Tận nhân lực, tri thiên mệnh
Trong các kỳ tuyển sinh vào 10, học sinh thi không đỗ vào Trường THPT Trần Văn Ơn cùng địa bàn huyện Châu Thành mới đăng kí vào Trường THPT Mạc Đĩnh Chi. Điểm tuyển sinh đầu cấp luôn thấp nhất nhì tỉnh nên học sinh của trường học lực yếu, nguồn để chọn vào đội tuyển học sinh giỏi rất khó khăn.
Trong điều kiện như vậy, đội tuyển học sinh giỏi do cô Tuyền phụ trách vẫn luôn đạt được những thành tích bất ngờ. Từ năm học 2007 - 2008 đến nay, năm nào cô cũng có học sinh giỏi cấp tỉnh, năm nhiều nhất, có đến 3 học sinh đoạt giải.
Thành tích này cũng là điều cô giáo xứ Dừa tự hào nhất trong 20 năm đứng trên bục giảng. "Cứ đầu năm học, học sinh luôn mong muốn và bày tỏ nguyện vọng được học Văn do tôi giảng dạy. Có nhiều học sinh, 3 năm không được học, khi ra trường đã chia sẻ: "Điều tiếc nuối nhất của em trong 3 năm học THPT ở trường là không được học cô". Những chia sẻ này đã tiếp thêm sức mạnh và là động lực để tôi không ngừng phấn đấu, xứng đáng với tình yêu thương, sự tôn trọng và niềm tin tưởng mà học sinh dành cho mình" - cô Tuyền tâm sự.
Là cô giáo dạy Văn, nhưng cách nói chuyện lại thẳng thắn, khúc triết, cô Tuyền cho biết mình là người năng động và thường làm việc với quan niệm “Tận nhân lực, tri thiên mệnh”; luôn cố gắng bằng tất cả khả năng của mình để hoàn thành thật tốt mọi công việc được phân công; đặc biệt, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.
Có lẽ bởi vậy mà với rất nhiều công việc phải đảm nhiệm: Ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn lao động tỉnh Bến Tre; Ủy viên Ban thường vụ - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Giáo dục tỉnh; Chi ủy viên (phụ trách việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và công tác kiểm tra, giám sát ở chi bộ); Chủ tịch công đoàn, Tổ trưởng chuyên môn tại trường, cô Tuyền vẫn bố trí thời khóa biểu làm việc hợp lí để vừa hoàn thành công việc gia đình vừa đạt hiệu quả trong công tác ở trường.
Bí quyết của cô Tuyền là không ngại khó, ngại khổ, mạnh dạn tiên phong, ham tìm tòi, học hỏi. Ban Giám hiệu và đồng nghiệp trong trường cũng đánh giá cô là người có năng lực chuyên môn, cách truyền đạt lôi cuốn, hấp dẫn, có khả năng khơi gợi, dẫn dắt vấn đề để học sinh tích cực, chủ động và hứng thú tham gia tiết học.
Cô cũng là người luôn chú ý đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học sinh, biết tận dụng lợi thế đọc diễn cảm và ngâm thơ để truyền sự thấm thấu các tác phẩm văn học đến học sinh một cách trọn vẹn nhất. Học sinh từ đó hứng thú và yêu thích môn học.
"Với vai trò là Tổ trưởng chuyên môn tổ Văn-Sử-Giáo dục công dân, tôi luôn tự nhủ phải cố gắng hết sức, trau dồi năng lực chuyên môn; bởi chỉ có thế mới tạo được lòng tin từ tập thể. Nếu không tạo niềm tin, quá trình điều hành tổ sẽ rất khó khăn, giáo viên làm việc sẽ thiếu tính phấn đấu.
Chính sự cố gắng, lòng yêu nghề, nhiệt huyết và đam mê của bản thân, tôi đã giúp những đồng nghiệp của mình dần thay đổi quan niệm về việc thi giáo viên dạy giỏi. Với tôi, thi giáo viên dạy giỏi là để hoàn thiện mình. Trước đây, vận động các thầy cô đăng kí thi giáo viên dạy giỏi rất khó khăn, nhưng năm học 2016-2017, tổ có 5/6 giáo viên đăng kí và đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường" - cô Tuyền chia sẻ.
Cô Lê Thị Băng Tuyền và học trò |
Hãy luôn không hài lòng với bản thân
Mục tiêu môn Ngữ văn là phát triển năng lực văn học cho học sinh, trong đó có năng lực tư duy, cảm thụ văn học, năng lực sử dụng ngôn ngữ. Người giáo viên dạy môn học này phải vừa là nhà khoa học, nhà sư phạm, vừa là nghệ sĩ; phải biết đặt mình vào vị trí của người học để hiểu các em cần gì. Dạy Văn, quan trọng nhất là tạo được hứng thú cho học sinh, giúp các em cảm nhận được cái hay, cái đẹp trong tác phẩm.
Muốn làm được điều này, cô Lê Thị Băng Tuyền cho rằng, giáo viên phải định hướng cho học sinh tiếp cận văn bản thông qua hệ thống câu hỏi soạn bài ở nhà - không đơn thuần là câu hỏi trong phần hướng dẫn học bài ở SGK mà là những câu hỏi “có vấn đề” do giáo viên định hướng từ tiết học trước.
Giờ học trên lớp, giáo viên cần linh hoạt kích thích khả năng tìm tòi, sáng tạo ở học sinh; tổ chức cho các em tự điều chỉnh năng lực cảm thụ, phát huy tính tích cực thông qua thảo luận nhóm, đóng vai, tổ chức phản biện, thuyết trình, ứng dụng công nghệ thông tin…
Việc thiết kế, tổ chức tiết học cần chú ý phát huy tư duy ngôn ngữ, rèn kĩ năng nghe - nói- đọc- viết, năng lực cảm thụ văn chương. Giáo viên có thể thay việc đọc thơ bằng việc ngâm thơ (thể hát nói, thơ trữ tình…). Cần chú ý lồng ghép đúng lúc, hiệu quả việc giáo dục kĩ năng sống, liên hệ học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, liên hệ giáo dục đạo đức, hướng nghiệp, những vấn đề mang tính thực tế trong cuộc sống…
Cô Tuyền nhấn mạnh: Đổi mới, sáng tạo trong dạy học không có nghĩa là phủ nhận cách dạy học truyền thống như bình giảng. Trái lại, việc bình giảng đúng lúc sẽ tạo điểm nhấn giúp học sinh cảm nhận tốt và hiểu rõ cái đẹp, cái tinh tế mà tác phẩm mang lại.
Nhưng, người giáo viên muốn đạt hiệu quả trong giảng dạy, ngoài sử dụng linh hoạt các phương pháp thì trên hết vẫn là phải dạy học bằng cái tâm của người thầy - đó mới là điều cốt lõi, quan trọng nhất.
Ngày nay, sự thay đổi nhanh chóng của xã hội phát sinh nhiều yêu cầu mới với nhà giáo. Nhận thức rất rõ điều này, cô Tuyền cho rằng, các thầy cô cần nhận thức rõ vị trí ngành nghề được xã hội tôn vinh để phấn đấu và rèn luyện; nhất thiết phải có sự đam mê, sự tâm huyết và tinh thần trách nhiệm.
Bên cạnh đó, không thê thiếu sự “tự học và sáng tạo” trong các hoạt động nhằm bắt kịp sự phát triển của thời đại và đáp ứng nhu cầu chính đáng của người học. Hãy luôn “không hài lòng” với chính bản thân để phát hiện những hạn chế, thiếu sót và nỗ lực điều chỉnh.
"Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu mới, trong từng giờ dạy, giáo viên cần thực hiện tốt 5 yếu tố tăng cường sự tham gia của học sinh, đó là: Không khí học tập và các mối quan hệ trong nhóm/lớp; phù hợp với mức độ phát triển của học sinh; gần gũi với thực tế; mức độ và sự đa dạng của hoạt động; phạm vi tự do sáng tạo" - cô Tuyền trao đổi thêm.