Hiệu quả của phương pháp đóng vai trong dạy học
Theo cô giáo Quỳnh Giang, đóng vai (Role play) là phương pháp dạy học cơ bản và tốt nhất để rèn luyện, phát triển năng lực giao tiếp và hợp tác. Đó là phương pháp dạy học sinh động, chủ động, tạo điều kiện cho học sinh bộc lộ các ưu điểm để phát huy và nhược điểm để sửa chữa, khắc phục. Qua đóng vai, người học có điều kiện vận dụng kiến thức vào thực tiễn, phát triển năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề.
Hiện nay, trong các phương pháp dạy học tích cực, phương pháp đóng vai và sân khấu hóa chiếm vai trò xu thế, có tác dụng góp phần đánh dấu sự thành công của bài giảng. “Dạy học bằng phương pháp đóng vai không chỉ dừng lại ở việc đóng kịch, bởi nó bao gồm việc xác định, lựa chọn kiến thức, xây dựng kịch bản, phân vai và thể hiện vai diễn. Điều quan trọng hơn là từ việc đóng kịch ấy rút ra bài học về nhận thức, thái độ và kĩ năng cho người học”, cô Giang chia sẻ.
Ở môn Ngữ văn, phương pháp đóng vai được thực hiện theo một số hình thức hoạt động như: vào vai một nhân vật kể lại câu chuyện đã học; chuyển thể một văn bản văn học thành kịch bản sân khấu; vào vai để xử lí một tình huống giao tiếp giả định; trình bày một vấn đề, một ý kiến (ở cả dạng viết và nói) từ các góc nhìn khác nhau.
Dạy học bằng phương pháp đóng vai là phương pháp dạy học dựa trên việc giao cho người học giải quyết một tình huống cụ thể thông qua đóng vai. Đây là một trong các phương pháp dạy học chủ động, ngày càng được ứng dụng rộng rãi; là phương pháp dạy học cơ bản và tốt nhất để dạy về kỹ năng giao tiếp - một kỹ năng cần thiết và quan trọng để người học hoạt động được trong một tập thể, cộng đồng.
Đối với các văn bản tích trò dân gian, như văn bản “Huyện đường” (Trích tuồng Nghêu, Sò, Ốc, Hến) rất phù hợp với phương pháp dạy học này, qua đó nhằm phát triển năng lực giao tiếp và hợp tác cho học sinh.
Vận dụng phương pháp đóng vai trong dạy học văn bản “Huyện đường” nói riêng, trong tác phẩm văn học nói chung là một trải nghiệm văn chương có giá trị đối với học sinh. Ở cấp THPT, các em sẽ được tự mình tổ chức và thực hiện hoạt động trải nghiệm này. Qua đó, học sinh sẽ được hình thành và phát triển kỹ năng giao tiếp và hợp tác cũng như một số năng lực quan trọng như năng lực nghệ thuật, năng lực thẩm mĩ, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực tổ chức sự kiện, kỹ năng hoạt động nhóm,…
4 bước vận dụng phương pháp đóng vai trong dạy đọc hiểu văn bản Huyện đường
Cô giáo Quỳnh Giang cho biết quy trình vận dụng phương pháp đóng vai trong dạy đọc hiểu văn bản Huyện đường gồm có 4 bước.
Bước 1: Lựa chọn hình thức đóng vai
“Với đoạn trích Tuồng Huyện đường khi dạy học theo hình thức đóng vai, chúng tôi lựa chọn hình thức chuyển thể một đoạn văn bản tuồng Huyện đường thành một kịch bản sân khấu (sân khấu hóa)”, cô Giang nói
Bước 2: Chuyển thể văn bản văn học thành kịch bản sân khấu
Đầu tiên giáo viên cần hướng dẫn học sinh nhận biết và phân tích được một số đặc điểm cơ bản của văn bản tuồng như: đề tài, tính vô danh, tích truyện, nhân vật, lời thoại, phương thức lưu truyền.
Các em phải biết thưởng thức vẻ đẹp, trân trọng và có ý thức phát huy giá trị nhân văn trong nghệ thuật và văn hóa truyền thống. Đồng thời cảm nhận được ý vị hài hước, châm biếm qua cảnh tuồng “Huyện đường”.
Tiếp đến là xây dựng lại tuyến nhân vật. Quá trình này, giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh xây dựng lại hệ thống nhân vật theo chủ đề đã chọn. Nhân vật xuất hiện trong những cảnh nào, đảm nhiệm vai trò gì phải được tính toán kĩ và ấn định trước.
Các nhân vật chính giữ nguyên theo văn bản gốc, các nhân vật phụ gồm hai loại: loại nhân vật phụ tham gia vào cốt truyện, có hành động và lời nói, có mối quan hệ trực tiếp với nhân vật chính. Loại nhân vật phụ thứ hai chỉ xuất hiện gián tiếp, không có vai trò gì đối với cốt truyện và tư tưởng chủ đề, không có quan hệ trực tiếp với nhân vật chính. Thông thường đây là nhân vật quần chúng, đám đông vô danh. Có thể bớt hoặc thêm nhân vật so với văn bản gốc.
Với đoạn trích trong Tuồng “Huyện đường” (trích Tuồng Nghêu, Sò, Ốc, Hến) chỉ cần xác định nhân vật chính là Tri huyện và Đề Lại, cùng Lính lệ và Trùm Sò.
Cùng với đó toàn bộ hành động kịch được xây dựng để làm nổi bật tính cách nhân vật. Cốt truyện cũng được viết lại, sắp xếp theo nguyên tắc kịch học. Công đoạn cuối cùng trong chuyển thể văn bản văn học thành kịch bản sân khấu là viết lời thoại. Trong đó, lời thoại được viết cho từng giai đoạn phát triển của cốt truyện. Có 3 cách viết lời thoại, nhóm thực hiện có thể viết lời thoại được lấy từ tác phẩm văn học (nếu đó là những câu đặc sắc làm nên sắc thái riêng của nhân vật). Hoặc, lời thoại được viết lại trên tinh thần của sự kiện trong tác phẩm gốc, được phép lược hóa hoặc mở rộng. Ngoài ra, lời thoại có thể được tạo mới hoàn toàn để kiến tạo hành động nhân vật.
Trong quá trình xây dựng lời thoại cần xác định rõ, lời thoại là hành động. Lời thoại của kịch bản sân khấu luôn có chức năng hành động. Khi chuyển thể, giáo viên hướng dẫn học sinh tập trung vào hai dạng lời thoại chính: đối thoại và độc thoại.
Ví dụ: lời độc thoại của Tri Huyện sau khi tự giới thiệu về bản thân mình:
“Quan chức nghĩ nên thú vị
Vào ra cũng phải chuyên cần”.
Trong lời độc thoại trên, hai từ “thú vị” và “chuyên cần” cho thấy tri huyện đã hài lòng biết bao với cuộc sống của mình. Ông ta càng “chuyên cần” thì dân đen càng khốn đốn.
Bước 3: Tổ chức đóng vai dưới hình thức sân khấu hóa
Một trong những yếu tố tạo sự thành công của tác phẩm chính là chọn diễn viên, tập luyện, các phương tiện hỗ trợ.
Sau khi có kịch bản, giáo viên có thể tổ chức casting, tiêu chuẩn để chọn học sinh vào vai cần đảm bảo các tiêu chí như: Khả năng nhập vai tốt, hiểu vai diễn; ngoại hình phù hợp; phát âm rõ ràng, tốc độ nói vừa phải, giọng nói truyền cảm; gương mặt biểu cảm đặc biệt là ánh mắt và khả năng kết nối với bạn diễn; hình thể linh hoạt, mềm mại, có khả năng thay đổi hành động…
Trong quá trình luyện tập, việc học thuộc kịch bản là yêu cầu đầu tiên đối với “diễn viên”. Trong quá trình học sinh tự tập kịch, giáo viên sẽ quan sát và điều chỉnh.
Trước khi trình diễn cần chạy sân khấu để học sinh quen với không gian diễn, cách ra vào sân khấu, việc sử dụng đạo cụ, cách liên kết với bạn diễn.
Bên cạnh đó, các phương tiện hỗ trợ như đạo cụ, phông cảnh, âm nhạc, trang phục, tiếng động, ánh sáng… cũng góp phần không nhỏ đến thành công của buổi biểu diễn.
Để sân khấu hóa tác phẩm thành công cần phải thiết kế chương trình thật chi tiết. Giáo viên cần chọn và huấn luyện một đội gồm những học sinh có năng lực tổ chức sự kiện, có khả năng ứng biến linh hoạt và làm việc nhóm tốt. Mục tiêu của việc sân khấu hóa một tác phẩm văn học là khắc sâu hiểu biết, ấn tượng và khơi gợi sự yêu thích đối với tác phẩm nên việc công diễn phải có tính chuyên môn rõ ràng.
Chương trình sẽ gồm 2 nội dung gồm sân khấu hóa và giao lưu khán giả. Học sinh chuyển thể kịch bản văn học tuồng Huyện đường thành kịch bản sân khấu hóa.
Sau khi kết thúc buổi biểu diễn, người dẫn truyện có thể đưa ra các câu hỏi để các học sinh còn lại khắc sâu kiến thức cũng như thể hiện cảm nhận của mình.
Bước 4: Thảo luận, đánh giá
Sau buổi diễn, giáo viên cùng học sinh thực hiện những công việc sau:
- Yêu cầu học sinh chốt lại những kiến thức quan trọng về tác phẩm văn học, nêu cảm nghĩ và ấn tượng của học sinh về tác phẩm, khuyến khích học sinh đưa ra các phát hiện mới, liên hệ độc đáo về tác phẩm và cuộc sống.
- Nhận xét, đánh giá công việc đã thực hiện: Học sinh tự tách mình ra khỏi vai diễn, tự đánh giá về kết quả trình diễn của bản thân, về vai diễn và cảm nhận của mình. Người quan sát nhận xét về tiến trình đóng vai. Toàn lớp thảo luận, đánh giá về hoạt động đóng vai.
- GV chốt kiến thức, hướng dẫn học sinh tổng hợp và khái quát những vấn đề trọng tâm của bài học và có thể phân công học sinh viết tin bài cho trang tin nhà trường. Giáo viên cũng có thể tổ chức khen thưởng để khuyến khích động viên học sinh.