Hấp thu gói hỗ trợ đến đâu?

GD&TĐ - Thực tế trong 2 năm vừa qua, đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong việc chống chọi với đại dịch Covid-19 và duy trì hoạt động xã hội, sản xuất doanh nghiệp.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 vừa diễn ra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các chuyên gia đều thống nhất rằng, Việt Nam cần có gói chính sách tài khóa và tiền tệ đủ lớn, đủ rộng và dài để hỗ trợ thực hiện Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế, xã hội. Qua đó, giúp doanh nghiệp và người dân phục hồi sau cơn “bạo bệnh” Covid-19 và gia cố năng lực để chống đỡ những đợt dịch mới có thể khốc liệt hơn.

Đại diện cho nhóm nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và chuyên gia, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, đề xuất gói hỗ trợ có quy mô danh nghĩa công bố gần 844.000 tỷ đồng, nhưng thực chi khoảng 445.760 tỷ đồng, tương đương 5,5% GDP năm 2021.

Cụ thể, hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa 383.200 tỷ đồng; tiền tệ 6.100 tỷ đồng; an sinh xã hội 12.800 tỷ đồng; các chính sách khác 37.650 tỷ đồng; đầu tư của SCIC vào doanh nghiệp 6.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo tính toán của nhóm chuyên gia Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, quy mô chương trình tổng thể phục hồi kinh tế là 6 - 8% GDP 2020. Trong đó gói hỗ trợ hệ thống y tế khoảng 76 nghìn tỷ đồng; gói củng cố hệ thống an sinh xã hội 58 nghìn tỷ đồng; gói hỗ trợ doanh nghiệp 244 nghìn tỷ và gói đầu tư công 288 nghìn tỷ đồng.

Quả thực, nếu thiếu gói hỗ trợ “tầm cỡ” như vậy, rất có thể kinh tế Việt Nam sẽ rơi vào một thời kỳ trì trệ lâu dài, đánh mất nhiều lợi thế và cơ hội vươn tới các mục tiêu phát triển đã đề ra.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn - sau quy mô - chính là khả năng hấp thụ gói hỗ trợ này. Liệu các đối tượng thụ hưởng có tiếp nhận được và sử dụng các nguồn lực hỗ trợ một cách hiệu quả, kịp thời với đúng mục tiêu đề ra hay không?

Thực tế trong 2 năm vừa qua, đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong việc chống chọi với đại dịch Covid-19 và duy trì hoạt động xã hội, sản xuất doanh nghiệp. Không ít các chính sách được ban hành kịp thời, có tác động lớn, tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội và được cộng đồng doanh nghiệp, người dân đánh giá cao.

Bên cạnh đó, có một số chính sách tốt nhưng lại không được tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời; đối tượng thụ hưởng khó tiếp cận do gặp phải rào cản về thủ tục, về cơ chế thực hiện.

Một ví dụ khác, thúc đẩy đầu tư công được coi là giải pháp quan trọng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh nhưng kết quả giải ngân năm nay rất thấp. Nút thắt lớn nhất chủ yếu do khâu giải phòng mặt bằng, mà nguyên nhân phần lớn do giá đền bù chưa tương xứng với giá trị thực.

Đối với những dự án lớn đã giải phóng được mặt bằng, các đơn vi thi công đều bảo đảm tiến độ. Vậy thì đề xuất tăng đầu tư cơ sở hạ tầng hàng trăm nghìn tỷ đồng trong 2 năm tới để thúc đẩy phục hồi nền kinh tế liệu có khả thi không?

Từ những kinh nghiệm này, một yếu tố quan trọng cần cân nhắc, tính toán thận trọng trong thiết kế gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế chính là năng lực hấp thụ, thay vì chỉ nhìn vào những con số.

Nếu không, gói hỗ trợ sẽ không đạt hiệu quả mong muốn, thậm chí gia tăng các tác dụng “phụ” tiêu cực như lạm phát phi mã, bong bóng bất động sản, bong bóng chứng khoán… Như vậy, nền kinh tế không thể phục hồi, chưa nói tới chuyện phát triển bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ