Chủ động, năng động, sáng tạo, quyết tâm xây dựng NTM

Chủ động, năng động, sáng tạo, quyết tâm xây dựng NTM

(GD&TĐ) - Sau 2 năm thực hiện Chương trình 02 và phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)” đến nay Hà Nội đã có, 19/19 huyện, thị xã lập xong đề án cấp huyện; 100% số xã lập đề án và tổ chức lập quy hoạch xây dựng NTM. Đến nay, toàn Thành phố đã có 161/401 xã cơ bản đạt 10-19 tiêu chí, trong đó có 12 xã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí; 62 xã đạt và cơ bản đạt từ 14-18 tiêu chí; 87 xã đạt và cơ bản đạt từ 10-13 tiêu chí.

Lễ phát động ra quân làm đường giao thông thủy lợi nội đồng nằm trong chương trình dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới
Lễ phát động ra quân làm đường giao thông thủy lợi nội đồng nằm trong chương trình dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới ở xã Đức Hòa, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. (Ảnh: gdtd.vn)

Thành phố đã huy động được một nguồn lực rất lớn trên 8,5 tỷ đồng, trong đó bước đầu đã huy động được những nguồn xã hội hóa tham gia xây dựng NTM. Cụ thể: ngân sách TP hơn 1.491 tỷ đồng (đầu tư trực tiếp 941 tỷ đồng và vốn lồng ghép hơn 550 tỷ đồng); ngân sách huyện 4.053 tỷ đồng; ngân sách xã gần 400 tỷ đồng; doanh nghiệp hơn 304,5 tỷ đồng; nhân dân đóng góp hơn 426,2 tỷ đồng (không kể hàng nghìn m2 đất và hàng chục nghìn ngày công lao động); nguồn huy động khác hơn 162,3 tỷ đồng. Riêng đối với 19 xã điểm, tổng giá trị khối lượng thực hiện hơn 2.119 tỷ đồng, tổng kinh phí giải ngân hơn 1.324,5 tỷ đồng.

Nhờ đó mà cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn được quan tâm đầu tư, đời sống nhân dân được cải thiện và từng bước nâng cao. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo xây dựng NTM Thành phố Hà Nội, hiện nay, tỷ lệ đường giao thông nông thôn được bê tông hóa đạt 75%; trạm y tế được kiên cố hóa đạt chuẩn quốc gia trên 97% theo chuẩn cũ và đạt chuẩn khoảng 30% theo chuẩn mới; tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh 86%, tỷ lệ được dùng nước sạch 33%. Tỷ lệ thôn, xóm, cụm dân cư đạt tiêu chuẩn làng văn hóa 57,8%; tỷ lệ thôn xóm, cụm dân cư có nhà văn hóa - thể thao đạt 45%; 100 % số cơ sở đạt tiêu chí giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Năm 2012, thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn ước đạt khoảng 17 triệu đồng/người/năm (đạt 113% so KH năm 2012 và bằng 68% KH đến năm 2015); tỷ lệ lao động nông nghiệp còn khoảng 48% lao động xã hội khu vực nông thôn; lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt 42,1%. Năm qua, thành phố Hà Nội đã giải quyết được việc làm cho 135.800 người, tổ chức 106 phiên giao dịch việc làm và đã tuyển dụng được 25.000 người. Từ năm 2011 đến nay, toàn TP đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa được gần 3.830 nhà hư hỏng của hộ nghèo, góp phần làm giảm hộ nghèo của TP từ 7,52% (đầu năm 2011) xuống còn 5,1 % (đầu năm 2012).

Một trong những điểm nhấn quan trọng và là khâu đột phá để các địa phương của Hà Nội xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua chính là công tác dồn điền đổi thửa. Đến nay, Hà Nội đã thực hiện dồn điền, đổi thửa được hơn 30.002ha, trong đó có một số huyện triển khai thực hiện tốt là: Thanh Oai, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thường Tín, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Mê Linh, Hoài Đức, Quốc Oai, Phúc Thọ, Ứng Hòa…

Dồn điền đổi thửa - một trong những khâu đột phá để xây dựng nông thôn mới
Dồn điền đổi thửa - một trong những khâu đột phá để xây dựng nông thôn mới. (Ảnh: gdtd.vn)

UBND TP cũng đã bổ sung có mục tiêu cho ngân sách huyện, thị xã 500 tỷ để hỗ trợ các xã thực hiện chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn TP giai đoạn 2012-2016. Đến nay, các huyện, thị xã đã giải ngân được hơn 196.438/500.000 triệu đồng (đạt 39,29% KH).

Công tác chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp tiếp tục được các địa phương quan tâm, các vùng sản xuất lúa chất lượng cao; hoa, cây cảnh, rau an toàn, cây ăn quả; các trang trại chăn nuôi quy mô lớn; các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung được quy hoạch, đồng thời được hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng, từ đó sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả hơn. Chương trình cơ giới hóa được nhiều địa phương áp dụng, nhất là khâu làm đất, gieo cấy, gặt đập liên hợp...; các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là tiến bộ kỹ thuật về công nghệ cao đang được nông dân tích cực ứng dụng hiệu quả, góp phần rất lớn trong việc nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, theo bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy vẫn còn một số hạn chế, khó khăn nhất định. Thực tế hiện nay vẫn còn tồn tại nhận thức và ý thức trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên, nhân dân về xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, tính chủ động, năng động và quyết liệt còn chưa cao. Một số nơi còn trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước.

Ngoài ra còn không ít địa phương chưa quyết tâm làm tốt công tác dồn điền đổi thửa, tình trạng sản xuất nông nghiệp còn manh mún; việc xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa chưa được quan tâm đúng mức, sức cạnh tranh còn chưa cao.

Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa đã làm nảy sinh những khó khăn, áp lực đối với công tác giải phóng mặt bằng. Một bộ phận cán bộ còn tiêu cực, tham ô, tham nhũng, trình độ năng lực hạn chế, thiếu trách nhiệm với dân v.v…Chính những hạn chế này đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình xây dựng nông thôn mới của Hà Nội nói chung.

v
...Để hình thành những cánh đồng mẫu lớn, tạo điều kiện cho cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chuyên canh, tạo vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao. (Ảnh: gdtd.vn)

Cũng theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, để khắc phục những hạn chế tồn tại trên, Ban chỉ đạo NTM  các cấp cần nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thành phố. Trong chỉ đạo, điều hành cần phát huy tinh thần chủ động, năng động, sáng tạo hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa.

Các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện cho hộ nông dân được sử dụng đất ổn định, lâu dài để phát triển kinh tế trang trại. Đồng thời tích cực vận động nông dân thực hiện chủ trương “dồn điền đổi thửa”, coi đây là khâu đột phá và là một trong những nhiệm vụ tiên quyết cần phải làm để hình thành những cánh đồng mẫu lớn, tạo điều kiện cho cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chuyên canh, tạo vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao.

Mặt khác cần đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhất là ứng dụng công nghiệp cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tận dụng, phát huy lợi thế vị trí của Thủ đô về khoa học kỹ thuật, công nghệ, về cây, con giống phục vụ nông dân phát triển sản xuất…

Tiếp tục đi sâu nghiên cứu xây dựng, ban hành cơ chế ưu tiên phát triển nông nghiệp và nông thôn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tạo thuận lợi về vốn hỗ trợ các địa phương dồn điền đổi thửa, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất. Ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ các công trình giao thông nông thôn v.v… nhằm đáp ứng kịp thời, thiết thực nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân.

Minh Hằng-Dương Thủy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.