Cấu trúc quen thuộc
Theo bà Nguyễn Thị Mai Chang, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Yên, năm học 2020-2021, nhà trường có 320 học sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp. Việc học và học chuyên đề của học sinh sẽ kéo dài đến hết tháng 5. Sau đó, nhà trường sẽ tăng tốc ôn tập cho các em trong tháng 6 tới.
Nhận định về cấu trúc đề tham khảo bài thi Ngữ văn 2021 do Bộ GD&ĐT công bố, thầy giáo Nguyễn Văn Lự (Trường THPT Vĩnh Yên) cho biết: Cấu trúc đề vẫn giữ ổn định, không có thay đổi so với năm 2020. Đề bài phù hợp với đối tượng và có phân hóa ở câu 4 phần đọc hiểu.
Phân tích sâu hơn về cấu trúc đề thi, cô giáo Trịnh Thị Hoài Giang (Trường THPT Vĩnh Yên) nêu quan điểm: Cấu trúc đề thi quen thuộc, mức độ các câu hỏi vừa sức, có xu hướng giảm tải khá rõ, phù hợp với tâm lí, nhận thức của học trò.
Cụ thể, đối với phần đọc hiểu, ngữ liệu không nằm ngoài chương trình sách giáo khoa phổ thông; 4 câu hỏi được phân loại khá rõ ranh giới của các cấp độ nhận thức.
Về phần làm văn, câu nghị luận xã hội không thay đổi với yêu cầu viết đoạn văn khoảng 200 chữ, nội dung nghị luận vẫn là khía cạnh của vấn đề có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ với nội dung ngữ liệu phần Đọc hiểu trước đó. Kỹ năng quen thuộc với học sinh trong quá trình ôn luyện.
Câu nghị luận văn học vẫn dạng bài mang tính truyền thống. Vấn đề xác định phạm vi kiến thức, kĩ năng rành mạch, không làm khó học sinh trong quá trình làm bài’
Theo nhận định của cô Giang, nhìn chung đề minh họa đúng với tính chất minh họa cho cấu trúc, kiểu dạng, mức độ của đề thi chính thức trong kì thi tốt nghiệp năm 2020-2021.
Thầy giáo Dương Khánh Toàn (Trường THPT Quang Hà, Vĩnh Phúc) cũng nêu nhận định về cấu trúc đề minh họa năm nay: Đề minh họa Ngữ văn THPT năm 2021 khá cơ bản. Câu hỏi đọc hiểu gồm 2 câu nhận biết có thể dễ dàng trả lời đúng; câu nghị luận xã hội rõ ràng, phù hợp với kiến thức và hiểu biết xã hội của học sinh; câu nghị luận văn học yêu cầu phân tích có định hướng chứ không cảm nhận chung chung. Đề có sự phân hóa yêu cầu học sinh nhận xét về phong cách nghệ thuật của nhà văn cho học sinh khá giỏi phát huy vốn hiểu biết về tác giả, tác phẩm.
Thầy giáo Dương Khánh Toàn cũng lưu ý học sinh, cần hiểu đúng về đề minh họa của Bộ GD&ĐT chỉ có tính chất minh họa cho cấu trúc đề, ma trận các mức độ kiến thức và kĩ năng giúp các thí sinh ôn thi đúng hướng để làm bài thi đạt kết quả cao. Hoàn toàn không thể dựa vào đề minh họa để “học tủ”, đặc biệt là với câu nghị luận văn học.
Rèn luyện kĩ năng
Với cấu trúc đề này, cô giáo Trịnh Thị Hoài Giang lưu ý học sinh cần trang bị cho mình các kiến thức dạng bài Đọc- hiểu để nhận diện, nhận biết yêu cầu của đề (như: Các phương thức biểu đạt, Phong cách chức năng ngôn ngữ…).
Bên cạnh đó, học sinh cần rèn luyện kĩ năng viết đoạn văn nghị luận 200 chữ tích hợp từ ngữ liệu Đọc hiểu. Học sinh cần bám sát vấn đề cần nghị luận. Hình thức cấu trúc chặt chẽ, có bố cục hợp lí, lời văn gãy gọn để vừa có thể trình bày đầy đủ các nội dung cần thiết, vừa đảm bảo được hình thức đoạn văn, tương ứng với khoảng 1/3 đến 2/3 trang giấy thi.
Đối với bài văn nghị luận văn học, học sinh cần nắm vững các thao tác lập luận. Văn nghị luận có thể có các chi tiết tự sự, biểu cảm, miêu tả, thuyết minh… nhưng phải nhằm mục đích nghị luận.
Thầy giáo Nguyễn Văn Lự cũng lưu ý học sinh cần ôn tập đầy đủ các đơn vị kiến thức về tác phẩm và cách viết đoạn văn, bài văn nghị luận. Chú ý đến kĩ năng phân tích đoạn trích. Đề chính thức có thể chọn một đoạn trích tiêu biểu trong các tác phẩm văn xuôi còn lại hoặc đoạn thơ.
Để đạt điểm cao Ngữ văn, các thí sinh cần phân tích đề, lập dàn ý, viết sơ lược; chữ viết, dùng từ, viết câu và diễn đạt cần chuẩn xác; hạn chế nhất các lỗi trình bày. Bài đạt điểm cao từ 8 trở lên phải hiểu đúng vấn đề, diễn đạt, chữ viết cẩn thận và lý giải được các trọng tâm và thuyết phục giám khảo bằng tri thức nghị luận tổng hợp, sáng tạo cách viết và thoát lý bài văn mẫu.