Có dễ tiếp cận?

GD&TĐ - Những lo lắng của doanh nghiệp thuộc đối tượng hưởng gói hỗ trợ lãi suất 2% hoàn toàn có cơ sở.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng dự thảo Nghị định về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nhằm triển khai Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo dự thảo Nghị định, đối tượng được hỗ trợ lãi suất là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có mục đích sử dụng vốn thuộc các ngành nghề: Hàng không, vận tải kho bãi; du lịch; dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp, chế biến, chế tạo; xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính và hoạt động có liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin. Điều kiện cụ thể từng ngành nghề sẽ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng.

Nhóm đối tượng thứ 2 là các doanh nghiệp vay vốn để xây dựng nhà ở cho công nhân mua, thuê và thuê mua; xây dựng nhà ở xã hội; cải tạo chung cư cũ. Bộ Xây dựng sẽ có trách nhiệm công bố danh mục dự án và chủ trì xử lý các vướng mắc liên quan đến các đối tượng này.

Khách hàng muốn được hỗ trợ lãi suất phải có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi, phải sử dụng vốn vay đúng mục đích. Mức lãi suất hỗ trợ là 2%/năm, khoản vay được giải ngân từ ngày 11/1/2022 đến hết ngày 31/12/2023 hoặc đến khi tổng số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đạt tối đa 40 nghìn tỷ đồng.

Về quy trình vay, dự thảo Nghị định đề xuất thực hiện theo quy định hiện hành về hoạt động cho vay của ngân hàng với khách hàng. Việc hỗ trợ lãi suất thực hiện trên cơ sở đề nghị của khách hàng và chấp thuận của ngân hàng thương mại.

Các doanh nghiệp đang rất kỳ vọng gói hỗ trợ lãi suất 2% sớm được triển khai hiệu quả sẽ giúp họ tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất rẻ hơn. Từ đó, giảm bớt chi phí, tăng hiệu quả hoạt động và góp phần mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động, tạo nền tảng và động lực phát triển nền kinh tế.

Tuy vậy, doanh nghiệp cũng lo lắng về khả năng tiếp cận gói hỗ trợ này. Bởi lẽ thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, vì vậy, họ không còn đủ điều kiện để tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định quy định, điều kiện để được hỗ trợ lãi suất là doanh nghiệp có khả năng trả nợ và có khả năng phục hồi. Tuy nhiên, khả năng phục hồi của doanh nghiệp, của nền kinh tế phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và rất khó dự đoán.

Doanh nghiệp chứng minh khả năng trả nợ chủ yếu qua phương án kinh doanh, nhưng ngân hàng có chấp nhận phương án này hay không lại là chuyện khác. Điều này có nghĩa doanh nghiệp có vay được hay không hoàn toàn tùy thuộc vào đánh giá và sự tin tưởng của các ngân hàng.

Thách thức nữa là một số ngân hàng thương mại có thể không mặn mà triển khai do lợi nhuận thấp, áp lực từ thanh tra, kiểm tra, phải báo cáo thường xuyên, rủi ro không được quyết toán… Thực tế, Ngân hàng Nhà nước cũng lo ngại nguy cơ trục lợi chính sách và gia tăng áp lực nợ xấu khi triển khai gói hỗ trợ này và có thể sẽ siết chặt thanh tra, kiểm tra.

Những lo lắng của doanh nghiệp thuộc đối tượng hưởng gói hỗ trợ lãi suất 2% hoàn toàn có cơ sở. Vì thế, bên cạnh các quy định bảo đảm gói hỗ trợ đến đúng đối tượng thụ hưởng và được sử dụng đúng mục đích, không xảy ra trục lợi chính sách, Ngân hàng Nhà nước cần có thêm giải pháp khuyến khích, tạo điều kiện để ngân hàng thương mại mạnh dạn triển khai gói hỗ trợ này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ