Từ ngày 5-8/11 tới, Lê Thùy Linh, sinh viên Công nghệ Thực phẩm thuộc Khoa Công nghệ Sinh học Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP HCM) sẽ tham gia lễ trao giải thưởng Global Winner trong chương trình The Global Undergradute Awards năm 2023 tại Ireland.
4 tháng nghiên cứu với rau củ
Lê Thùy Linh vừa đoạt giải Global Winner với đề tài nghiên cứu "phát triển màng bao thực phẩm thông minh phân huỷ sinh học tích hợp với betacyanin từ thanh long đỏ và củ dền để kiểm soát chất lượng thực phẩm".
The Global Undergraduate Awards là chương trình giải thưởng học thuật hàng đầu thế giới nhằm công nhận các công trình nghiên cứu ở bậc đại học xuất sắc nhất. Giải thưởng cũng kết nối sinh viên thuộc nhiều nền văn hóa và các ngành học khác nhau trên khắp thế giới.
Từ khi giải thưởng bắt đầu được trao từ năm 2012, Thùy Linh là người thứ 2 tại Việt Nam nhận giải Global Winner.
Lê Thùy Linh. Ảnh: Nguyễn Ngọc |
Lê Thùy Linh hào hứng kể về hành trình nghiên cứu đề tài. Lúc đầu, em suy nghĩ đến đề tài về bao bì phân hủy sinh học kết hợp các loại củ quả ăn được.
Trao đổi ý tưởng với giảng viên hướng dẫn của mình là PGS.TS Lê Ngọc Liễu (Giảng viên Bộ môn Công nghệ Thực phẩm), Linh nhận được sự tán thành.
Hai cô trò bắt tay vào thực hiện, trao đổi kỹ lưỡng để đưa ra được tên đề tài cụ thể, hướng nghiên cứu và tìm kiếm tài liệu liên quan.
Sau đó, Linh dành khoảng 2 tháng làm lược sử nghiên cứu đề tài, viết bản dự thảo để đưa ra được phương pháp làm thí nghiệm và hướng nghiên cứu dựa trên quả thanh long đỏ và củ dền.
Em bắt đầu bước vào phòng thí nghiệm và trải qua khoảng 4 tháng làm nghiên cứu trên các loại rau củ này kết hợp với chất Chitosan để làm ra màng bọc thực phẩm thông minh phân hủy sinh học. Việc này nhằm chỉ thị tình trạng hư hỏng của thực phẩm vì những rau củ này có chứa chất betacyanins - là một chất chỉ thị màu tự nhiên rất an toàn.
Đề tài của Linh cũng được Hội đồng bảo vệ luận văn của nhà trường đánh giá cao về tính thực tiễn và tính giá trị.
Sau đó, chính PGS.TS Lê Ngọc Liễu đề nghị học trò gửi sản phẩm dự thi The Global Undergradute Awards năm 2023 và cuối cùng, Linh đoạt giải.
Đam mê hiểu biết về thực phẩm
Dự kiến khoảng cuối năm nay, Lê Thùy Linh sẽ tốt nghiệp và nhận bằng Kỹ sư Công nghệ thực phẩm.
Nói về lý do chọn học ngành Công nghệ Thực phẩm, Linh cho biết cơ duyên từ việc "thích tìm hiểu công thức nấu ăn".
"Khi đi siêu thị, em hay xem những sản phẩm thực phẩm mới nào được bày bán và đọc thành phần trên nhãn của chúng. Sau này em nghĩ tại sao mình không chọn học nghiên cứu về thực phẩm để có thể tìm hiểu sâu hơn về thực phẩm cũng như quy trình tạo ra chúng", Linh nói.
Nữ sinh cho biết, sau khi tốt nghiệp, em có dự định học tiếp thạc sĩ ngành này tại Trường Đại học Quốc tế. Em dự định dành nhiều thời gian để phát triển nhiều đề tài về lĩnh vực thực phẩm.
"Em muốn trở thành chuyên viên nghiên cứu và phát triển sản phẩm thực phẩm và tạo ra nhiều sản phẩm vừa có lợi cho sức khỏe con người vừa bảo vệ môi trường", Linh nói.
Khi nhận thông báo về giải Global Winner, Lê Thùy Linh không giấu nỗi xúc động. "Giải thưởng này không chỉ của riêng em mà còn là sự cống hiến, nỗ lực giảng dạy của các thầy cô trong ngành Công nghệ Thực phẩm ở trường", Linh chia sẻ.
Lê Thùy Linh trong giờ tự học tại trường. Ảnh: Nguyễn Ngọc |
Là người trực tiếp hướng dẫn Lê Thùy Linh, PGS.TS Lê Ngọc Liễu, Giảng viên Bộ môn Công nghệ Thực phẩm, Khoa Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Quốc tế cảm thấy ấn tượng với học trò trong quá trình làm việc về đề tài nghiên cứu.
Theo cô Liễu, quy trình để sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, bảo vệ đề tài ở Trường Đại học Quốc tế rất nghiêm ngặt. Việc báo cáo đề tài, bảo vệ đề cương, bảo vệ đề tài trước hội đồng đều được khép kín, chặt chẽ.
"Linh nổi bật so với nhiều bạn vì nghiên cứu rất sâu về đề tài của mình, khả năng lập luận chắc chắn, trình bày vấn đề gãy gọn và cực kỳ sắc bén. Tôi thấy ở Linh khả năng lập luận sắc bén, nhận thức sâu sắc, biết cách so sánh, phân tích vấn đề. Đặc biệt, khả năng viết của em rất tốt", PGS.TS Lê Ngọc Liễu cho biết.