Nhà nước cần tạo động lực cho họ bằng việc xây dựng môi trường làm việc tốt và cơ chế chính sách phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa: Tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo
Trăn trở với sự nghiệp “trồng người” và trắc ẩn với đội ngũ thầy cô giáo, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội - cho rằng: “Đại đa số đội ngũ giáo viên đều tâm huyết với nghề. Động lực để họ gắn bó với nghề là sự trưởng thành của các thế hệ học trò. Mối quan tâm của họ là những bài giảng. Mong muốn lớn nhất của họ là làm sao để dạy – học tốt nhất - đó cũng là danh dự nghề nghiệp mà mỗi thầy, cô giáo luôn tâm niệm”.
Bày tỏ băn khoăn trước tâm tư của đội ngũ nhà giáo, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh: Nếu không có sự quan tâm, chia sẻ với các thầy, cô giáo thì khó có thể duy trì được ngọn lửa đam mê và tình yêu nghề nghiệp trong họ. Vì trên thực tế, người thầy đang chịu nhiều áp lực. Áp lực từ công cuộc đổi mới giáo dục, đòi hỏi mỗi người thầy phải luôn nỗ lực cố gắng mới bảo đảm nhịp độ đổi mới, nếu không, sẽ tự bị đào thải.
Chương trình mới, phương pháp dạy học mới, cách đánh giá học sinh cũng phải điều chỉnh để có sự đồng bộ, tương thích. Cùng với đó, yêu cầu bố trí cho giáo viên phổ thông và giáo viên mầm non học nâng chuẩn đào tạo trong bối cảnh phải thực hiện giảm 10% biên chế hàng năm cũng tạo nhiều áp lực đối với các cơ sở giáo dục và thầy cô.
Ngoài ra, đó còn là những áp lực từ kỳ vọng của các bậc cha mẹ đối với con em mình. Đôi khi vì quá kỳ vọng mà có không ít phụ huynh dành sự quan tâm thái quá, can thiệp sâu vào hoạt động dạy học, làm khó cho thầy, cô giáo. Những điều này, vô hình trung khiến giáo viên ngại va chạm, né tránh dư luận, dạy học vì trách nhiệm hơn là đam mê, cảm xúc. Dạy học là một nghệ thuật, nếu giáo viên vừa dạy, vừa canh cánh bao nỗi lo toan về những áp lực xung quanh mình rất khó để có những bài giảng “thăng hoa”.
Trước bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hình thức dạy – học trực tuyến cũng là một trong những thách thức đối với nhiều giáo viên, khi mà hình thức dạy – học này chưa từng có tiền lệ, và hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị dạy học hầu như chưa đáp ứng.
Mặc dù, Bộ GD&ĐT và các địa phương có nhiều giải pháp hỗ trợ giáo viên, từ việc tập huấn, bồi dưỡng dạy học online cho đến giảm tải kiến thức, chương trình học nhằm giảm áp lực cho thầy - trò, nhưng để dạy học trực tuyến, thầy cô phải cố gắng và đầu tư công sức, thời gian gấp nhiều lần so với hình thức dạy học trực tiếp.
“Trách nhiệm nặng nề tiếp tục đặt trên vai thầy cô, bởi tôi biết, sau gần một học kỳ thực hiện dạy học dưới nhiều hình thức, điều kiện học tập của các học trò không giống nhau, việc học trực tuyến cũng ảnh hưởng không ít tới tinh thần và tâm lý trẻ, nên để giúp trẻ trở lại trạng thái học tập bình thường và bảo đảm chất lượng, đòi hỏi thầy cô phải đầu tư thêm nhiều thời gian, công sức” – đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa chia sẻ và cho rằng:
Xã hội và các bậc cha mẹ học sinh cần dành sự đồng cảm nhiều hơn nữa cho thầy cô; tạo điều kiện, môi trường làm việc tốt hơn để nhà giáo có thêm những giờ dạy thăng hoa, tận tâm, tận hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Sự quan tâm dành cho nhà giáo không chỉ là vấn đề tiền lương, thu nhập, mà điều quan trọng là sự ghi nhận, tôn vinh, đề cao vai trò của những kỹ sư tâm hồn.
Để giải quyết vấn đề này cần có các giải pháp tổng thể và căn cơ. Đáng mừng, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều quy định mới nhằm giảm bớt áp lực và tạo động lực cho giáo viên. Đồng thời, Bộ tham mưu để Chính phủ ban hành một số chế độ chính sách thiết thực nhằm động viên, khích lệ đội ngũ thầy, cô giáo. Hy vọng thời gian tới, chính sách nhà giáo tiếp tục được quan tâm, đó là cách tri ân và tôn vinh đội ngũ nhà giáo thiết thực và ý nghĩa nhất.
Đại biểu Trần Văn Thức: Trăn trở cùng nhà giáo
Điều mà đại biểu Trần Văn Thức (đoàn Thanh Hóa) trăn trở nhất là vấn đề đội ngũ nhà giáo triển khai, thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018. Cùng với đó, đời sống của đại đa số giáo viên còn nhiều khó khăn.
Cả nước thiếu khoảng 95 nghìn giáo viên. Riêng tỉnh Thanh Hóa thiếu tới 9 nghìn giáo viên, trong đó giáo viên Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật thiếu trầm trọng. Trong khi đó, ngành Giáo dục lại không được tự quyết trong vấn đề tuyển dụng giáo viên. “Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương. Vô hình trung trở thành rào cản để chúng ta triển khai, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, đại biểu Trần Văn Thức bày tỏ.
Cũng theo đại biểu đoàn Thanh Hóa, trước đây toàn bộ giáo viên được đào tạo theo ngành, đơn ngành. Nay Chương trình giáo dục phổ thông mới có một số môn tích hợp như: Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội và nhiều môn học mới. Nên ít nhiều, giáo viên cũng gặp khó khăn, lúng túng khi tiếp cận và triển khai trong thực tiễn.
Xã hội luôn mong muốn và đòi hỏi chất lượng giáo dục ngày càng cao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đời sống giáo viên còn nhiều gian khó. Lương chưa được tăng theo lộ trình mà Quốc hội và Chính phủ đề ra. Đặc biệt, toàn ngành đang đối diện với nhiều thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra. Theo đó, đời sống của giáo viên cũng gặp không ít khó khăn. Có thể nói, giáo dục là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, song cũng là một trong những ngành nỗ lực nhất để thích ứng, vươn lên trong bối cảnh của đại dịch.
Từ những thực tiễn nêu trên, đại biểu đoàn Thanh Hóa đề xuất, cần giải quyết bài toán nan giải về đội ngũ giáo viên. Theo đó, khảo sát thực trạng để có lộ trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của thực tiễn. Ngoài ra, tạo cơ chế về đào tạo giáo viên theo địa chỉ hoặc theo “đơn đặt hàng” của các địa phương. Đồng thời, xem xét lại vấn đề xã hội hóa giáo dục, dành nguồn lực của Nhà nước để ưu tiên đầu tư cho địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo.