Cô giáo Đồng Tháp mách nước ôn tập hiệu quả môn Ngữ văn 12

GD&TĐ - Từ những lỗi hay gặp của học sinh, cô Nguyễn Thị Bé - giáo viên Trường THPT Phú Điền, Đồng Tháp - chia sẻ kinh nghiệm giúp học sinh ôn tập hiệu quả môn Ngữ văn lớp 12.

Cô giáo Đồng Tháp mách nước ôn tập hiệu quả môn Ngữ văn 12

Một số vấn đề thường gặp

Trong giai đoạn ôn tập thi học kì 2 cũng như thi tốt nghiệp THPT, học sinh thường hay gặp phải những vấn đề sau:

Phần đọc hiểu văn bản (3 điểm): Đa số các em đạt ở khoảng điểm 1-1,75 điểm. Rất hiếm để kiếm được những bài đạt từ 2-3 điểm. Học sinh thường lúng túng khi xác định phương thức biểu đạt, sa đà phân tích ở câu nhận biết nhưng lại sơ sài trong câu thông hiểu hoặc chưa tự tin thể hiện suy nghĩ, cách kiến giải độc lập của mình trong câu hỏi vận dụng.

Phần nghị luận xã hội (2 điểm): Câu chủ đề không rõ ràng hoặc thiếu câu chủ đề… Không có dẫn chứng hoặc phân tích quá kĩ dẫn chứng, kể lể lan man hoặc nhắc lại các chi tiết trong ngữ liệu phần đọc hiểu… Khi đề yêu cầu viết khoảng 200 chữ, các em thường viết nửa trang giấy, diễn đạt lủng củng, lặp ý, thiếu ý, câu không rõ nghĩa, xuống dòng tùy tiện.

Phần nghị luận văn học (5 điểm): Thực hành giải các dạng đề tập làm văn hầu hết không xác định được vấn đề nghị luận, lạc đề, sa đề. Đoạn văn lủng củng, lặp ý, thiếu ý diễn đạt không rõ nghĩa, thô thiển rồi giữa các đoạn thiếu liên kết (chuyển ý) là những lỗi thường thấy nhất trong quá trình ôn tập cho học sinh.

Cô giáo Đồng Tháp mách nước ôn tập hiệu quả môn Ngữ văn 12 ảnh 1

Một số giải pháp ôn tập hiệu quả

Giải pháp của tôi cho những vấn đề trên như sau:

Thứ nhất: Ra nhiều dạng bài tập đọc hiểu cho học sinh thực hành để các em tự rút kinh nghiệm và khắc sâu kỹ năng trả lời các dạng câu hỏi thường gặp.

Trong tiết ôn tập phần đọc hiểu, tôi thường dành khoảng thời gian từ 5-10 phút để truy bài lí thuyết học sinh qua những câu hỏi: Em hãy nhắc lại kỹ năng trả lời dạng câu hỏi “ Hiểu như thế nào...”? Hay dạng câu hỏi “Tại sao...?”; “ Đồng tình hay không đồng tình. Vì sao...”?

Sau khi học sinh trả lời, giáo viên chốt lại ý chính và cho học sinh thực hành bài tập. Trong quá trình sửa bài tập, tôi thường dán bảng phụ (kỹ năng trả lời các dạng câu hỏi thường gặp) hoặc chiếu Powerpoint để các em đối chiếu so sánh việc vận dụng lí thuyết vào bài tập, phần nào chưa đạt.

Ngoài ra, tôi còn cho học sinh nhận xét bài chéo nhau, phát vấn, đối thoại ví dụ như  “Tại sao bạn chọn phương thức biểu đạt tự sự mà không chọn nghị luận?”, “ Sao bạn đồng tình với ý kiến của tác giả?”, qua đó học sinh rút được kinh nghiệm, tự tin hơn trong làm bài.

Tạo nhóm Zalo, chia theo đối tượng học sinh yếu kém và tiến hành giao bài tập rèn thêm ở nhà. Tuần 2 buổi có phối hợp chặt chẽ với phụ huyng để quản lí giờ giấc. Đôi khi cũng tiến hành phụ đạo trên lớp. 

Ví dụ: Nhóm 1 là những học sinh yếu, mất kiến thức cơ bản, tôi thường ra bài tập ở mức độ vừa phải, các câu hỏi xoay quanh dạng nhận biết về từ ngữ, hình ảnh, nêu nội dung chính...Nhóm 2: Tăng cường rèn kỹ năng trả lời các câu hỏi vận dụng. Tiến hành chấm, điểm cộng để khuyến khích các em học tập.

Đồ họa: An Nhiên
Đồ  họa: An Nhiên

Thứ hai: Tăng cường rèn kỹ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội theo 3 bước.

Bước 1: Ôn lại kĩ năng tạo lập đoạn văn nghị luận xã hội. Theo đó, về hình thức, yêu cầu lùi đầu dòng viết hoa chữa cái đầu tiên, không được xuống dòng trong quá trình triển khai đoạn văn. Đoạn văn 200 chữ là khoảng 2/3 trang giấy thi (tương đương khoảng 20 dòng viết tay).

Đoạn văn phải có câu chủ đề (đặt đầu hoặc cuối đoạn văn). Các câu trong đoạn văn có sự liên kết chặt chẽ về nội dung và hình thức. HS sử dụng linh hoạt các phép liên kết câu (phép lặp, phép nối, phép thế…).

Về mặt nội dung: Đoạn văn bảo đảm hệ thống các ý sau:

Mở đoạn: Giới thiệu thẳng vấn đề mà đề bài yêu cầu (1 câu - câu chủ đề đoạn văn).

Thân đoạn: Giải thích, chứng minh: Giải thích ngắn gọn nội dung tư tưởng, đạo lí hoặc hiện tượng được đưa ra trong đề bài (2 - 3 câu). Nêu biểu hiện cụ thể của tư tưởng, đạo lí hoặc hiện tượng (có thể nêu dẫn chứng liên quan nhưng không nên phân tích, bình luận sâu) (3 - 4 câu).

Bình luận: Bày tỏ quan điểm của bản thân đối với vấn đề mà đề bài yêu cầu. Tranh biện với những quan điểm khác hoăc những mặt khác của hiện tượng (3 - 4 câu).

Kết đoạn: Bài học nhận thức, hành động cho bản thân (2 - 3 câu).

Bước 2: cho học sinh thực hành viết đoạn văn nghị luận xã hội; học sinh tiến hành lập dàn ý. Từ dàn ý học sinh tiến hành diễn đạt thành đoạn văn hoàn chỉnh.

Bước 3: Chấm, nhận xét rút kinh nghiệm làm bài cho học sinh. Giáo viên chọn 1-3 bài, chấm theo các ý cho cả lớp nghe. Trong quá trình sửa bài nhấn mạnh việc học sinh tránh kể lể lan man hoặc nhắc lại những chi tiết trong ngữ liệu đọc hiểu, chép lại phần đọc hiểu "lắp ghép" vụng về vào đoạn nghị luận xã hội. Trong phạm vi một đoạn văn ngắn, học sinh chỉ nên chọn một dẫn chứng tiêu biểu, điển hình, phù hợp; tránh kể lể những câu chuyện về bản thân, gia đình để làm dẫn chứng.

Vận dụng linh hoạt giữa các bước và đa dạng các phương pháp ôn tập để tránh nhàm chán cho học sinh. Đôi khi tôi tổ chức trò chơi “ Tiếp sức cùng bạn” sẽ gọi học sinh lên bảng viết câu chủ đề, học sinh khác viết câu giải thích…, chọn những đoạn văn hay đọc trước lớp có tuyên dương khen thưởng để tạo nên động lực học tập cho học sinh.

Đồ họa: An Nhiên
Đồ họa: An Nhiên

Thứ ba: Thường xuyên rèn kỹ năng phân tích đề - lập dàn ý, nhất là các dạng đề mới lạ theo hướng đổi mới hiện nay và cho học sinh tiếp cận với thang điểm chấm thi.

Đây được xem là bước quan trọng vì dẫu các em có nắm vững kiến thức nhưng không đọc kỹ đề, không phân tích được yêu cầu đề sẽ dễ dẫn đến lạc đề, thiếu ý. Do đó, trong các tiết thực hành làm văn tôi thường cho các em tiếp cận nhiều dạng đề và ở mỗi dạng đề rèn cho các em kỹ năng lập dàn ý.

Cho học sinh tiếp cận với yêu cầu chung thang điểm chấm thi phần Nghị luận văn học của Bộ GD&ĐT:

Phần mở bài đạt yêu cầu (tức là giới thiệu được vấn đề nghị luận) đạt 0,25, nếu mở bài có sáng tạo là 0.5; diễn đạt có sáng tạo là 0,25- 0,5; bố cục rõ ràng (mở bài, thân bài, kết bài và trong phần thân bài chia làm nhiều đoạn) 0,25 điểm; chính tả ngữ pháp không sai 0,25, kết bài 0,25. Như vậy, tổng cộng phần cứng thường nằm ở khoảng 1,25-  1,5 điểm.

Trong quá trình ôn tập, giáo viên cần chỉ cho các em thấy được thang điểm này, để thấy được tầm quan trọng của việc viết chữ cẩu thả khó đọc hay viết không phân đoạn, mở bài - kết bài không đạt sẽ mất điểm.

* "Bí quyết bỏ túi" cho thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT - xem TẠI ĐÂY

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ