Rộn ràng sân khấu kịch
Nếu những năm trước đây chương trình giành cho thiếu nhi chủ yếu diễn ra trong dịp hè, thì giờ đây thời gian biểu diễn phong phú hơn với nhiều thể loại độc đáo.
Tuy nhiên mùa hè vẫn là thời gian mà các sân khấu thiếu nhi luôn sáng đèn nhiều nhất, vì khoảng thời gian này các em nhỏ được nghỉ ngơi và thư giãn sau một năm học.
Trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ, Hà Nội, ngay từ đầu hè 4 vở kịch "Cuộc phiêu lưu của gà Trống Choai", "Mảnh lego màu đỏ", “Cậu bé khổng lồ lạc vào hang kiến","Con chim xanh" đã thu hút được sự quan tâm của các bạn nhỏ.
Với những trang phục ngộ nghĩnh đặc biệt là cách kể chuyện dí dỏm các cô chú diễn viên đã đưa các em thiếu nhi đến với những xứ sở thần tiên của trẻ thơ. Ở đây mọi câu chuyện đều được thể hiện thông qua lăng kính đầy sắc màu. Không chỉ mang hơi hướng những câu chuyện đồng dao, cổ tích mà những vở kịch còn là những bức thông điệp về cuộc sống.
Theo dõi những tình huống cùng các nhân vật trong chuyện các bạn nhỏ cũng như được trải nghiệm với những chuyên phiêu lưu kỳ thú.
Tại thành phố HCM, chương trình Ngày xửa ngày xưa của sân khấu kịch Idecaf từ lâu đã được các bạn nhỏ ở đây đón nhận với bao nhiêu háo hức.
Chương trình Ngày xửa ngày xưa lần thứ 30 đã thỏa mãn những mong chờ của các khán giả nhí. Sau khi đưa các bạn nhỏ đi chu du nhiều nơi trên thế giới, năm nay chương trình kịch Ngày xửa ngày xưa đưa các bé trở về câu chuyện thần tiên Việt Nam.
Lấy bối cảnh từ thời Âu Lạc, vở kịch thiếu nhi “Hoàng tử - công chúa và 9 vị thần… bị bắt” của đạo diễn: Vũ Minh đã mang đến cho các em nhỏ thiếu nhi một món ăn tinh thần mới lạ.
Câu chuyện đưa các bạn nhỏ ngược thời gian trở về thời Việt Cổ ở đất nước mang tên Phong Châu. Ở đó các hoàng tử, công chúa của đất nước phải cùng kề vai sát cách với 9 vị thần chống lại thần Bóng đêm để bảo vệ chính nghĩa.
Gửi gắm câu chuyện nhân văn
Như tên gọi Nhà hát Tuổi trẻ, tiêu chí chung mà các nghệ sĩ ở đây hướng tới đó là tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đáp ứng những mong mỏi của giới trẻ. Chính vì vậy trăn trở: làm sao kéo trẻ khỏi những thế giới ảo để bước vào sân khấu sống động, vui tươi luôn là thách thức đối với các nghệ sĩ. Chúng tôi muốn tạo ra không gian để trẻ đến và ở lại - không chỉ là tâm sự của NSƯT Chí Trung, người đứng đầu Nhà hát mà cũng là mong mỏi của tất cả các nghệ sĩ ở đây.
Đặc biệt với đối tượng trẻ thơ thì nội dung giáo dục càng được coi trọng trong mỗi tác phẩm nghệ thuật mà các nghệ sĩ dàn dựng. Vở kịch “Cuộc phiêu lưu của Gà trống choai” do đạo diễn – NSƯT Đức Hải dàn dựng là câu chuyện về chuyến phiêu lưu của chú gà trống choai và những người bạn đáng yêu: Doraemon, ve và kiến, cá vàng, chú ếch con… Không chỉ thu hút các bạn nhỏ bằng những bài hát thiếu nhi vui nhộn quen thuộc, xuyên suốt vở kịch là cuốc đấu trí đây thông minh dũng cảm của Trống Choai và những người bạn chống lại gã chuột cống hung ác gian xảo. Kịch mang âm hưởng của những chuyện cổ tích, với sự giúp sức của bà Bụt nhân từ Tấm đã thoát khỏi sự hành hạ độc ác của mẹ con nhà Cám.
Vở kịch Con chim Xanh lại cuốn hút các bạn trẻ với nội dung đậm chất nhân văn cao quý. Đó là câu chuyện về hai anh em Tin Tin và Mytin đi tìm con chim xanh - sứ giả của hạnh phúc - để làm quà tặng cho cô bạn bé nhỏ đang bị ốm.
Mặc dù phải gặp nhiều thử thách khó khăn nhưng cuối cùng các bạn nhỏ đã mang được con chim xanh trao tận tay cho bé gái. Và phép nhiệm màu đã xảy ra: bé gái đã khỏi bệnh.
Cuộc hành trình diễn ra như một giấc mơ cổ tích nhưng vẫn hết sức gần gũi với cuộc sống thực. Vở kịch mà đạo diễn và các các diễn viên mang đến cho các em thiếu nhi không chỉ là những phút giây thư giãn thoải mái mà còn là bức thông điệp về niềm tin cuộc sống, về tình yêu, lòng nhân ái giữa con người.
Sân khấu giành cho trẻ em là mảnh đất mà các đơn vị nghệ thuật đã cũng giành nhiều tâm sức. Tuy nhiên, với nhu cầu giải trí ngày càng cao của trẻ nhỏ, những chương trình biểu diễn luôn phải có sự đổi mới. Và không đơn thuần chỉ là những sân chơi giải trí, những sản phẩm nghệ thuật còn phải thể hiện thông điệp giáo dục giúp trẻ phát triển và hoàn thiện nhân cách.