Cô giáo 'biến hóa' tiết học

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - 31 năm giảng dạy, cô Nguyễn Thị Thu Thủy – GV môn Ngữ văn Trường THPT Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) mang đến cho trò giờ học thú vị, hiệu quả.

Cô Thủy trong một giờ dạy trên lớp. Ảnh: NVCC
Cô Thủy trong một giờ dạy trên lớp. Ảnh: NVCC

Vùng đất mới trong văn chương

Đam mê với nghề giáo, sau khi tốt nghiệp THPT, cô Thủy (Sinh năm 1968) thi vào Khoa Sư phạm Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) để bắt đầu hành trình thực hiện ước mơ “gõ đầu trẻ”.

“Thời của tôi, có nhiều con đường để chọn nghề nhưng cũng rất khó thi đỗ đại học. Tôi và một người bạn nữa là lứa con gái đầu tiên của làng đỗ đại học. Nhiều bạn chọn nghề kinh tế, kỹ thuật hay Y dược, Ngoại thương…, tôi lại muốn chọn nghề giáo bởi niềm yêu thích nghề đã thấm trong máu”, cô Thủy chia sẻ.

Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1991, cô Thủy được phân công dạy học tại huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Sau 7 năm gắn bó, cô Thủy chuyển công tác về Trường THPT Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng). Dù công tác ở ngôi trường nào, nữ nhà giáo luôn dạy học với phương châm thân thiện, nhiệt tình trong mỗi giờ lên lớp. Trong quá trình giảng dạy, cô luôn chủ động, linh hoạt và đầy sáng tạo.

“Để lấy học sinh làm trung tâm, người giáo viên phải thân thiện, tạo không khí giờ học thoải mái, từ đó học sinh mới phát huy được năng lực, sở trường của mình. Thân thiện không phải là dễ dãi mà giảm bớt áp lực, tránh căng thẳng, giáo viên phải từng bước dẫn dắt, hướng dẫn học sinh bằng hệ thống câu hỏi gợi mở, bằng chuỗi hoạt động hợp lý để các em tự khám phá và chiếm lĩnh tri thức”, cô Thủy nhấn mạnh.

Sau khi học sinh nắm được nội dung, giáo viên phải chốt lại kiến thức và tiếp tục rèn kỹ năng nói và viết cho học sinh. Phải làm thế nào để giờ học nhẹ nhàng nhưng đầy chất văn, tạo niềm hứng thú cho học sinh bằng lòng nhiệt tình và khả năng truyền đạt của người dạy.

Chia sẻ điều trên, theo cô Thủy, thay đổi phương pháp dạy học ở môn Văn không phải là phủ nhận hoàn toàn phương pháp dạy học cũ mà phải biết kết hợp linh hoạt các phương pháp. Giáo viên tổ chức cho học sinh hoạt động nhiều hơn, phát huy được vai trò chủ động của trò nhiều hơn trong giờ học.

Như vậy, học sinh không thụ động ngồi nghe giáo viên thuyết giảng mà tích cực làm việc và giáo viên phải là người dẫn dắt, giao nhiệm vụ, từng bước giúp người học nắm vững tri thức. Phương pháp dạy học mới không cần ghi chép nhiều mà dạy thế nào để học sinh nắm kỹ năng để áp dụng khi viết và nói với dạng bài tương tự.

“Giáo viên tùy hoạt động, lượng tri thức mà lựa chọn phương pháp dạy học thích hợp. Có nhiều phương pháp như: Dạy học theo dự án, hợp tác, đóng vai, tình huống, kỹ thuật sơ đồ tư duy… Ví dụ các tiết dạy phát biểu theo chủ đề, luyện tập bảo tồn văn hoá dân tộc qua hình thức thuyết trình và thực hành một trò chơi dân gian. Sân khấu hoá cho học sinh đóng vai các nhân vật trong tác phẩm Chữ người tử tù (tác giả Nguyễn Tuân); sân khấu hoá tác phẩm Hai đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam…”, cô Thủy thông tin.

Phan Thị Hoài Nhi, học sinh lớp 12/10, Trường THPT Ngũ Hành Sơn cho biết, những tiết học của cô Thủy là buổi “khám phá” vùng đất mới lạ trong môn Văn. Đối với em và các bạn trong lớp đều nhận thấy cô luôn tận tâm với công việc, tìm cách giảng dạy tốt nhất cho học sinh dễ hiểu. Khi học môn Ngữ văn, chúng em được hóa thân vào những nhân vật trong tác phẩm, rất thích thú.

Sân khấu hoá: Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân), cảnh Huấn Cao cho chữ viên quản ngục. Ảnh: NVCC

Sân khấu hoá: Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân), cảnh Huấn Cao cho chữ viên quản ngục. Ảnh: NVCC

Người mẹ hiền của học sinh nghèo

Không chỉ giảng dạy về kiến thức, nhiều năm qua, cô Thủy còn là người mẹ thứ 2 của những học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Cô thường tìm đến nhà để thăm hỏi, tìm hiểu hoàn cảnh các em, báo lên Ban giám hiệu nhà trường tạo điều kiện giúp đỡ.

Điển hình là em Hoài Nhi được cô đỡ đầu trong gần 1 năm qua. Biết hoàn cảnh gia đình Nhi thuộc diện hộ nghèo, cô Thủy đã dang rộng vòng tay giúp đỡ. “Biết gia đình em khó khăn, trong năm học mới này, cô Thủy đã mua sách vở cùng với áo quần cho em đi học. Cảm động trước tấm lòng của cô, em ấp ủ ước mơ có thể trở thành cô giáo như cô Thủy để sau này có thể quay lại giúp đỡ những học sinh khó khăn như mình”, Nhi bộc bạch.

Hai vợ chồng đều là giáo viên, nuôi 3 con ăn học, cô Thủy cho hay: Hàng năm, nhà trường tổ chức dạy phụ đạo cho học sinh thi tốt nghiệp, bản thân thường miễn giảm cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Quan tâm nhiều hơn để các em bớt mặc cảm mà hòa nhập với các bạn cùng trang lứa. Một khi nghề đã chọn, mình phải giữ cái tâm với nghề, tìm hạnh phúc trong sự gắn bó với đồng nghiệp và nhiệt huyết với công việc. Mỗi ngày đứng trước học sinh là mỗi ngày bản thân luôn tự hoàn thiện mình.

“Vẫn còn nhiều phụ huynh, học sinh tin tưởng, tôi phải tự đấu tranh với chính mình để vượt lên những cám dỗ, tìm niềm hạnh phúc giản dị qua từng giờ lên lớp. Dấn thân với nghề và yêu nghề với tất cả tâm, sức là điều kiện tiên quyết giúp tôi vượt lên mọi áp lực từ công việc và mọi thành kiến”, cô Thủy nhấn mạnh.

Không chỉ được trò tin yêu, phụ huynh tin tưởng, cô Thủy nhiều năm liền được công nhận là Chiến sĩ thi đua, Giáo viên giỏi cơ sở. Cô nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Giải thưởng Nhà giáo Võ Trường Toản năm 2017...

Cô Thủy tâm huyết, tận tâm với công việc của mình. Cô đã truyền lửa cho nhiều thế hệ học sinh. Điểm nổi bật của cô Thủy là luôn đổi mới phương pháp giảng dạy, những tiết dạy và hoạt động ngoại khóa của cô rất sáng tạo, tạo sự thích thú cho học sinh. Không những vậy, cô luôn giúp đỡ đồng nghiệp mới vào nghề. Ngoài ra, cô còn tích cực trong các hoạt động xã hội; đi đầu trong việc quyên góp, giúp đỡ học sinh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. - Cô Huỳnh Thị Minh Nguyệt (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngũ Hành Sơn)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ