Có gì dạy nấy!

Có gì dạy nấy!
Sinh viên Trường ĐH Lao động Xã hội
Sinh viên Trường ĐH Lao động Xã hội

(GD&TĐ) - Đó là cách tư duy của một số trường có đào tạo chuyên ngành Công tác xã hội (CTXH) hiện nay. Mặc dù Bộ GD&ĐT đã có chương trình khung, nhưng không ít trường đã chủ động thiết kế chương trình đào tạo cho riêng mình. Điều đó khiến chương trình trở nên tư biện, nặng nề, không đáp ứng được yêu cầu về tính khoa học, tính thực tiễn và mục tiêu đào tạo nghề theo hướng chuyên ngành, chuyên sâu.

Nặng lý thuyết, ít chuyên sâu

Năm 2010, chương trình khung ngành CTXH trình độ ĐH, CĐ được Bộ GD&ĐT ban hành. Theo nhận định của nhiều giảng viên chuyên ngành này, chương trình khung ngành CTXH đang áp dụng hiện nay đã được biên soạn, chỉnh sửa theo hướng tinh giảm giờ lý thuyết, dành nhiều thời gian hơn cho sinh viên tự học, tự nghiên cứu, đọc tài liệu, thảo luận, làm bài tập và thực hành tại cơ sở, khuyến khích đổi mới phương pháp giảng dạy và học ĐH. Nhưng, việc thiết kế được triển khai theo hướng phát triển chương trình cấu trúc kiểu đơn ngành, vẫn quá nặng về lý thuyết, nhẹ kiến thức và kỹ năng chuyên ngành, chuyên sâu.

Con số chứng minh điều này được ThS Kim Văn Chiến - Khoa Công tác xã hội (Trường ĐHSP Hà Nội) - đưa ra: Số lượng học phần thực hành khiêm tốn trong toàn bộ chương trình đào tạo - chỉ chiếm vỏn vẹn 14 đơn vị học trình.

Bên cạnh đó, chương trình CTXH của hầu hết các trường tham gia đào tạo chuyên ngành này mới tập trung vào CTXH cơ bản, như kiến thức, kỹ năng CTXH đại cương làm việc với cá nhân, gia đình và cộng đồng. Nội dung chương trình đào tạo CTXH bậc thạc sĩ tại một số cơ sở đào tạo cũng chỉ dừng ở CTXH có tính nâng cao hơn về lý luận chứ chưa đi sâu vào kiến thức, kỹ năng làm việc với nhóm đối tượng cụ thể.

Là trưởng khoa CTXH (Trường ĐH Lao động Xã hội), TS Bùi Thị Xuân Mai nhận định: Bản thân Trường ĐH Lao động Xã hội, ĐHSP Hà Nội, ĐH Mở TP Hồ Chí Minh, ĐH Đà Lạt..., có thâm niên đào tạo CTXH với một số nhóm đối tượng cụ thể. Tuy nhiên, nội dung cũng như thời lượng đào tạo về những vấn đề trên mới cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản nhất chứ chưa thực sự đi vào phát triển kỹ năng chuyên môn sâu để người học ra trường có thể thực thi trong một lĩnh vực cụ thể như mong muốn.

Hiện nay, danh mục các học phần và thời lượng của học phần chỉ là những quy định bắt buộc tối thiểu. Căn cứ vào mục tiêu, thời gian đào tạo, khối lượng và cơ cấu kiến thức quy định, các trường được tự bổ sung khoảng 20% thời lượng những học phần cần thiết hoặc bổ sung thêm thời lượng cho các học phần. Đặc biệt là các học phần thực hành để xây dựng thành chương trình đào tạo cụ thể của nhà trường. Tổng thời lượng tối thiếu là 150 đơn vị học trình với hệ CĐ, 180 đơn vị học trình với ĐH. 

Theo TS Vũ Kim Dung - Trưởng khoa Công tác xã hội (Trường ĐHSP Hà Nội), phần cơ chế mở này khuyến khích sự sáng tạo, tự chủ của mỗi trường. Tuy nhiên, điều này cũng khiến chương trình đào tạo áp dụng, triển khai trong cả nước thiếu đồng bộ. Có trường còn tiếp tục xây dựng, bổ sung thêm một số môn học lý thuyết mới thuộc những ngành xã hội khác mà trường có. Chính vì vậy, chương trình CTXH ít nhiều đã không theo chuẩn và thống nhất chung giữa các trường đào tạo CTXH. Điều này tất yếu dẫn đến sinh viên ra trường sẽ không cùng một kết quả đào tạo và ảnh hưởng đến sự chuyên nghiệp trong nghề.

Hiếm giáo trình 

Do CTXH mới chỉ được chú trọng và phát triển ở Việt Nam những năm gần đây nên hệ thống tài liệu, giáo trình chuyên biệt với ngành này còn hiếm. Hiện đa phần tài liệu, giáo trình ngành này được viết dựa trên nền tảng của tài liệu dịch kết hợp với những kiến thức chuyên ngành khoa học khác; Bởi vậy, không mang tính hệ thống và khoa học cơ bản của CTXH. Ở trình độ cao học, nhiều môn học chưa có giáo trình tiếng Việt. 

Các tài liệu đúng chuẩn và chuyên ngành lại là tài liệu của nước ngoài, nên việc tiếp cận của cán bộ, giảng viên, sinh viên, những người làm CTXH rất hạn chế. Một phần vì khó khăn trong hướng tiếp cận, phần vì  hạn chế về ngoại ngữ và đầu tư cho dịch thuật của tài liệu. Có thể nói, hiếm học liệu, giáo trình là khâu yếu nhất, ảnh hưởng đến đào tạo CTXH

Để có được hệ thống tài liệu đầy đủ và hệ thống, theo ThS Kim Văn Chiến, Nhà nước nên đầu tư ngân sách xây dựng một thư viện chuyên đề về CTXH với những đầu sách cơ bản và chuyên ngành của các nước có đào tạo ngành này. Cùng với đó, tổ chức xây dựng các đề án dịch sách và viết sách CTXH. Có như vậy Việt Nam mới sớm tiếp cận và hội nhập, đi đến chuyên nghiệp với quốc tế.

Hoàn thiện chương trình gắn với định hướng nghề

Nhiều kiến nghị cho rằng, nên cải tiến chương trình theo hướng giảm giờ lý thuyết ở khối kiến thức chung; Bổ sung các môn học khối kiến thức chuyên ngành chuyên sâu (phần tự chọn) để sinh viên có thể tự lựa chọn với định hướng việc làm sau khi ra trường. Các chuyên đề này sẽ tiếp tục được phát triển nâng cao và chuyên sâu hơn trong chương trình đào tạo thạc sĩ.

Bên cạnh đó, cần khảo sát thực tiễn nhu cầu xã hội, lấy đó làm cơ sở để xây dựng, phát triển chương trình đào tạo CTXH đối với những hướng chuyên sâu theo từng lĩnh vực hay từng nhóm đối tượng. Ví dụ như CTXH với trẻ em, trong trường học, với người rỗi nhiễu tâm trí, CTXH với phụ nữ, với người già... Việc thành lập Hội đồng biên soạn cấp quốc gia để xây dựng và thẩm định chương trình khung ngành đào tạo CTXH cũng vô cùng cần thiết.

Cũng có ý kiến yêu cầu hoàn thiện chương trình đào tạo các cấp, đặc biệt là đào tạo CTXH hệ ĐH với việc xác định hướng chuyên sâu qua các học phần tự chọn, gắn với định hướng nghề sau khi ra trường của sinh viên, đồng thời làm bước đệm cho phát triển chuyên sâu hơn trong chương trình thạc sĩ. Đồng thời, rất nên phát triển chương trình đào tạo liên thông ngang giữa các ngành có quan hệ mật thiết như Tâm lý học, Xã hội học, Giáo dục học... 

Đề ra giải pháp, ThS Kim Văn Chiến cho rằng, nên chăng, Việt Nam có thể thành lập một trường quốc tế (máy cái) mà ở đó, chương trình đào tạo theo gần như 100% chương trình của nước ngoài. Giảng viên người nước ngoài sẽ phụ trách những học phần quan trọng mang tính chất quyết định. Đồng thời, họ cũng sẽ là những chuyên gia, cố vấn cho nhà trường về giảng dạy và thực hành trong những năm đầu đào tạo. Sau vài năm, trường có thể giữ lại những sinh viên xuất sắc làm đội ngũ kế cận, thay thế gần giảng viên nước ngoài.

“Việt Nam cần có bước đi đúng và chuẩn xác ngay từ ban đầu với sự kế thừa nguồn lực đào tạo vốn có với sự đa dạng văn hóa truyền thống, tiếp thu và phát huy chương trình đào tạo và thực hành nghề của các nước đã phát triển CTXH trên thế giới. Có như vậy, CTXH ở Việt Nam mới phát triển và đi đến chuyên nghiệp, hội nhập với quốc tế” - ThS Kim Văn Chiến nhận định.

42/56 sinh viên (75%) hệ chính quy mong muốn được trang bị kiến thức cơ bản, đồng thời được đào tạo chuyên ngành chuyên sâu trong nhà trường. Cùng nguyện vọng đó, với học sinh hệ đào tạo tại chức (những người đang làm CTXH tại các địa phương) ở Hải Dương là 120/130 chiếm 92,3%, ở Phú Thọ là 45/50 (90%), Thái Bình là 56/63 (88,8%) và huyện Phúc Thọ (Hà Nội) là 37/42 (88%), Phú Xuyên (Hà Nội) là 70/82 chiếm 85,3%. Những con số này phần nào cho thấy nhu cầu đào tạo chuyên ngành chuyên sâu về CTXH là không nhỏ.

Hải Bình

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.