Những tiết học Lịch sử hấp dẫn theo chương trình mới

GD&TĐ - Dạy học môn Lịch sử bắt buộc ở THPT theo Chương trình GDPT 2018 đang đi vào nền nếp. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Dù còn khó khăn, nhưng giáo viên, nhà trường đều cố gắng đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá để hấp dẫn học trò.

Không nặng về kiến thức

Sau một tháng học môn Lịch sử theo chương trình mới, Nguyễn Thị Ngọc Bích, học sinh lớp 10A5, Trường THPT Ân Thi (huyện Ân Thi, Hưng Yên) ấn tượng khi sách giáo khoa mới tăng tiết thực hành, luyện tập, việc học Lịch sử trở nên hấp dẫn, hứng thú hơn. Cách dạy của thầy cô ngắn gọn nhưng cũng đủ chi tiết, khoa học, dễ hiểu, tập trung vào các nội dung chính và có nhiều hoạt động trải nghiệm trong lúc truyền tải kiến thức. Do đó, học sinh có thể bắt nhịp nhanh chóng với việc học theo chương trình mới.

Đảm nhiệm dạy học Lịch sử lớp 10, cô Trần Thị Vui, Trường THPT Phù Cừ (huyện Phù Cừ, Hưng Yên), nhận định: Dạy học Lịch sử theo chương trình mới được nhà trường triển khai theo đúng tinh thần Thông tư 13/2022/TT-BGDĐT. Giáo viên Lịch sử tham gia các lớp tập huấn về sách giáo khoa; thống nhất nội dung, chương trình, kế hoạch giáo dục và kế hoạch bài dạy. Thầy cô cũng chủ động hoàn thành các kế hoạch cho phù hợp với đặc điểm, điều kiện của nhà trường và đã được ban giám hiệu phê duyệt.

“Khi Bộ GD&ĐT công bố Lịch sử trở thành môn học bắt buộc ở THPT, tôi vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì môn học đã được mọi người ghi nhận và lấy lại vị thế vốn có. Lo vì đòi hỏi giáo viên phải đổi mới phương pháp, kỹ thuật dạy học để học sinh hiểu, yêu môn học hơn; chuyển từ dạy học tiếp cận nội dung sang dạy học tiếp cận năng lực” – cô Vui cho biết.

Bên cạnh đó, cô Vui cho rằng, dạy học Lịch sử theo chương trình mới có những khác biệt. Theo đó, giáo viên và học sinh không lệ thuộc vào một bộ sách giáo khoa; sách giáo khoa giảm bớt số liệu, kiến thức, tăng hình ảnh. Thời lượng kiến thức phân bố vừa phải, không nặng như chương trình cũ. Phần nội dung kiến thức chuyên sâu gắn với định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Bản thân để đáp ứng theo yêu cầu chương trình cũng gặp một số khó khăn trong kiểm tra đánh giá, làm sao giảm bớt việc ghi nhớ kiến thức máy móc, phát huy được khả năng tư duy của học sinh.

Thầy Lê Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Triệu Phong, Quảng Trị), chia sẻ những phản ánh tích cực của giáo viên nhà trường khi dạy Lịch sử theo chương trình mới. Theo đó, chương trình thiết kế khoa học, bảo đảm yêu cầu phát huy phẩm chất, năng lực học sinh; nội dung kiến thức trình bày trong sách giáo khoa ngắn gọn, dễ hiểu, có tính liên hệ thực tiễn tốt. Trong mỗi tiết học, giáo viên phát huy được tính chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập. Các em cũng được tham gia nhiều hoạt động nhằm tăng cường năng lực hợp tác, làm việc nhóm, rèn luyện các kỹ năng cần thiết.

Tuy nhiên, theo thầy Lê Văn Hòa, sĩ số lớp học đông (40 học sinh/lớp) nên có chút khó khăn khi tổ chức hoạt động học tập theo nhóm và triển khai kỹ thuật dạy học tích cực. Do học sinh ở THCS đang học theo chương trình cũ nên nhiều em ban đầu chưa thích ứng với phương pháp dạy học mới, còn bỡ ngỡ trong hoạt động nhóm, lệ thuộc vào bài giảng của thầy cô. Giáo viên soạn bài khá vất vả, cần thời gian để làm quen. Việc thiết kế các phiếu học tập cho học sinh hoạt động gặp khó khăn, bởi nếu in trên giấy và phát cho học sinh hoạt động hằng ngày sẽ tốn kém cho thầy cô; trong khi sử dụng công nghệ thông tin trình chiếu thì hiệu quả không cao.

Cô Trần Thị Vui và học trò trong giờ Lịch sử.

Cô Trần Thị Vui và học trò trong giờ Lịch sử.

Tăng hiệu quả dạy học

Để dạy học Lịch sử hiệu quả hơn, đổi mới phương pháp, kỹ thuật dạy học là điều vô cùng quan trọng; vì thầy cô chính là người truyền lửa để học sinh thêm yêu môn học. Nêu suy nghĩ này, cô Trần Thị Vui cho rằng, làm được điều đó, thầy cô cần được động viên khích lệ, quan tâm và đồng hành của các cấp, ngành tại nhà trường, xã hội. Cô Vui mong muốn Bộ/sở GD&ĐT tổ chức thêm các buổi tập huấn riêng về kiểm tra đánh giá môn Lịch sử lớp 10 theo hướng tiếp cận năng lực học sinh.

Liên quan đến nội dung này, thầy Lê Văn Hòa cũng nhấn mạnh, giáo viên cần đầu tư chuyên môn, nghiên cứu phương pháp, kỹ thuật dạy học phù hợp từng đối tượng trong mỗi tiết học. Ví dụ: Chia nhóm học tập, giao nhiệm vụ từng bài cho học sinh trước, thuyết trình bằng nhiều loại hình: PPT, poster, tạp chí, bản tin (video có lồng tiếng, ghi hình), sơ đồ tư duy, vẽ tranh... tùy theo khả năng.

Tại Bến Tre, thông tin từ ông Võ Văn Bé Hai, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, việc triển khai dạy học theo Chương trình GDPT 2018 ở THPT, trong đó có dạy học Lịch sử đang đi vào nền nếp. Với môn Lịch sử, sở GD&ĐT định hướng, chỉ đạo các nhà trường tăng cường khai thác, sử dụng nguồn sử liệu khác nhau để tái hiện, phục dựng lịch sử một cách khoa học, khách quan, chân thực; đồng thời gắn với hoạt động thực hành, thực tiễn nhằm phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh.

Cùng đẩy mạnh việc vận dụng các phương pháp, hình thức dạy học tích cực, các nhà trường cần tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hướng đến giáo dục kỹ năng sống, giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp. Tạo điều kiện cho học sinh biết vận dụng kiến thức được học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, hay xây dựng thành dự án nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội hành vi.

Thu hút học sinh tham gia các hoạt động góp phần phát triển năng lực như: Văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao…; tiếp tục thực hiện tốt việc sử dụng di sản văn hóa, lịch sử trong dạy học. Sở GD&ĐT cũng lưu ý tích hợp, lồng ghép những nội dung về lịch sử, địa lý, chính trị, xã hội của đất nước, địa phương; giáo dục truyền thống nhà trường bằng nhiều hình thức sáng tạo, phù hợp với điều kiện, không gây nặng nề, quá tải.

Đối với kiểm tra, đánh giá môn Lịch sử, ông Võ Văn Bé Hai nhấn mạnh, việc tăng cường các câu hỏi nhằm khai thác, sử dụng nguồn sử liệu, tranh ảnh, lược đồ; câu hỏi mở tạo điều kiện cho học sinh tự biểu đạt chính kiến của mình về vấn đề lịch sử. Mục tiêu hướng tới đánh giá phẩm chất và năng lực học sinh, khắc phục tình trạng ghi nhớ sự kiện một cách máy móc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.