Xuất thân trong một gia đình có truyền thống nghề giáo và cô Đào là thế hệ thứ 3 nối nghiệp ông và cha mình. Cô tâm sự: “Ngày xưa, gia đình cô rất nghèo, 2 chị em đi học mà mỗi người chỉ có một chiếc áo để mặc, duy nhất có mỗi cây bút mực bơm để dùng.
Cứ mỗi sáng chị bơm mực xong đem đi học, đến trưa trên đoạn đường trở về nhà, cũng là lúc cô đem bình mực lên lớp và hai chị em cứ thế trao viết cho nhau để đến trường”.
Thời bao cấp không đủ ăn, không đủ mặc nhưng hình ảnh thầy cô giáo chăm chút, nâng niu dạy cô từng lời ăn tiếng nói, từ cách học đến nắn nót từng nét chữ, cùng truyền thống gia đình đã giúp cô yêu và phấn đấu trở thành nhà giáo.
Trong quãng đời gần 30 năm dạy học, có lẽ giai đoạn khó khăn nhất với cô Đào là 7 năm đầu mới ra trường. Tốt nghiệp CĐSP năm 1991, cô về dạy tại một trường nhỏ ở vùng nông thôn của xã Phước Hiệp. Ngôi trường mái lá xiêu vẹo, dột nát. Vào mùa nước nổi, thầy trò xắn áo quần lội nước vào lớp vì cả sân trường đều là nước.
Học sinh gầy guộc, đen nhẻm, tay chân dính đầy phèn, lem luốc lội đến trường đến lớp. Thương trò, cô Đào tìm cách giúp cho học sinh vùng quê mình không bị thiệt thòi so với các em học sinh thị trấn.
Nghĩ là làm, cô Đào bắt đầu nỗ lực tìm tòi nghiên cứu các giải pháp, cách dạy học phù hợp với điều kiện thiếu cơ sở vật chất, đồng thời sáng chế các đồ dùng học tập để giúp học trò mình học tốt được. Ngoài công việc giảng dạy, cô còn tích cực tham gia các hoạt động công tác xã hội, giúp đỡ học sinh, sinh viên nghèo hiếu học tại tỉnh nhà.
Cô tổ chức các hoạt động quyên góp từ những năm 2010. Đầu năm học mới cô làm chương trình “áo mới ngày khai giảng”, qua đó giúp học sinh ngày khai giảng năm học mới có áo mới để mặc. Với những em sinh viên nghèo hiếu học, rời quê nhà lên thành thị học tập cô cũng hỗ trợ mỗi em 1 triệu đồng/mỗi tháng, cứ thế mà chương trình tiếp sức sinh viên nghèo đã được cô duy trì 5 năm nay.
Bên cạnh đó, cô còn thường làm các hoạt động thiện nguyện cho người cao tuổi, tặng bảo hiểm cho học sinh khó khăn tại trường…
Chia sẻ về nghề, cô Ngô Song Đào cho biết: “Giáo viên là người truyền cảm hứng cho học sinh qua nhân cách, tri thức của mình, là mô hình mẫu sống động nhất của học sinh. Do đó, người giáo viên phải luôn luôn phấn đấu, nỗ lực học tập cả về tri thức lẫn nghệ thuật giảng dạy, tôi luyện nhân cách để thực sự là tấm gương tốt cho các em noi theo.” Cũng theo cô Đào, đất nước đang hội nhập với thế giới, ngành giáo dục phải đào tạo ra những thế hệ học sinh có kỹ năng, năng lực giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, nên đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức, năng lực vững vàng, luôn luôn sẵn sàng tiếp nhận những cái mới, phải tự thay đổi mình cho phù hợp hơn.
Mặc dù chương trình mới hiện có những phản ánh này kia, nhưng cần hiểu rằng đa số cái gì mới bắt đầu thì không bao giờ hoàn mỹ được, phải qua giai đoạn, 1 năm, 2 năm mới hoàn chỉnh. Tất cả những giáo viên thế hệ trước đó, đều phải cố gắng bắt kịp phương thức mới và cuối cùng đã làm tốt. Trước cái mới, dù có khó khăn, thầy cô cũng đừng có nản lòng.