6 lưu ý không thể bỏ qua để học tốt môn Lịch sử thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Để học tốt môn Lịch sử cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, các thí sinh cần ghi nhớ một số lưu ý về phương pháp học tập, ôn luyện mới đạt kết quả cao.

Học sinh lớp 12 của Hà Nội sẽ có kỳ thi thử tốt nghiệp THPT năm 2024 vào ngày 5-6/4 tới đây. Ảnh minh họa: Đình Tuệ.
Học sinh lớp 12 của Hà Nội sẽ có kỳ thi thử tốt nghiệp THPT năm 2024 vào ngày 5-6/4 tới đây. Ảnh minh họa: Đình Tuệ.

Đề đảm bảo độ phân hóa cao

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố bộ đề minh họa cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 ở các môn, trong đó có phân môn Lịch sử - bài thi tổ hợp Khoa học xã hội. Các thí sinh có thể xem chi tiết TẠI ĐÂY.

Nhận định về đề minh họa, cô Nguyễn Thị Tuyên - Tổ trưởng chuyên môn Lịch sử Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội) cho rằng, nội dung đề thi đảm bảo tính khoa học, chính xác theo chuẩn kiến thức kỹ năng. Phần lịch sử lớp 11 chiếm 5%, lịch sử lớp 12 chiếm 95%, thí sinh cần có kiến thức tích lũy nền tảng.

Cô Nguyễn Thị Tuyên - Giáo viên Lịch sử Trường THPT Hoài Đức B vừa đạt giải Nhì Hội thi Giáo viên giỏi cấp Thành phố.

Cô Nguyễn Thị Tuyên - Giáo viên Lịch sử Trường THPT Hoài Đức B vừa đạt giải Nhì Hội thi Giáo viên giỏi cấp Thành phố.

Tuy nhiên, đề minh họa phân môn Lịch sử năm 2024 có độ phân hóa cao hơn đề thi của năm trước, đặc biệt là ở các câu hỏi ở cấp độ vận dụng cao. Câu hỏi nhận biết chiếm 15/40 câu, ít hơn nhiều so với năm 2023 là 23/40 câu, số câu thông hiểu được tăng lên từ 7/40 câu lên 11/40 câu...

Về tổng thể, đề minh họa đảm bảo tính phân hóa học sinh, thuận lợi cho công tác tuyển sinh vào ĐH-CĐ. Ngoài ra, đề còn có câu hỏi nhằm giải quyết các vấn đề thực tế cuộc sống, xã hội, giúp các em nâng cao năng lực nhận thức. Việc này giúp đánh giá tốt hơn năng lực thí sinh, phù hợp với mục tiêu của Chương trình GDPT 2018.

Cô Tuyên nhấn mạnh, đa phần học sinh đều sợ học Lịch sử dẫn đến ngại ôn tập và khả năng vận dụng làm đề thi không hiệu quả. Môn Lịch sử khó nhớ sự kiện và khó thuộc bản chất nếu các em ôn tập không tập trung cao độ sẽ dễ bị lẫn lộn về trình tự thời gian, bản chất của sự kiện lịch sử.

6 lưu ý quan trọng

Các thí sinh lớp 12 sẽ còn khoảng 3 tháng nữa để tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.

Các thí sinh lớp 12 sẽ còn khoảng 3 tháng nữa để tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.

Do đó, để các em chủ động ôn tập, tìm thấy niềm hứng thú và đạt hiệu quả, cô Nguyễn Thị Tuyên đưa ra một vài lưu ý giúp học sinh có được phương pháp học tập môn Lịch sử.

Thứ nhất: Hệ thống hóa lại kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa và bài học trên lớp bằng sơ đồ tư duy.

Học bài nào hoặc giai đoạn lịch sử, vấn đề lịch sử trọng tâm cần được hệ thống hóa kiến thức bằng sơ đồ tư duy. Làm được điều này sẽ rèn cho các em nhớ kiến thức tốt hơn, chủ động sắp xếp trình tự kiến thức theo cách riêng của mình.

Khi kết hợp kiến thức với hội họa (viết, vẽ, tô đậm) theo trí tưởng tượng, kết hợp các dạng sơ đồ tư duy khác nhau sẽ tạo ra hứng thú và sự sáng tạo trong học tập. Như thế việc học tập môn lịch sử bớt nhàm chán, các em sẽ nhớ lâu và hình thành tư duy khoa học.

Thứ hai: Sắp xếp trình tự các sự kiện một cách khoa học theo mốc thời gian.

Các em cần chia nội dung lịch sử theo tiến trình thời gian từng giai đoạn. Ví dụ: Giai đoạn 1919-1930, 1930-1945, 1946-1954, 1954-1975... hoặc có thể chia giai đoạn ngắn hơn, gắn liền với những mốc sự kiện quan trọng và ý nghĩa từng sự kiện để ghi nhớ tốt hơn. Gắn những ngày tháng của sự kiện giai đoạn này với các sự kiện khác cùng ngày tháng để dễ thuộc.

Biết sắp xếp nội dung sự kiện theo từng chủ đề lịch sử. Ví dụ: Hoạt động yêu nước của Nguyễn Ái Quốc từ 1919- 1930, Phong trào yêu nước của các giai cấp 1925- 1930, Hội nghị của Đảng và phương hướng chiến lược cho cách mạng Việt Nam từ 1930-1945 và từ 1945-1975...

Nếu các em chủ động như vậy, kiến thức sẽ có trong tầm tay và giúp các em vận dụng được tốt hơn vào bài thi môn lịch sử.

Học sinh cần lưu ý về cách học Lịch sử sao cho hiệu quả.

Học sinh cần lưu ý về cách học Lịch sử sao cho hiệu quả.

Thứ ba: Cần phân biệt được các khía cạnh của lịch sử. Trong mỗi câu hỏi của đề thi, các em cần lưu ý phân biệt rõ đâu là mục tiêu, đâu là chiến lược hay ý nghĩa, bài học kinh nghiệm để xác định rõ đáp án chính xác.

Bên cạnh đó, trong quá trình ôn tập, các em cần ghi chú lại các khía cạnh lịch sử bằng bút nhớ, bằng các “cụm từ khóa” có ý nghĩa để khắc sâu kiến thức. Điều này giúp các em khái quát hóa và sâu chuỗi các vấn đề cốt lõi.

Thứ tư: Cần nắm chắc các khái niệm lịch sử để các em làm tốt các dạng câu hỏi thông hiểu và vận dụng, đồng thời biết so sánh các sự kiện và bản chất sự kiện lịch sử.

Thứ năm: Xác định, liên hệ những sự kiện lớn của thế giới liên quan trực tiếp đến lịch sử Việt Nam cùng thời kì. Lịch sử Việt Nam là một bộ phận của lịch sử thế giới, do đó trong nguyên nhân thắng lợi bao giờ cũng có sự góp mặt của yếu tố khách quan và bối cảnh thế giới.

Thứ sáu: Luyện đề thường xuyên sẽ giúp học sinh quen với mô hình và cấu trúc đề, tập phản xạ với những câu hỏi khó, biết xác định dạng câu đúng - sai, dạng câu hỏi khẳng định - phủ định, kiểm tra được lượng kiến thức của mình và biết căn chỉnh thời gian làm bài một cách khoa học.

"Với đề trắc nghiệm Lịch sử, các em hãy bình tĩnh đọc kỹ đề để xác định trọng tâm câu hỏi. Phát hiện các đáp án trong đó sẽ có đáp án nhiễu để chọn ra đáp án chính xác nhất. Hãy làm những câu dễ trước, còn lại những câu vận dụng và vận dụng cao, cần suy nghĩ và cẩn trọng để chọn đáp án sau cùng" cô Tuyên nhấn mạnh.

Theo thầy Nguyễn Khánh Vân - giáo viên Lịch sử Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội), đề minh họa có sự phân hóa cao. Nhiều câu vận dụng cao được xây dựng theo hướng đánh giá năng lực người học. Học sinh cần nắm vững từ khóa hiểu rõ được khái niệm lịch sử. Các em có thể học bằng cách sử dụng bản đồ tư duy; thảo luận ý kiến với bạn bè, giáo viên; sử dụng giấy nhớ để ghi chép lại những thông tin mình đã học. Thí sinh cần có chế độ học tập khoa học, thể dục thể thao để có tinh thần sảng khoái khi bước vào buổi học mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ