Cô giáo 9X với dự án dạy học xuất sắc nhất toàn quốc

GD&TĐ - Hơn 2 năm vào nghề, cô giáo trẻ Trần Thị Quỳnh Anh, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TPHCM) đã thực sự tạo được ấn tượng với học trò bởi sự tâm huyết với nghề, giỏi về chuyên môn. 

Cô giáo 9X với dự án dạy học xuất sắc nhất toàn quốc

Mới đây, cô đã xuất sắc giành giải Nhất với dự án “Tôi yêu tiếng nước tôi” tại cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin (CNTT)” năm 2016 do Bộ GD&ĐT cùng Microsoft tổ chức ở Hà Nội hồi cuối tháng 8 vừa qua.

Không ngừng đổi mới phương pháp dạy học

Ngay từ khi còn học tại Trường THPT Trưng Vương, nữ sinh Trần Thị Quỳnh Anh đã rất yêu thích môn Văn. Cô cũng từng đoạt giải Nhất môn Văn toàn thành phố năm lớp 12. Cô giáo trẻ sinh năm 1992 chia sẻ: “Hồi đó tôi học Văn, cứ nghe cô giảng, cô nói chuyện văn, chuyện thơ đã vô cùng ngưỡng mộ. Rồi tôi tự hỏi: Sao cô có thể yêu nghề như vậy, sao cô giỏi như vậy. Ước gì mình cũng làm được như cô. Từ đó tôi quyết định sẽ thi vào sư phạm Văn”.

Ước mơ cháy bỏng ấy của cô nữ sinh Trưng Vương ngày nào cũng thành sự thật. Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm TPHCM, năm 2014, cô Quỳnh Anh trúng tuyển và được phân công về dạy tại mái trường cấp 3 mà mình đã theo học.

Với những quan niệm về nghề ấy đã thôi thúc cô giáo trẻ Quỳnh Anh không ngừng cầu tiến, học hỏi các thầy cô giáo đi trước, nghiên cứu và đổi mới trong phương pháp dạy học. Cô đã mạnh dạn đăng kí thực thực hiện dự án dạy học ứng dụng CNTT có tên “Tôi yêu tiếng nước tôi” trong năm học 2015 - 2016 với sự tham gia của HS lớp 10A2 (nay các em là HS lớp 11A2).

Tham gia dự án này, cô Quỳnh Anh hướng đến mục tiêu, đầu tiên các em có những kiến thức về tiếng Việt, từ đó các em ý thức trong cách dùng tiếng Việt chuẩn, từ việc biết, hiểu, dùng chuẩn các em thấy cái hay của tiếng Việt và ở mức cao hơn là biết yêu và giữ gìn tiếng Việt. Ngoài ra, các em còn có được các kỹ năng như làm việc nhóm, thuyết trình, kỹ năng thu thập xử lý thông tin, ứng dụng CNTT trong học tập chứ không đơn thuần như hiện nay các em sử dụng đọc báo, lướt web, trò chuyện…

Theo cô Quỳnh Anh, “ban đầu khi tham gia dự án, nhiều học sinh lớp 10 còn bỡ ngỡ với cách học mới đòi hỏi sự năng động, sáng tạo, làm việc nhóm để tìm tòi tư liệu, phát triển ý tưởng của giáo viên. Tuy nhiên, nhờ sự tiếp sức và khơi gợi đam mê, năng lực, sở trường của từng em, học trò đều hứng thú tham gia dự án. Sau 2,5 tháng, sản phẩm sáng tạo này đã hoàn thành với sự góp sức, nhiệt huyết của học trò. Học và trải nghiệm thực tế đã giúp học sinh của tôi yêu thích, cảm thụ môn Văn tốt hơn, thẩm thấu các giá trị sống nhân văn hơn…”.

Sau thời gian cô và trò làm việc say sưa, tâm huyết, dự án đã vinh dự vượt qua 71 bài dự thi khác trong toàn quốc tại vòng chung kết để giành giải Nhất tại cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin (CNTT)” năm 2016 do Bộ GD&ĐT cùng Microsoft tổ chức ở Hà Nội hồi cuối tháng 8 vừa qua.

Trò thích thú, cô hài lòng

Em Lê Ngọc Thúy Vân, thành viên của lớp 10A2 tham gia dự án chia sẻ: Những bài học mà dự án mang lại quả là không đong đếm được cụ thể, em chỉ thấy mình trưởng thành hơn, có ý thức trách nhiệm hơn với việc giữ gìn tiếng Việt và ý thức trách nhiệm hơn với những gì mình làm, bạn bè hiểu nhau hơn, đoàn kết hơn…

Cũng theo cô Quỳnh Anh, là môn đặc thù nên môn Văn đòi hỏi cách dạy phải đổi mới để chạm vào trái tim người học, giúp học sinh biết cách cảm thụ những giá trị, vẻ đẹp của cuộc sống, con người, di sản văn hóa của dân tộc, trong đó có tiếng mẹ đẻ. Và cái được mà dự án mang lại chính là giúp học trò hiểu thêm về trách nhiệm công dân, chung tay lan tỏa ý nghĩa cũng như thông điệp “Hãy giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”.

Sau dự án này, cô Quỳnh Anh cho biết, không chỉ trò mà cô cũng có thêm nhiều bài học, đó là để học sinh yêu thích những giờ giảng, yêu thích bộ môn nào đó, thì người giáo viên có rất nhiều cách để truyền đạt kiến thức cho các em, tạo hứng thú cho các em.

Bước vào năm học mới này, cô Quỳnh Anh đã lên kế hoạch cho dự án dạy học mới của mình hướng đến tích hợp liên môn Văn học và Sinh học. Cô “bật mí”, chủ đề của dự án là sẽ cho học sinh đi thăm các em bé bị khuyết tật để từ đó giáo dục cho các em về sự sẻ chia, trân trọng những gì mình có, thương cảm trước số phận kém may mắn của các bạn nhỏ kém may mắn, hai là cho các em tìm hiểu, tại sao các em lại bị khuyết tật khi sinh ra như bị khiếm thính, khiếm thị, bị down, bị hở hàm ếch… đây là những kiến thức về Sinh học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ