Tôi cũng không ngờ rằng giữa chốn đại ngàn Tây Bắc, không điện, không chợ, không trạm, trường lớp tạm bợ này; giữa lúc không tránh khỏi những chênh chao, hoang hoải, tôi lại nhận được lời chia sẻ, động viên chân thành quý báu của cô.
Tôi rưng rưng, ấp bức thư vào ngực, lòng cứ như thơ trẻ được quà. Tôi đọc đi đọc lại như thấy bóng hình cô. Từng nét chữ kéo tâm trí tôi nhớ về cô, nhớ về những ngày được cô dạy, hướng dẫn, sửa cho tôi từng câu, từng chữ.
Tôi được cô dạy một học phần Văn học Việt Nam, toàn các tác gia nổi tiếng, có học cả đời tưởng cũng không bao giờ vỡ được chữ nghĩa.
Học cô, tôi mới nhận ra một độ vênh lớn giữa cái mình đã biết với cái bây giờ mình mới biết. Đó là khi học, phải học phương pháp thì mới mong nhanh tiến bộ. Chỉ đến khi học cô, rồi xác định rằng sau này mình sẽ cầm phấn đứng trên bục giảng, tôi mới vỡ ra được nhiều điều.
Năm ấy cô còn rất trẻ. Chúng tôi thuộc thế hệ thứ hai từ khi cô lên Tây Bắc giảng dạy. Cô bước vào lớp đầy tự tin, cả lớp gần sáu mươi đứa im phăng phắc nghe cô giảng. Lúc đầu, đứa nào cũng cặm cụi vừa nghe vừa ghi, giữa giờ thì nhiều đứa dán mắt lên bảng, mải nghe cô giảng, tay cầm bút chống cằm, cuối buổi, vở ghi chỉ thấy toàn đề mục.
Ngày ấy, tôi không quên, từ cách cặp tóc đến trang phục của cô đều toát lên chất thôn quê của các cô gái đồng bằng Bắc Bộ. Đôi giày bệt, cái áo cánh trứng sáo, cái quần rộng ống mộc mạc giản dị, không cầu kì, màu mè, khác xa sự tưởng tượng trong mắt chúng tôi về giảng viên đại học.
Sau này, tôi biết được cô quê ở Vụ Bản (Nam Định), quê của thi sĩ Nguyễn Bính, mảnh đất quanh năm úng lụt chua phèn, con người phất phác, thuần hậu lắm. Bài giảng của cô về Nguyễn Du thì hấp dẫn lắm.
Lối lên lớp, lời giảng khúc triết mạch lạc đưa dẫn chúng tôi vào thế giới nghệ thuật của “Truyện Kiều”. Cách lên lớp của cô cho chúng tôi thấy được cảm hứng văn chương là gì. Cô nặng lòng lắm với Nguyễn Trãi, Nguyễn Du. Cô xót xa lắm với những phận người trong truyện của Ngô Tất Tố, Nam Cao, nên hình như cô hay đăm chiêu trong ánh nhìn xa xăm vời vợi.
Cô nghiêm khắc với chúng tôi như cách các nhà Nho xưa, “tịch bất chính bất tọa”, bảng xóa không sạch, cô không dạy. Có hôm, cô đến lớp, được khoảng mười lăm phút thì một nhóm khoảng hai mươi đứa lục tục kéo đến đứng ở cửa lớp xin vào.
Cô không mắng, và yêu cầu cứ đứng đấy, cô thản nhiên dạy tiếp bài. Cả bọn nhăn nhăn nhó nhó, ngồi chồm hổm bên ngoài nhìn vào, mong cô “rủ lòng thương”, rồi cô sẽ cho vào, cô còn trẻ mà, chắc không khó tính đâu. Ngồi trong lớp, tôi cũng sợ lây.
Tiếng kẻng giữa giờ vang lên. Cô xuống phòng chờ. Lúc này, lũ bạn tôi mới dám rồng rắn vào lớp. Cả bọn “biết thân” lui hết xuống cuối lớp. Có đứa véo von, nhăn nhở buông một câu “sướng nhỉ”. Rồi cô vào lớp dạy, không truy cứu nữa. Cố nhiên, sau cái lần ấy đừng hòng còn ai, vì một lý do nào đó, dám đến lớp muộn.
Tôi làm cán sự nên có nhiều việc đến phòng cô. Căn phòng cô ở ngăn nắp, có cái giá sách, được ghép từ các mảnh gỗ cắt từ bàn ghế cũ, lúc nào cũng đầy ắp những quyển sách dày, tất nhiên đám học trò trường huyện chúng tôi chẳng bao giờ biết đến chúng.
Năm ấy, sau khi cô xây dựng gia đình thì dọn lên ở một căn phòng tập thể mới, đỡ hơn trước. Chú đi công tác xa, một năm chỉ vài lần về phép. Mọi việc trong nhà đều một mình cô lo toan gánh vác. Hè năm ấy, cô về địa phương dạy lớp tại chức, tôi giúp cô trông nhà. Ngày nối ngày, suốt một hè, tôi thỏa sức đọc sách ở nhà cô.
Năm cuối, cô nhận hướng dẫn tôi làm đề tài nghiên cứu khoa học. Tôi viết suốt bốn tháng ròng. Cô chỉnh sửa và yêu cầu hoàn thiện để bảo vệ. Lần đầu tiên tôi tập làm bài tập lớn, dưới sự hướng dẫn của cô, tôi vỡ ra nhiều điều về phương pháp nghiên cứu, bố cục và cách trình bày một đề tài khoa học. Những bài viết, sáng kiến sau này của tôi có được là nhờ cô từ cái ngày hướng dẫn đề tài rất hữu ích mà ít sinh viên nào có được ấy.
Sinh viên vẫn truyền nhau cách giảng bài lên lớp của cô, và đặc biệt, còn truyền nhau câu chuyện “Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha” của cô.
Ngày ấy, cô cùng người bạn lên đèo Pha Đin ngắm cảnh, gặp một người mua hàng đang vặt vèo trả rẻ ngô tươi của chị người dân tộc. Cô dừng xe, nói “chị ơi, trồng được bắp ngô không mấy dễ, bao công sức mới gùi được xuống đây, bắt nạt người vừa thôi. Bao nhiêu thế chị, đưa tôi mua hết”. Người kia châng hẩng bỏ đi, mang theo một bài học.
Tôi ra trường, chia xa cô, cuộc sống chứa bao bộn bề khó khăn. Tôi không có dịp về thăm cô. Khi bảo vệ Luận án Tiến sĩ, cô báo tôi về. Gặp cô, tôi vui lắm, thấm thoắt hơn mười năm rồi còn gì. Tôi biết trong bốn năm hạ sơn, xuống Hà thành làm nghiên cứu sinh, với cô không hề đơn giản. Tôi nhìn cô mà có thêm nghị lực để vươn lên hoàn thiện bản thân.
Đầu năm 2016, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức hội thảo quốc gia thế hệ nhà văn sau 1975, tôi về dự và được gặp cô. Hai cô trò có cả một ngày để hàn huyên chuyện khoa học, chuyện gia đình.
Cuộc sống vẫn chứa những ngổn ngang bề bộn, cô vẫn thường động viên, khuyên bảo tôi những lúc tôi chênh vênh. Viết được bài nào, tôi vẫn gửi cô đọc và xin ý kiến. Tôi chưa báo đáp gì cho cô, chỉ biết có điều rằng, lúc nào cần gì cũng a lô “ăn vạ” cô. Cô vẫn tận tình chỉ bảo, khích lệ. Những lúc “ngã lòng” tôi lại nhớ tới lời cô dặn trong bức thư năm nào để cố gắng “Ta sinh ra không trong nhung gấm lụa là thì không gì không thể vượt qua. Mong em hãy sống xứng đáng như cậu sinh viên năm nào nhé!...”.