Cô giáo dạy Văn năm ấy

GD&TĐ - Chúng ta đang sống trong thời đại khoa học công nghệ phát triển nên ngày nay dường như càng nhiều người chọn xu hướng khoa học tự nhiên cô nhỉ? Em cũng không phải ngoại lệ, em đã đăng ký thi đại học ngành tưởng mới mà không là ngành Văn mà cô đã dày công bồi dưỡng.

Cô giáo dạy Văn năm ấy

Kính gửi cô: Đinh Thị Phượng –

Cựu giáo viên Văn Trường THCS An Lễ - Huyện Quỳnh Phụ - Tỉnh Thái Bình.

Cô từng nói: “Văn học là nhân học, học Văn là học làm người”, và em vẫn mang tư tưởng đó bên mình cùng hành trang kiến thức em học được để đứng trên bục giảng truyền thụ cho sinh viên về công nghệ, nhưng trước hết phải là người tử tế như lời của thầy Văn Như Cương. Xã hội có những cái nhìn đa chiều về nghề giáo nhưng con người mới làm nên nghề nghiệp cô nhỉ?

Em vẫn nhớ từng tên, tính cách của tất cả các thầy, cô đã chủ nhiệm và dạy em từ học mầm non, cô chắc không ngạc nhiên về điều đó, có thể một phần do trí nhớ lâu nhưng cốt lõi trong tim em nhớ về những người đã nuôi lớn không chỉ trí tuệ mà cả nhân cách mình.

Hôm nay ngồi đây, với tư cách là một nhà giáo, viết về cô giáo của mình, em nghĩ đến cô, một cô giáo, một người mẹ, một nhân cách sống tiêu biểu của chúng em thời bấy giờ.

Em còn nhớ mái trường đơn sơ nền đất của mình, nó mộc mạc nhưng ấm áp vô cùng, em là người được cô giao chữa bài tập cho cả lớp mỗi đầu giờ học khiến các bạn ngày đó thường gọi em là “cô giáo”.

Cô như thế, thay cha mẹ kèm cặp học sinh của mình ở tất cả các lĩnh vực mà không chút đòi hỏi gì khác ngoài sự động viên khích lệ chúng em trở thành người tốt, giỏi.

Cô phúc hậu, giọng trầm ấm, gần gũi và rất mực yêu thương học trò, ánh mắt chất chứa nhiều cảm xúc như người mẹ thứ 2 của lớp lớp học trò vùng quê nhem nhuốc ấy đã đi vào tâm trí mỗi đứa chúng em mà để đáp lại cô là những bông hoa chúng em tự ngắt trong vườn nhà và chăm ngoan học tập.

Cấp 2 là lứa tuổi thay đổi nhiều, đặc biệt lớp 6 là một bước ngoặt thứ 2 của đời học sinh khi phải tiếp cận nhiều môn học mới, nhiều thầy cô bộ môn cùng với tâm sinh lý thay đổi, chúng em may mắn gặp cô và cô đã làm cho chúng em nhớ mãi.

Ngày chuyển lớp, em đã ngồi ở một góc sân trường nơi cây bàng cổ thụ trơ trụi lá vì buồn, với cảm xúc rất tự nhiên của trẻ con và em đã khóc.

Em khóc vì không muốn xa cô, muốn học cô và nghẹn từng lời để nói điều đó khi cô đến bên hỏi. Em là thế, nhớ lâu và nhớ sâu cô nhỉ nhưng rồi vẫn theo quy luật, cô không còn chủ nhiệm nhưng cô vẫn bên chúng em từng ngày.

Em yêu cô và yêu môn Văn, em cùng nhóm bạn được cô bồi dưỡng và thi cùng nhiều trường, được tiếp xúc với nhiều bạn và thầy cô mới và đặc biệt là tâm hồn được lớn lên từng ngày.

Trường thiếu lớp học nên lớp luyện của mình học tại nhà cô nhiều hơn ở trường. Mặt bể nước mưa rêu mốc làm bàn của mỗi đứa chúng em cho mỗi bài cảm nhận cuộc sống, em tự thấy sao mà tươi đẹp.

Thời những năm 90 máy tính và mạng chưa có, có quyển tài liệu cô cho mượn chúng em thức đêm thay nhau đọc. Kinh tế thiếu thốn, chúng em không bao giờ có giấy loại để nháp bài, có thể vì lý do đó nên chúng em kỹ càng hơn, không cho phép mình tẩy sai hay những cảm xúc thực của văn mà không cần gọt giũa.

Em còn nhớ nhà mình có cái chuồng heo lợp ngói xi măng có sàn lửng cho gà ngủ. Người thợ vô tình tận dụng các tờ báo để lót nền khi làm ngói và em đã leo lên sàn ngủ của gà ngửa mặt lên để đọc.

Kinh tế cũng khá dần, nên sau mỗi chuyến kinh doanh, bố em lại mua về những quyển báo giấy để chị em và bạn bè truyền nhau đọc và lưu lại nhiều năm sau đó. Chúng em nhờ đó mà nhiều thông tin được vận dụng vào học tập và làm giàu tri thức của mình, đó là điều em luôn coi trọng.

Tất cả những cái đó ngày nay không còn hiện hữu nhưng nó mãi là kỷ vật trong tâm hồn em.

Hành trang và tình cảm của cô, em gói theo vào tiếp ngôi trường mới. Ngày vào ban D của trường PTTH, nhiều bạn mới đã nhận ra em vì từng thi cùng họ. Em lại là người có thêm nhiều bạn mới nhất ngay sau buổi tựu trường, em mừng lắm, em cũng thi tự nhiên cô nhỉ nhưng sao chỉ có các bạn thi cùng Văn nhận ra, hay người yêu Văn nhớ sâu hơn người khác?

Ba năm cũng nhanh chóng qua đi khi mà chúng em cắm đầu vào học lớp chuyên và vẫn phải phụ giúp gia đình, rồi đại học, rồi cao học cũng không theo ngành Văn đã yêu thuở nào nhưng em vẫn rất trân quý nó.

Chính Văn đã cho em thêm yêu con người, yêu cuộc sống, yêu giá trị lao động mà gốc rễ là cô đã thả hồn vào con người em tư tưởng ấy. Em cũng vẫn hay viết bài khi có yêu cầu trong công việc và cuộc sống, em cũng vẫn thuộc nhiều bài thơ, bài văn phổ thông mà sách bây giờ còn lại, tất cả đều xuất phát tự sự cảm nhận văn học cô dạy và cảm xúc thật của chính mình.

Cô ạ, cho dù xã hội có tiến bộ thế nào chăng nữa, thế hệ trẻ ngày nay có thể nhiều người thực dụng và xem nhẹ Ngữ văn, trẻ nhà em cũng không “sinh ra từ cọng rơm vàng, từ bùn tối” nên đôi lúc khó cảm nhận về cọng rơm, giàn mướp.

Em sẽ nối tiếp cô, đang, sẽ thổi hồn cho bé thơ về văn học hàng ngày, bởi như cô, em cũng nghĩ văn học là nhân học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ