Nữ thủ khoa khát khao tạo ra thực phẩm tốt cho sức khỏe

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Mong muốn tạo ra những sản phẩm tốt cho sức khỏe và thành tích học tập đáng nể, Lê Thị Mai Phương được vinh danh thủ khoa xuất sắc năm 2023.

Lê Thị Mai Phương cùng cô giáo trong ngày vinh danh thủ khoa xuất sắc.
Lê Thị Mai Phương cùng cô giáo trong ngày vinh danh thủ khoa xuất sắc.

Từng thấy nhiều người bị ung thư do ăn phải đồ ăn không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nữ sinh Lê Thị Mai Phương quyết theo đuổi ngành “đặc biệt” tại Trường Đại học Công nghệ Đông Á để tìm ra nguyên nhân - ngành Công nghệ thực phẩm.

Thực phẩm sạch cho mọi người

Vẫn bồi hồi sau khi đón nhận Bằng khen thủ khoa xuất sắc năm 2023 của TP Hà Nội, Lê Thị Mai Phương (22 tuổi, quê Thanh Hoá), bày tỏ đây là kết quả em trông đợi sau nhiều năm học tập gian khổ.

Hứng thú với ngành công nghệ thực phẩm từ một lần được nghe chia sẻ về kiến thức tạo ra thực phẩm sạch, an toàn với người tiêu dùng tại ngày hội tư vấn tuyển sinh, Phương quyết thi đậu Trường Đại học Công nghệ Đông Á.

Vốn có đam mê tìm hiểu về các quá trình chế biến, sơ chế các món ăn hàng ngày, cô sinh viên này hiểu nếu ăn phải đồ ăn không rõ nguồn gốc, dư lượng hoá chất vượt mức cho phép, không đảm bảo an toàn, mọi người sẽ gặp phải triệu chứng liên quan đến tiêu hoá, nặng thì dẫn tới ung thư.

Để không lãng phí thời gian, Phương chuyên tâm học hành, liên tiếp giành học bổng, và nhờ có sự giúp đỡ của thầy cô trong Khoa Công nghệ thực phẩm, Phương đã hoàn thành tất cả các học phần lý thuyết chỉ sau 3 năm đại học. Đến khi thực tập tại nhà máy, nữ sinh này nhiệt tình xin các anh chị chia sẻ, gợi mở các công đoạn tạo ra sản phẩm an toàn và cách bảo quản thực phẩm tốt với sức khỏe.

Trường Đại học Công nghệ Đông Á giúp Phương có điều kiện học tập và thực hành ngay tại nhà trường.

Trường Đại học Công nghệ Đông Á giúp Phương có điều kiện học tập và thực hành ngay tại nhà trường.

Khi biết được mỗi sản phẩm thực phẩm đều phải trải qua nhiều khâu kiểm định, kiểm tra vi sinh, đóng gói, dán nhãn nghiêm ngặt, Phương lại càng hứng thú với ngành học.

“Các câu hỏi về làm sao để con người ăn thực phẩm không ngộ độc, tốt cho sức khỏe, tránh các bệnh như ung thư khiến em cẩn thận ghi chép từng kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, các tác nhân ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình sản xuất thực phẩm.

Bản thân em và các bạn trong Khoa cũng được các giảng viên Khoa CNTP chỉ rõ qua các bài giảng, đồng thời hướng dẫn các biện pháp để ngăn ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực đó xuống mức cho phép. Chính những thông tin đó giúp em thực hiện mong ước năm xưa, để mọi người có thể ăn uống những sản phẩm vừa ngon vừa an toàn”, Phương bày tỏ.

Đặc biệt, Trường Đại học Công nghệ Đông Á còn có xưởng sản xuất bánh mì, nhà máy bia thủ công, đây là cơ hội để sinh viên như Mai Phương thực tập tại chỗ, tích lũy kinh nghiệm.

“Em rất thích vào nhà máy, em được trải nghiệm các công đoạn tạo ra sản phẩm bán ra thị trường. Được ứng dụng những kiến thức đã học ở ngành Công nghệ thực phẩm để kiểm soát và đảm bảo chất lượng thực phẩm, em biết mình đang đi đúng hướng”, nữ sinh này bày tỏ.

Bí quyết liên tiếp giành học bổng

Chia sẻ bí quyết liên tiếp giành học bổng, thủ khoa Trường Đại học Công nghệ Đông Á nhấn mạnh việc sắp xếp thời gian, xâu chuỗi kiến thức, chú ý nghe giảng. Theo Phương, các môn học trên giảng đường đại học đều liên quan mật thiết, bổ trợ lẫn nhau, nếu tập trung nghe kiến thức, ghi chép bài đầy đủ đặc biệt là những kiến thức thầy cô chia sẻ ngoài slide bài giảng, làm bài tập, hỏi thêm thầy cô, chắc chắn việc học và thi cử sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Nói về bí quyết cân bằng việc học và làm thêm, nữ thủ khoa thổ lộ em thường lên kế hoạch từng môn để tiện ôn tập. Ví dụ cả ngày học trên lớp, về nhà, em không học lại bài môn đó mà làm bài tập môn ngày mai. Bởi nếu ngày mai lên lớp mà không nhớ kiến thức cũ thì khó tiếp thu bài giảng, trong khi kiến thức mới học vẫn lưu trong trí nhớ 1 - 2 ngày nên có thể ôn lại.

Vào ngày chủ nhật, Phương dành thời gian ôn tổng quát, kiến thức nào nhanh quên sẽ ghi chú, dành thời gian rảnh để đọc lại, “mưa dầm thấm lâu”.

Lê Thị Mai Phương cùng cô giáo và người thân trong ngày vinh danh thủ khoa xuất sắc.

Lê Thị Mai Phương cùng cô giáo và người thân trong ngày vinh danh thủ khoa xuất sắc.

Trong khi đó, em không sa đà vào làm thêm mà chỉ nhận việc nấu ăn trong vài tiếng đồng hồ, nên tối em vẫn có thời gian. “Nếu để việc làm thêm chiếm mất thời gian học tập thì có thể trượt môn, tốn kém tiền học lại. Tại sao mình không cố gắng học qua môn, tiết kiệm học phí mà phải nai lưng kiếm tiền rồi học lại”, Phương đặt câu hỏi.

Cũng theo Phương, đặc thù nghề công nghệ thực phẩm đòi hỏi thực hành nhiều, em chủ động cầu thị, báo cáo anh chị tại nhà máy cho thăm quan, tìm hiểu sâu các công đoạn cũng như ghi chép kiến thức mới.

“Khi đi làm, mình không nề hà việc vất vả, tư tưởng là đang đi học, được trải nghiệm thực tế công việc, xây dựng quan hệ với đồng nghiệp. Nếu thể hiện tốt, mình còn có thể được “chấm” vào làm trước khi ra trường”, Mai Phương hồ hởi nói.

Song trong quá trình học, Phương cũng gặp phải những lúc thất vọng, điểm số không như mong muốn. Mỗi khi buồn, cô lại tâm sự với bố mẹ. Biết con gái ở xa vất vả, nhiều lo lắng, bố mẹ thường động viên không bỏ cuộc, không có học bổng không sao vì cuộc sống không phải lúc nào cũng như ý, chỉ cần tiếp tục đứng dậy.

“Mình nhiều lúc cũng buồn vì sợ trượt học bổng. Gia đình khó khăn, bố mẹ làm nông, rất vất vả để gửi tiền dưới quê giúp mình theo đuổi đam mê. May mắn, mình có được công việc làm thêm, thu nhập không nhiều nhưng đủ trang trải cuộc sống”, Phương bộc bạch.

Theo nữ thủ khoa, ngành công nghệ thực phẩm còn rất nhiều “dư địa” phát triển vì nhu cầu ăn uống, tiêu thụ thực phẩm không bao giờ giảm. Mọi người không chỉ muốn ăn ngon, trải nghiệm hương vị hấp dẫn mà phải sạch, đảm bảo vệ sinh, an toàn.

Cầm trên tay những chiếc bánh nướng đầy màu sắc, hương vị hấp dẫn, nữ thủ khoa Lê Thị Mai Phương hi vọng sắp tới sẽ có cơ hội học lên cao học để tiếp tục hành trình mang lại thực phẩm sạch cho mọi người. Trước mắt, Phương đã xin đề nghị được ở lại Trường Đại học Công nghệ Đông Á làm kỹ thuật viên Phòng thí nghiệm của Khoa Công nghệ thực phẩm.

“Các bạn sinh viên hãy chọn ngành học theo đam mê, yêu thích và phù hợp với lực học. Học đại học chủ yếu tự nghiên cứu, có đam mê, thích thú thì mới gắn bó lâu dài. Theo học trường top đầu, ngành điểm cao mà không có môi trường phù hợp, không cố gắng học tập, tích lũy kinh nghiệm thì khó thành công”, Phương chia sẻ.

Nói về học trò của mình, TS. Nguyễn Thị Thanh Ngọc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Đông Á kiêm Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm nhấn mạnh, Lê Thị Mai Phương là sinh viên giỏi, có tinh thần nỗ lực và sự cố gắng không ngừng nghỉ trong học tập.

Đồng thời với phương pháp học tập khoa học, biết tự cân đối thời gian giữa học tập và các hoạt động khác của cá nhân mình. Bên cạnh đó tích cực tham gia các phong trào công tác Đoàn, Câu lạc bộ Tiếng Anh cũng đã giúp Phương có khả năng giao tiếp, cũng như thuyết trình trước tập thể.

"Vượt qua những khó khăn vươn lên trong học tập của Lê Thị Mai Phương thực sự được đền đáp khi em trở thành thủ khoa đầu ra có điểm số cao nhất toàn khóa năm 2023 của Trường Đại học Công nghệ Đông Á. Phương là tấm gương sáng học sinh viên nhà trường học tập và rèn luyện...", TS. Nguyễn Thị Thanh Ngọc bày tỏ.

Theo TS. Nguyễn Thị Thanh Ngọc, cùng với đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội,Trường Đại học Công nghệ Đông Á luôn quan tâm hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập thông qua chế độ học bổng, khen thưởng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ