Có gì ở Campuchia?

GD&TĐ - Liên tục trong tuần qua, công an nhiều tỉnh, thành phố các tỉnh phía Nam đã giải cứu hàng chục người Việt Nam bị mắc kẹt ở Campuchia trong hoàn cảnh bị đánh đập và bỏ đói.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Có gì ở Campuchia mà thành “miền đất hứa”, thu hút hàng trăm người đâm đầu sang bên ấy để rồi phải trả giá đắt?

Theo báo cáo của Bộ Công an, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2022, các cơ quan chức năng đã giải cứu 250 công dân Việt Nam bị bọn buôn người lừa qua biên giới để xâm nhập trái phép vào Campuchia dưới chiêu bài “thu nhập khủng bằng những việc đơn giản”.

Để được trở lại quê nhà, những người này buộc phải nộp tiền chuộc với số tiền rất lớn. Nếu không đủ tiền, nạn nhân phải lao động khổ sai suốt đời mà không có lối thoát!

Thủ phạm được Bộ Công an xác định là người Trung Quốc đang hoạt động phi pháp tại Campuchia được một số người Việt trong nước tiếp tay. Thủ đoạn của bọn này là dụ dỗ một số người nhẹ dạ ở khu vực các tỉnh biên giới giáp với Campuchia rằng qua bên đó làm những việc đơn giản như lập trình viên hoặc phục vụ quét dọn trong các khu du lịch, sòng bạc hợp pháp… với mức lương cả nghìn đô la trở lên mỗi tháng.

Để thuyết phục được “con mồi”, bọn này cho xem hình ảnh và cả những clip được dàn dựng công phu về những công việc cụ thể mà “đối tác” sau khi vượt biên sẽ tiếp cận để làm hằng ngày.

Sau khi dẫn số người bị mắc bẫy này vượt biên trái phép sang đất Campuchia, bọn chúng bắt đầu lộ nguyên hình là những tên buôn người. Chúng bắt số người này làm việc mỗi ngày có khi lên đến 12 tiếng, toàn làm những việc nặng nhọc đến kiệt sức. Việc thì “không nhẹ” như chúng tuyên truyền, còn “lương” thì chẳng thấy đâu. Những ai trái lệnh, cự cãi liền bị chúng đánh đập tàn nhẫn.

Cuối cùng, chúng bắt số người này liên lạc về gia đình bên Việt Nam và ra giá nếu muốn rời khỏi Campuchia thì phải nộp tiền bồi thường vì “vi phạm hợp đồng”, nói trắng ra là tiền chuộc. Mỗi trường hợp ít nhất là 3 nghìn đô la, nhiều nhất có khi lên đến 30 nghìn đô la.

Việc nhẹ lương cao đâu chẳng thấy, chỉ thấy một tương lai mờ mịt khi bị bắt lao động khổ sai, bị đánh đập tàn nhẫn. Gia đình bên Việt Nam thấy hoàn cảnh người thân mình như thế nên chạy vạy, vay mượn khắp nơi cho đủ số tiền mà bọn buôn người kia yêu cầu để đưa con về.

Có một thực tế sau dịch Covid-19 là, nghe đồn ở đâu mà có việc, lại là việc đơn giản nhưng thu nhập khá là ào ào xin đi, bất chấp việc cần phải tìm hiểu kỹ về nơi mà mình sẽ đến. Lợi dụng tâm lý này, bọn buôn người đã khai thác triệt để như chúng ta đã biết.

Con số 250 người được giải cứu của Bộ Công an vừa công bố chỉ là phần nổi của tảng băng mà thôi. Số còn lại đang bị mắc kẹt bên Campuchia chưa thể thống kê hết.

Mỗi thành quả lao động dù vất vả hay ngọt ngào đều phải có giá của nó. Không có chuyện làm ít mà hưởng nhiều; việc nhẹ mà lương cao, dù là ở đất nước giàu có lẫn những nước kinh tế kém phát triển.

Đừng nghe bọn bất lương xúi giục mà mắc bẫy bọn chúng!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.