Khi đã nắm rõ yêu cầu đó, các bạn sẽ có thời gian chuẩn bị hồ sơ, kỹ năng trả lời phỏng vấn gây được ấn tượng tốt để tăng cơ hội trúng tuyển.
Tích lũy kiến thức từ sớm
Chị Ngô Quỳnh Liên, thủ khoa đầu ra ngành Luật thương mại quốc tế, Trường ĐH Luật Hà Nội, hiện đang làm việc ở Bộ Tư pháp cho hay, từ năm thứ nhất, chị đã xác định phải nắm vững kiến thức trên lớp, tận dụng thời gian đi thực tập, kiến tập để học hỏi thực tế. Đến năm thứ ba đại học, chị xin học việc tại các văn phòng luật nhằm tích lũy kinh nghiệm, tạo mối quan hệ và tìm kiếm cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Chị Quỳnh Liên chia sẻ: “Khi học việc ở nhiều nơi, các bạn sẽ biết được nhiều mảng việc. Từ đó, bạn căn cứ vào năng lực, sở thích để thấy mình phù hợp với mảng nào trong chuyên ngành mình học. Thời gian học ở trường, chúng ta chỉ học những kiến thức cơ bản, vì vậy quá trình đi học việc, thực tập là khoảng thời gian đắc địa giúp vận dụng kiến thức lý thuyết đó vào làm thực tế và với những chi tiết cụ thể. Bạn sẽ thấy được các vấn đề có thể phát sinh ra sao? Nếu không có sự cọ xát thực tế, sinh viên mới ra trường xin đi làm rất bỡ ngỡ, lúng túng và không biết mình có thể làm gì”.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Vân Anh, cựu sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, thủ khoa đầu ra của Trường ĐH Thủy lợi, hiện đang làm việc tại Bệnh viện Phương Đông chia sẻ: “Tôi đã đặt mục tiêu phải đạt được tấm bằng cử nhân xuất sắc để mở rộng cơ hội việc làm cho bản thân. Vì vậy, tôi đã chia nhỏ kế hoạch học tập của bản thân ra từng năm và cố phải đạt được điểm càng cao càng tốt”.
Theo đó muốn có được điểm số như mục tiêu kỳ vọng, chị Vân Anh đặt ra quy tắc hạn chế tối đa việc nghỉ học trừ khi công việc bất khả kháng, luôn chú ý nghe giảng và ghi chép bài đầy đủ. “Khi không hiểu, tôi sẽ hỏi thầy, cô hoặc bạn bè. Trong giờ làm bài tập nhóm, tôi tranh luận, phản biện để rèn luyện kỹ năng thuyết trình, giao tiếp và xử lý các tình huống trong quá trình hợp tác đội nhóm”, chị Vân Anh chia sẻ.
Chị Ngô Quỳnh Liên (giữa), thủ khoa đầu ra ngành Luật thương mại Quốc tế, Trường ĐH Luật Hà Nội hiện đang công tác tại Phòng Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và Tổng hợp, Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp. Ảnh NVCC. |
Biết cách “cộng điểm” cho hồ sơ ứng tuyển
Theo kinh nghiệm của các thủ khoa đầu ra, để có một vị trí việc làm phù hợp với bản thân, họ phải chuẩn bị rất kỹ càng các khâu, từ tìm hiểu các thông tin liên quan đến đơn vị tuyển dụng, chuẩn bị rồi hoàn tất hồ sơ, sau đó mới là chuẩn bị tâm thế và kỹ năng cho quá trình phỏng vấn cũng như thể hiện năng lực bản thân trong thời gian thử việc.
Thủ khoa Nguyễn Thị Vân Anh cũng cho biết, để bản thân không bị động trong quá trình tìm việc, chị đã tìm hiểu những vị trí việc làm mà ngành mình đang học có thể đảm nhận, từ đó xây dựng kế hoạch học tập nhằm tích luỹ dần các kiến thức, kỹ năng. Đến năm thứ hai đại học, chị bắt đầu tìm những công việc làm thêm đúng với chuyên ngành.
Với cách “vào cuộc” chủ động như vậy, chị Vân Anh sớm biết được những đòi hỏi công việc thực tế, nắm bắt xu thế chuyển biến việc làm cũng như nhu cầu của xã hội mà ngành mình đang học. Đến năm cuối, chị đã bỏ túi cho mình khá nhiều kinh nghiệm làm việc thực tế.
Bên cạnh đó, ngoài những kênh tuyển dụng uy tín, chị Vân Anh còn chủ động nhờ thầy, cô giới thiệu thêm từ những mối quan hệ khác. Sau khi tìm vị trí tuyển dụng phù hợp, chị chuẩn bị hồ sơ, căn cứ vào các yêu cầu mà đơn vị tuyển dụng đưa ra, tạo điểm nhấn gây chú ý để được gọi đi phỏng vấn.
“Trong quá trình phỏng vấn, các bạn cần cho nhà tuyển dụng thấy rằng mình quan tâm đến vị trí việc làm đó thông qua việc tìm hiểu thật kỹ công ty, về yêu cầu phía công ty đưa ra mà mình có thể đáp ứng. Một lưu ý nhỏ nữa để ghi điểm trong buổi phỏng vấn, bạn cần đến đúng giờ, ăn mặc chỉn chu. Bạn hãy giữ một khuôn mặt vui vẻ, tự tin thể hiện các kiến thức, kỹ năng mà mình đã chuẩn bị”, chị Vân Anh lưu ý.
Đồng quan điểm với chị Vân Anh, thủ khoa Ngô Quỳnh Liên nhấn mạnh: “Người mới ra trường điều đầu tiên nhà tuyển dụng đánh giá là kết quả học tập những năm đại học như thế nào, tiếp đến là các kỹ năng mềm và tinh thần cầu thị của các bạn. Do đó, các bạn cần cho nhà tuyển dụng thấy được khả năng làm việc nhóm, thái độ chịu khó học hỏi, tinh thần xông pha, nhiệt tình của sức trẻ. Bên cạnh đó vì là “lính mới”, bạn không nên đòi hỏi mình phải được tuyển dụng vào một công ty lớn, lâu năm mà có thể đầu quân vào các công ty nhỏ, đúng chuyên ngành mình học, phù hợp với năng lực bản thân giúp bạn phát triển, học hỏi nhiều mảng việc thực tế. Khi chuyên môn vững cộng với kinh nghiệm, bạn không khó khăn tìm kiếm cơ hội ở các công ty lớn như mình mong muốn”.
Mặc dù sở hữu trong tay tấm bằng xuất sắc, chị Phạm Thị Anh Thư - thủ khoa Học viện Ngân hàng, đang làm việc tại Công ty kiểm toán PwC Việt Nam cho hay: “Tôi luôn cố gắng làm tốt những mảng việc mình được phân công và còn nhận thêm việc để làm với mục đích “tạo điều kiện” cho bản thân được va vấp với nhiều mảng việc, từ đó tích luỹ thêm kinh nghiệm, kiến thức tránh cho sau này khỏi bị động, lúng túng, khi có vấn đề cần xử lý lại không biết phải làm thế nào, phải bắt đầu từ đâu? Với tinh thần cầu thị như vậy thì bạn sẽ có được quá trình đánh giá thử việc tốt, cơ hội phát triển năng lực cũng mở ra từ nhiều hướng hơn”.
“Với các sinh viên mới ra trường, điều cần thiết là bạn phải thể hiện được năng lực cá nhân, không chỉ gây chú ý và thiện cảm với các nhà tuyển dụng bằng bằng cấp, thành tích học tập mà các bạn đã đạt được, mà cần để tâm xem xét nhu cầu, vị trí việc làm họ đang cần tuyển. Theo đó, các bạn phải cho nhà tuyển dụng thấy được những ưu điểm của người trẻ là cầu thị, nhiệt huyết, chịu khó, sẵn sàng học hỏi, năng động và có sự sáng tạo để họ sẵn sàng tin tưởng trao cơ hội cho bạn”, Nguyễn Thị Vân Anh, thủ khoa đầu ra của Trường ĐH Thủy lợi chia sẻ.