Cô giáo Đà Nẵng mách nước 'mẹo' xác định từ khóa để tìm đáp án cho môn Lịch sử

GD&TĐ - Theo cô Trương Thị Thu Trang, GV Lịch sử (Trường THPT Sơn Trà) thí sinh có thể dựa vào từ khóa như địa điểm, thời gian ở câu hỏi để tìm câu trả lời.

Học sinh lớp 12, Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Đà Nẵng trong giờ tự học đầu buổi.
Học sinh lớp 12, Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Đà Nẵng trong giờ tự học đầu buổi.

Sử dụng hệ thống từ khóa để ghi nhớ chủ đề

Cô giáo Trương Thị Thu Trang, GV Lịch sử (Trường THPT Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết: Với môn Lịch sử, hàm lượng kiến thức rất rộng và dễ gây nhầm lẫn bởi các mốc sự kiện, tên nhân vật, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm.

Vì vậy, một cách học mang lại hiệu quả khá cao trong ôn thi tốt nghiệp THPT đối với bộ môn này là sử dụng hệ thống từ khóa để ghi nhớ chủ đề.

Ví dụ như liên quan đến chủ đề "Việt Nam Quốc dân Đảng" sẽ có những từ khóa vây quanh như: Nam Đồng Thư xã (tổ chức hạt nhân); Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính (người đứng đầu); binh lính người Việt trong quân đội Pháp (lực lượng); khởi nghĩa Yên Bái (tổ chức lãnh đạo); "Không thành công cũng thành nhân"; "Trước làm cách mạng dân tộc, sau làm cách mạng Thế giới".

Hay liên quan đến “Chiến lược chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ở Việt Nam có những từ khóa như: quân đội tay sai (lực lượng chủ yếu), 18 tháng (kế hoạch bình định), Ấp chiến lược – xương sống (thủ đoạn chủ yếu), trận Ấp Bắc (mở đường để đánh bại chiến tranh đặc biệt)...

“Các em tuyệt đối tránh “học vẹt - học tủ” bởi vì trong môn Lịch sử có nhiều kiến thức mặc dù khác nhau thời gian nhưng đọc qua lại dễ nhầm lẫn, ví dụ như sự kiện Điện Biên Phủ 1954 và Điện Biên Phủ trên không 1972; hay Hội nghị Ianta và Hội nghị Vecxai – Wasington”, cô Trang chia sẻ.

Học sinh Trường THPT Sơn Trà (TP Đà Nẵng) với giờ học lịch sử tại Nhà trưng bày Hoàng Sa.

Học sinh Trường THPT Sơn Trà (TP Đà Nẵng) với giờ học lịch sử tại Nhà trưng bày Hoàng Sa.

Theo cô Trương Thị Thu Trang, từ khóa là những từ, cụm từ quan trọng nhất của câu hỏi, giúp học sinh xác định nội dung cần trả lời.

Thí sinh có thể xác định từ khóa bằng cách đọc kỹ câu hỏi, tập trung chủ yếu vào từ để hỏi, đối tượng được hỏi và nội dung hỏi, chú ý đến các từ in đậm, gạch chân hoặc những từ có ý nghĩa quan trọng.

Đặc biệt, học sinh cần đọc kĩ từng câu hỏi để tìm ra từ khóa liên quan đến mốc thời gian, có hai dạng mốc thời gian: bằng số (ví dụ như 1930, 1945…) và bằng chữ (ví dụ như “sau Chiến tranh thế giới thứ hai”, “sau Cách mạng Tháng Tám”…).

"Cứ nhìn thấy mốc thời gian, thí sinh khoanh vòng tròn lại để khu biệt kiến thức và tìm dữ kiện, tránh nhầm lẫn với các sự kiện khác. Sau khi đã xác định được từ khóa, các em cần tìm đúng thông tin liên quan đến từ khóa đó trong các đáp án cho sẵn" - cô Trang lưu ý.

Mẹo tìm từ khóa

Theo cô Nguyễn Thị Thu Trang, có một mẹo nhỏ về từ khóa địa điểm và thời gian, đó là thí sinh chú ý đến địa điểm từ khóa của câu hỏi ở đâu thì sẽ khoanh vùng được đáp án.

Ví dụ như câu: Năm 1945, một trong số những quốc gia tuyên bố độc lập sớm ở khu vực Đông Nam Á là: A. Indonesia. B. Trung Quốc. C. Cuba. D. Nam Phi. Từ khóa hỏi là "độc lập sớm khu vực Đông Nam Á", thì đáp án thí sinh chỉ cần tìm 1 địa điểm thuộc Đông Nam Á như trên trong trường hợp các bạn quên đi phần kiến thức này.

Ngoài mẹo từ khóa về địa điểm, thí sinh có thể sử dụng từ khóa về thời gian tương ứng.

Ví dụ câu: Trong khoảng thời gian những năm 1976-1979, nhân dân Việt Nam thực hiện một trong những nhiệm vụ nào sau đây? A. Đánh đổ đế quốc và phong kiến. B. Lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế. C. Thống nhất đất nước về mặt lãnh thổ. D. Thống nhất đất nước về mặt nhà nước. Thì thí sinh có thể loại A, B (vì có Phong kiến - 1945), C (thống nhất đầu năm 1975 với thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh), chỉ còn lại đáp án D.

"Để làm tốt tất cả các câu hỏi ở bài thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử, thí sinh nên đọc câu hỏi, tìm và gạch chân từ khóa xác định yêu cầu đề; rà soát các phương án trả lời, vận dụng kiến thức đã học để tìm ra đáp án đúng. Quan trọng nhất là thí sinh phải đọc kỹ đề bài và đáp án để tìm từ khóa và tránh nhầm lẫn, làm chắc ở đâu tô đáp án ở đó để tránh bỏ sót đáng tiếc. Câu dễ làm trước câu khó làm sau, phân chia thời gian hợp lý để hoàn thành tốt môn thi Lịch sử" - cô Trương Thị Thu Trang, giáo viên Lịch sử, Trường THPT Sơn Trà (TP Đà Nẵng).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ