Theo đó đề ra theo cấu trúc gồm 2 phần: phần đọc hiểu văn bản với 4 câu hỏi theo các cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao (3 điểm) và phần nghị luận (7 điểm) gồm 2 câu: câu 1 thuộc nghị luận xã hội (2 điểm), câu 2 là nghị luận văn học (5 điểm).
Khi đọc đề thi, học sinh nên gạch chân những từ ngữ quan trọng, then chốt. Phân bố thời gian làm bài sao cho hợp lí giữa các phần: Đối với phần đọc hiểu nên làm khoảng 15-20 phút; với câu nghị luận xã hội khoảng 25-30 phút; còn lại dành cho phần nghị luận xã hội. Phải luôn chủ động về thời gian, tránh tình trạng sa đà. Làm đầy đủ các phần, không bỏ sót ý trong phần đọc hiểu.
Cụ thể như sau:
Đối với phần đọc hiểu: Học sinh phải nắm chắc những kiến thức cơ bản: từ loại, thể thơ, các biện pháp tu từ, phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, phương thức trần thuật, thao tác lập luận, hình thức lập luận...
Phần này thường có 4 câu hỏi theo các cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Ở câu nhận biết thường yêu cầu học sinh xác định phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, thao tác lập luận, hình thức lập luận, từ ngữ, hình ảnh, thể thơ. Ở câu thông hiểu thường hỏi học sinh về một câu nói trong văn bản và hỏi vì sao tác giả lại cho rằng...? Ở câu vận dụng thường yêu cầu học sinh rút ra thông điệp, ý nghĩa, điều tâm đắc của bản thân.
Nên đọc câu hỏi trước sau đó mới đọc văn bản, gạch chân những từ khóa. Bám sát vào văn bản để trả lời vì đôi khi câu trả lời nằm ngay trong văn bản, nhan đề. Trả lời ngắn gọn, hỏi đâu trả lời đó, tránh dài dòng. Không nên trả lời bằng cách viết đoạn văn mà hãy gạch đầu dòng. Thời gian làm phần đọc hiểu khoảng 20 phút.
Đối với phần nghị luận xã hội: Phần này thường yêu cầu viết đoạn văn khoảng 200 chữ. Phần nghị luận xã hội thường đề cập đến 2 nội dung: nghị luận về một hiện tượng đời sống, nghị luận về một tư tưởng đạo lý. Nghị luận về một vấn đề xã hội được đặt ra trong tác phẩm văn học (hiếm khi ra). Vì vậy học sinh không được ngắt xuống dòng. Phần này học sinh nên viết 2/3 trang, tối đa khoảng một trang giấy thi.
Học sinh có thể viết đoạn văn theo hình thức của đoạn văn diễn dịch, quy nạp hoặc tổng phân hợp. Nắm vững cấu trúc cơ bản của một đoạn văn nghị luận xã hội, cách làm bài, cách triển khai ý, cách viết câu. Đối với dạng đề nghị luận về một tư tưởng đạo lý là bàn về một ý kiến, một quan niệm về tư tưởng đạo lý có thể có ý nghĩa tích cực như: lòng nhân ái, vị tha, bao dung, lối sống đẹp, cử chỉ đẹp, tình yêu thương giữa con người với con người...
Có thể là những quan niệm sai lầm cần phê phán và từ đó có hành động đúng đắn để làm cho cuộc sống ngày càng trở nên tốt đẹp hơn. Nghị luận về một hiện tượng đời sống là các hiện tượng diễn ra trong cuộc sống hàng ngày nhất là các hiện tượng liên quan trực tiếp đến giới trẻ. Các hiện tượng này có thể có ý nghĩa tích cực như hiến máu nhân đạo, tiếp sức mùa thi, người tốt việc tốt... nhưng cũng có thể là những hiện tượng tiêu cực cần phê phán như sự lười biếng, những thói xấu học đường... Sử dụng các thao tác luận luận như giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận để triển khai vấn đề qua những luận điểm, luận cứ.
Để viết tốt phần nghị luận xã hội, ngoài việc nắm chắc những kỹ năng trên, học sinh phải có kiến thức về xã hội, cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình xã hội đang diễn ra, những thông tin mang tính thời sự để đưa những dẫn chứng vào bài viết. Thời gian tối đa cho phần nghị luận xã hội 30 phút.
Đối với phần nghị luận văn học:
Học sinh nắm chắc kiến thức chung trong chương trình ngữ văn PTTH, đặc biệt là những tác phẩm trong sách giáo khoa ngữ văn lớp 12. Đối với thơ học sinh phải học thuộc. Chia bố cục bài thơ ra thành từng phần, mỗi phần phải nắm được nghệ thuật chính, các hình ảnh quan trọng nổi bật. Đối với văn xuôi phải học thuộc lòng dẫn chứng, nắm được những chi tiết nghệ thuật, tình huống truyện, ý đồ sáng tạo, đặc điểm tính cách nhân vật. Nắm được hoàn cảnh ra đời, xuất xứ của tác phẩm, phong cách nghệ thuật của tác giả.
Khi làm bài vận dụng các thao tác phân tích, chứng minh, bình luận nâng cao vấn đề. Ngoài ra muốn đạt được điểm cao trong phần nghị luận văn học học sinh phải sử dụng lý luận văn học trong bài viết, có thể học thuộc một số câu nói, nhận định để bài viết hay hơn.
Sau khi nhận dạng đề, xác định yêu cầu của đề nên gạch chân những cụm từ quan trọng, học sinh phải lập dàn ý (dàn ý đại cương). Phần mở bài: dù viết mở bài trực tiếp hay gián tiếp cũng phải giới thiệu được vấn đề, dẫn dắt vấn đề và cảm nhận về vấn đề đó.
Phần thân bài: nêu khái quát về tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh ra đời, xuất xứ, nêu vắn tắt nội dung tư tưởng của tác phẩm, nêu vị trí đoạn trích, trình bày theo luận điểm, luận cứ để làm rõ nội dung và nghệ thuật, sau đó chốt lại vấn đề, nâng cao vấn đề. Phần kết bài: học sinh nên khái quát lại vấn đề và đưa ra những đánh giá về vấn đề đó. Sau khi làm xong bài, học sinh nên dành khoảng 10 phút để đọc lại bài viết của mình.
* "Bí quyết bỏ túi" cho thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT - xem TẠI ĐÂY