Chất liệu hình ảnh là chủ đạo
Ra đời từ năm 1959 đến nay Hãng Phim Hoạt hình Việt Nam có khoảng hơn 500 phim hoạt hình. Trong đó số lượng phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học khoảng chừng 20%. Hiện nay không chỉ có riêng phim hoạt hình mà các thể loại phim khác đều có xu hướng lựa chọn các tác phẩm văn học để chuyển thể.
Nếu theo con số thống kê trên thì số lượng phim hoạt hình được chuyển thể từ tác phẩm văn học thiếu nhi chưa nhiều. Một trong những nguyên nhân lý giải việc các phim hoạt hình được chuyển thể từ tác phẩm văn học chiếm số lượng khiêm tốn đó là hiện nay các chủ đề về phim hoạt hình rộng hơn so với hơn chục năm trước kia.
Trên thực tế không chỉ có các phim chuyển thể từ kịch bản học mà còn là các phim dàn dựng với nội dung dạy về các kỹ năng sống thiết yếu dành cho trẻ em, hoặc các phim hoạt hình với nội dung hài ước vui nhộn.
Sự đa dạng về chủ đề phim cũng tạo nên tính cạnh tranh khiến cho thể loại phim hoạt hình này thu hẹp hơn. Bên cạnh đó, đặc thù của ngôn ngữ hoạt hình là kiểu kể chuyện bằng hình ảnh nên có phần gần gũi với sáng tác của văn học dân gian, đặc biệt là ở mảng truyền thuyết, cổ tích…
Về phương diện này, các sáng tác của văn học dân gian chiếm ưu thế hơn. Những bộ phim hoạt hình của Việt Nam được chuyển thể từ những câu chuyện cổ tích như Thạch Sanh, Cây tre trăm đốt, Tấm Cám, Sơn Tinh Thủy Tinh... luôn được các em nhỏ yêu thích. Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới các hãng phim hoạt hình nổi tiếng cũng lựa chọn thể loại truyện dân gian để chuyển thể trong các bộ phim đặc sắc của mình.
Những bộ phim hoạt hình đặc sắc như Cô bé Lọ Lem, Người đẹp và quái vật, Nàng công chúa ngủ trong rừng, Nàng tiên cá, Bầy chim thiên nga… cũng đều là những bộ phim được dàn dựng từ các câu chuyện cổ tích của nước ngoài. Thế giới nhân vật trong truyện cùng với trí tưởng tượng bay bổng chính là chất liệu độc đáo để các nhà biên kịch dựng thành phim gửi gắm những câu chuyện về nhân sinh.
Tác phẩm phải tạo được hiệu ứng
So với những phim được chuyển thể từ chuyện cổ dân gian thì những bộ phim xuất phát từ kịch bản văn học cũng có những thế mạnh riêng. Trước tiên phải kể đến những bộ phim như: Mèo con (chuyển thể từ truyện Cái Tết của Mèo con của nhà văn Nguyễn Đình Thi), Dế Mèn (chuyển thể từ truyện Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài); Hiệp sĩ trán dô (chuyển thể từ truyện Thằng quỷ gỗ của Nguyễn Quang Thiều), Tít và mít (chuyển thể từ tuyện tranh Tí quậy của Đào Hải)… Với cách kể chuyện hấp dẫn gần với cuộc sống thực nên những bộ phim này thu hút được số đông các bạn nhỏ.
Tuy nhiên, để những tác phẩm văn học được chọn lựa dựng thành phim kịch bản phim hoạt hình cũng cần thỏa mãn nhiều yếu tố. Theo nhà biên kịch Phạm Thanh Hà thì ngoài “điều kiện” tác phẩm văn học cần có chứa đựng chất liệu điện ảnh tiềm tàng bao gồm cốt truyện, tình huống, nhân vật, hành động, tư tưởng chủ đề, ngôn ngữ giàu chất điện ảnh… thì lợi thế từ tác phẩm văn học được lựa chọn chuyển thể thành kịch bản phim hoạt hình là câu chuyện có ý tứ, đã được thẩm định qua thời gian, đã được công chúng đón nhận. Thậm chí tên tuổi của nhà văn đã gây tiếng vang trong lòng bạn đọc, tạo sức hút… như một sự “bảo đảm” để công chúng tiếp tục theo dõi bất cứ tác phẩm nào liên quan.