Huyện Đăk Glei, Kon Tum: Hơn 1.000 hộ dân khốn đốn vì đường “hở hàm ếch”

GD&TĐ - Nhiều năm qua, tuyến đường DH 81 và DH 83 (huyện Đăk Glei, Kon Tum) bị sạt lở, sụt lún nghiêm trọng khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn.

Đường DH 83 sạt lở, “hở hàm ếch” gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Đường DH 83 sạt lở, “hở hàm ếch” gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Trên 2 tuyến đường này xuất hiện nhiều điểm “hở hàm ếch” đe dọa tính mạng người đi đường.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tuyến đường DH 81 từ trung tâm huyện Đăk Glei vào xã Đăk Nhoong (huyện Đăk Glei) chỉ khoảng 20km nhưng có hàng chục điểm sạt lở, hư hỏng. Trên khắp tuyến đường là chi chít ổ voi, ổ gà bẫy người đi đường.

Những ngày qua, trên địa bàn huyện xảy ra mưa lớn khiến những ổ voi trở thành hố nước khổng lồ, ngập hơn nửa bánh xe. Người dân khi đi qua những khu vực này phải chạy chậm, rà chân để tránh té ngã.

Ông A Thơ (54 tuổi, trưởng thôn Đak Nhoong, xã Đăk Nhoong) cho biết, đường DH 81 đã hư hỏng nhiều năm nay. Khắp các tuyến đường xuất hiện nhiều hố nước lớn, một số nơi bị sạt lở, hư hỏng gây khó khăn trong quá trình di chuyển của người dân.

Cũng theo ông Thơ, vừa qua, mưa lớn kéo dài, nước dâng cao đã khiến cây cầu bắc qua sông Pô Kô ngay trước UBND xã bị gãy một đoạn, chia cắt với các vùng lân cận. Để bảo đảm lưu thông, chính quyền và người dân đã làm cầu tạm ván. Tuy nhiên, cầu tạm không phục vụ được lâu dài và tiềm ẩn nguy hiểm.

“Chiếc cầu tạm này chỉ khắc phục được tạm thời. Tuy nhiên hố sâu và vết nứt lớn, cầu có thể sập thêm bất cứ lúc nào gây nguy hiểm cho người qua lại. Đặc biệt, nhiều học sinh đi qua khu vực này để đến trường nên dễ xảy ra sự cố đáng tiếc”, ông Thơ nói.

Theo cô Bùi Thị Hoài – Hiệu trưởng Trường Mầm non Đăk Nhoong tuyến đường từ trung tâm huyện vào xã xuất hiện hàng chục điểm sạt lở, hư hỏng. Đặc biệt, cây cầu ngay cạnh UBND xã đã bị sụt hơn 3m. Người dân và các em học sinh đi lại rất nguy hiểm.

“Một số em học sinh được bố mẹ đưa đến lớp, còn lại các em đi bộ đến trường. Đường với chi chít ổ voi, điểm sạt lở và sụt lún nên gây nguy hiểm cho các em. Con đường từ trung tâm huyện vào trường chỉ hơn 10km mà chúng tôi phải đi hơn 1 tiếng đồng hồ. Những hôm mưa lớn, giáo viên chúng tôi còn không dám chạy về nhà, huống hồ các em học sinh”, cô Hoài chia sẻ.

Cây cầu bắc qua sông Pô Kô bị “đứt” một đoạn, người dân phải bắc cầu tạm bằng ván để di chuyển qua lại.
Cây cầu bắc qua sông Pô Kô bị “đứt” một đoạn, người dân phải bắc cầu tạm bằng ván để di chuyển qua lại.

Theo ông A Nhập, Chủ tịch UBND xã Đăk Nhoong, hiện nay con đường đã xuống cấp rất nghiêm trọng gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân và cán bộ, đặc biệt là học sinh khi tham gia giao thông. Địa phương đã nhiều lần đề xuất lên các cấp chính quyền tuy nhiên con đường vẫn chưa được đầu tư xây dựng.

Không chỉ tuyến đường DH 81, tuyến đường DH 83 nối từ xã Đăk Nhoong qua xã Đăk Plô cũng có hàng chục điểm sạt lở. Nhiều đoạn sụt lún, chính quyền địa phương đã đổ hàng chục m3 đá phục vụ việc đi lại tạm thời. Tuy nhiên, mỗi khi mưa lớn đất đá ở các quả đồi đổ ập xuống đường, những điểm “hở hàm ếch” xuất hiện ngày một nhiều hơn, đe dọa tính mạng người dân.

Đặc biệt, tuyến đường DH 81 và DH 83 nối 3 đồn biên phòng là Đăk Nhoong, Đăk Plô và Sông Thanh. Hiện tại đường vào đồn biên phòng bị sạt lở, hư hỏng, các cán bộ chiến sĩ phải đi bộ hàng chục km để ra ngoài. Không những vậy, nhiều quả đồi có nguy cơ sạt lở có thể ập xuống bất cứ lúc nào.

Liên quan đến vấn đề này, bà Y Thanh, Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei cho biết, tuyến đường DH 81 và DH 83 đã được đầu tư xây dựng hơn 20 năm nay. Đây là tuyến đường huyết mạch nối trung tâm huyện với 2 xã biên giới và 3 đồn biên phòng. Tuy nhiên qua nhiều năm sử dụng, tuyến đường này bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.

Theo bà Thanh, tuyến đường này phục vụ việc đi lại của hơn 1.000 hộ dân với hơn 3.500 nhân khẩu. Việc đường hư hỏng, sụt lún không chỉ ảnh hưởng đến quá trình đi lại mà còn gây nguy hiểm cho người dân, đặc biệt là các em học sinh.

“Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên đơn vị về việc đường hư hỏng, xuống cấp trầm trọng. Tuy nhiên, đây là những tuyến đường lớn, không chỉ sử dụng đi lại, phát triển kinh tế mà còn phục vụ việc tuần tra, kiểm soát của 3 đồn biên phòng. Chính vì vậy, huyện không đủ kinh phí để sửa chữa.

Đơn vị rất mong các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ địa phương khắc phục tuyến đường trên. Qua đó bảo đảm an toàn trong quá trình đi lại của người dân.”, bà Y Thanh nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ