không có thời khóa biểu, không có bài kiểm tra chính thức, không có bài tập về nhà. Chúng tôi đã phá vỡ các quy tắc”.

Vậy cô Cowley không lo lắng về việc làm gián đoạn việc học hành của con mình sao? Với câu hỏi này, cô cho biết: “Thực ra tôi không đặc biệt quan tâm. Chúng là những học sinh hoàn toàn có khả năng, cả hai đều biết đọc và viết. Tôi không cảm thấy mình cần phải đưa chúng vào trường học chỉ để chúng có thể qua bài thi SAT. Việc học mang ý nghĩa rộng lớn hơn. Tôi thì muốn chúng có thể học thông qua những chuyến đi”.

Cuối cuốn sách của mình, cô viết một phần “chương trình giảng dạy để học trên đường” dành cho những bậc phụ huynh không phải là giáo viên muốn áp dụng phương pháp này. Để học tiếng Anh, các em có thể viết thư về nhà; với toán thì làm việc với tiền tệ, khoảng cách di chuyển và giá cả; với giáo dục thể chất thì các em đi bộ hoặc bằng xe đạp. Nghệ thuật, ngôn ngữ hiện đại, lịch sử và địa lý cũng được mang đến cho các em.

Cô Cowley cho biết: “Việc học như thế này dường như không gây hại gì cho những đứa trẻ của tôi cả. Cả hai đều có động lực học tập. Chúng không gặp vấn đề với việc đọc sách, vì chúng có niềm vui và bị cuốn hút bởi mọi thứ”. Trở lại sau chuyến đi, Edite đã vẽ một tấm bản đồ châu Âu cực kỳ chính xác theo trí nhớ, trong khi đây có thể là một thách thức vượt xa với người lớn.

Một điểm tích cực lớn khác là việc di chuyển như vậy tăng khả năng đối phó với những điều bất ngờ của trẻ. Chẳng hạn như thời điểm cánh cửa tàu điện ngầm ở Trung Quốc đóng cửa sau khi Alvie nhảy lên tàu, còn mọi người thì vẫn đứng ở trạm; sau đó, họ đã tìm thấy cậu bé ở trạm tiếp theo, khi cậu đang ngồi đọc sách mà không hề thấy lo âu căng thẳng gì cả.

Kể từ khi trở lại, Alvie và Edite trở lại trường học. Tuy nhiên, cô Cowley vẫn lo lắng về tương lai lâu dài của nền giáo dục Anh, vì các trường học đang phải vật lộn với việc cắt giảm tài chính và các bậc phụ huynh cũng ngày càng lo ngại về tác động của những thay đổi này với chương trình giảng dạy.

Những đứa trẻ của cô có thể vui vẻ khi ở nhà, nhưng cô Cowley thì thấy khó thích ứng. Cô chia sẻ: “Tôi không khuyến khích việc này cho tất cả mọi người. Nhưng có quá nhiều trải nghiệm, những điều mới mẻ mỗi ngày. Giây phút quay trở lại, tôi đã nghĩ: chúng ta có thể đi đâu tiếp nhỉ? Điều nguy hiểm đối với những người đang cân nhắc phương pháp này là, có thể các bạn sẽ cảm thấy “ngứa chân” và muốn đi đó”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...