Điều đặc biệt về nữ thủ khoa kép

GD&TĐ - Trong lễ tốt nghiệp của khóa 44 Trường ĐH Luật Hà Nội, Hoàng Minh Nguyệt đại diện cho hơn 1.500 tân cử nhân phát biểu cảm nghĩ.

Hoàng Minh Nguyệt. Ảnh: NVCC
Hoàng Minh Nguyệt. Ảnh: NVCC

Hoàng Minh Nguyệt không chỉ đỗ thủ khoa đầu vào ngành Luật (chương trình chất lượng cao) của Trường ĐH Luật Hà Nội năm 2019 mà sau 4 năm rèn luyện, cô gái quê xứ Thanh tiếp tục trở thành thủ khoa đầu ra và là một trong 51 sinh viên tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc.

Nữ thủ khoa năng động

Trong lễ tốt nghiệp của khóa 44 Trường ĐH Luật Hà Nội, Hoàng Minh Nguyệt với mái tóc ngắn, nụ cười hiền bước lên đại diện cho hơn 1.500 tân cử nhân phát biểu cảm nghĩ trong ngày nhận bằng tốt nghiệp.

Nữ thủ khoa nói: “Ngày mới vào trường tất cả mọi thứ trong em rất lạ lẫm. Thế nhưng, mỗi bài giảng của thầy cô đã truyền cảm hứng cho em và các bạn có động lực học tập, phấn đấu, hiểu sâu hơn giá trị về ngành mình đã chọn. Những tiết học trên giảng đường, sinh viên chỉ học được những kiến thức cốt lõi để hiểu các vấn đề nền tảng, khái niệm cơ bản.

Bởi vậy, chúng em phải chủ động tìm tòi, nghiên cứu sâu để hiểu hơn về các quy định pháp luật cũng như cách thực thi trên thực tiễn. Mặc dù là thủ khoa đầu vào nhưng chưa bao giờ em chủ quan, luôn tự nhắc nhở bản thân khi học bất kỳ môn gì cũng phải cố gắng hết sức”.

Với phương châm học đó mỗi ngày trước khi lên giảng đường, Minh Nguyệt dành thời gian đọc trước bài, những phần nào khó, chưa hiểu sẽ đánh dấu; tranh thủ thời gian thảo luận trao đổi với thầy cô, bạn bè. Minh Nguyệt chia sẻ: Các bạn đồng niên hay anh chị khóa trên trong trường rất nhiệt tình, sẵn sàng trao đổi với em.

Thầy cô cũng luôn lắng nghe, gợi mở cho sinh viên được nói hết suy nghĩ, hiểu biết, từ đó định hướng lại giúp chúng em hiểu chắc vấn đề hơn. Bên cạnh đó, em sinh ra trong một gia đình có truyền thống học luật. Do đó khi học một số môn thiên về quản lý Nhà nước, em có cơ hội tìm hiểu thêm về thực tiễn thực thi pháp luật về một số vấn đề nhất định.

Để bản thân không bị động, hổng kiến thức từ năm thứ 3 Minh Nguyệt đã chủ động làm thực tập sinh tại Công ty Luật TNHH Quốc tế BMVN (thành viên của Baker McKenzie Hoa Kỳ). Đầu năm thứ tư, cô mạnh dạn quyết định chuyển thực tập sang Công ty Luật TNHH VILAF - Hồng Đức. Nhờ sự bản lĩnh và quyết tâm, tháng 6/2023, dù chưa tốt nghiệp, nhưng Minh Nguyệt đã chính thức làm việc tại Công ty Luật TNHH VILAF - Hồng Đức.

Minh Nguyệt nói: “Khi chủ động đi thực tập sớm em sẽ hiểu được quá trình hành nghề luật vất vả ra sao; những hành trang cần chuẩn bị cho mình để sau này làm việc; biết vận dụng kiến thức lý thuyết vào thực tiễn để giải quyết vấn đề. Cách làm việc nhóm, thảo luận và đưa ra những quan điểm của mình từ đó lắng nghe những đánh giá của anh chị có kinh nghiệm nhằm hoàn thiện bản thân”.

Hoàng Minh Nguyệt (bên phải) cùng nhóm bạn thân của mình. Ảnh: NVCC

Hoàng Minh Nguyệt (bên phải) cùng nhóm bạn thân của mình. Ảnh: NVCC

Ước mơ trở thành luật sư

Cơ duyên khiến Minh Nguyệt chọn ngành Luật chính là thông qua các bài văn nghị luận xã hội. Nữ thủ khoa trải lòng: “Từ hồi học THCS khi viết các bài tập làm văn nghị luận xã hội, em nhận thấy việc mình tìm hiểu, nghiên cứu sâu vấn đề, phân tích, đưa ra quan điểm sẽ hỗ trợ cho những người cần đến tiếng nói của mình. Trước những mong muốn như vậy lên THPT, em đã tìm hiểu thấy ngành Luật phù hợp với mong muốn của em, vì vậy em đã ưu tiên lựa chọn”.

Theo đó, để học tốt chương trình ở bậc học mới, trong khi thời gian chờ kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Nguyệt đã nghiên cứu các phương pháp học tập sao cho hiệu quả ở đại học; cách để thích ứng nhanh với môi trường mới; kỹ năng quan sát, tự học, tự nghiên cứu.

“Cũng may quá trình học ở Trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) em được thầy cô rèn luyện cho cách tự học, tự nghiên cứu rất nhiều, do đó em đã nhanh chóng thích nghi với môi trường học mới. Đặc biệt trong thời gian đầu học trực tuyến do đại dịch Covid-19, em phần nào đó bị áp lực.

Liệu học như thế này thì kết quả sẽ ra sao, đặc biệt là sinh viên ngành Luật tính ứng dụng thực tiễn rất cao. Do vậy, em đã cố gắng phát huy tính tự học; mỗi khi vào lớp học trực tuyến em cố tương tác với thầy cô nhiều hơn để làm sao mình có thể nắm được tất cả những kiến thức thầy giảng, những phần chưa hiểu cố tận dụng thời gian trên lớp để hỏi. Miễn sao, em không bị hổng kiến thức”, Minh Nguyệt chia sẻ.

Là người đồng hành cùng Minh Nguyệt trong 4 năm đại học, Trương Tấn Dũng, cử nhân Trường ĐH Luật Hà Nội chia sẻ: “Khi nhắc đến Nguyệt, em và các bạn trong lớp rất ấn tượng bởi môn học nào bạn ấy cũng học say sưa, hết mình. Không chỉ vậy, Nguyệt còn có khả năng điều hành, làm việc nhóm rất hiệu quả, đồng thời biết đánh giá, nhìn nhận điểm mạnh, yếu ở các bạn trong nhóm để phát huy khả năng của họ. Ngoài ra, Nguyệt còn tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ; biết cân bằng giữa việc học cũng như quá trình làm việc tại công ty luật”.

Khi vào đại học, các bạn nên xây dựng cho bản thân kế hoạch học tập cụ thể, mục tiêu cho từng môn học rõ ràng. Nên đi thực tập, học việc càng sớm càng tốt để được cọ xát với thực tế nhiều. Đồng thời, nên chủ động đi thực tập nhiều nơi để tạo dựng mối quan hệ, rèn luyện nhằm tìm kiếm cơ hội việc làm cho mình. Trường học là nơi đào tạo cho các bạn kiến thức nền tảng, các bạn phải tự trang bị cho mình kiến thức thực tế để biết mình mạnh ở đâu, yếu ở đâu và khắc phục hạn chế mà bản thân đang gặp phải. - Hoàng Minh Nguyệt

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.