Cô dạy em biết sống độ lượng

Cô dạy em biết sống độ lượng

(GD&TĐ) - Hai mươi năm đã đi qua, với một người giáo viên thì học trò cứ lớp lớp tiếp nối. Khi đã trưởng thành, hẳn không ít người nghĩ có lẽ nhiều thầy cô giáo thời phổ thông của mình cũng chẳng còn nhớ từng học trò thủa nào. Vậy mà, mới đây thôi, khi tôi gặp lại người bạn cùng học cấp hai, trong câu chuyện dông dài ôn nghèo kể khổ, bạn chợt hỏi: Lâu nay cậu có liên lạc với cô Tuyết dạy Văn hồi cấp II không? Thỉnh thoảng mình gặp, cô vẫn thường nhắc đến cậu đấy…

Người mẹ thứ hai

Khi tôi vào lớp 6 thì cô Tuyết đã là một trong những giáo viên dạy Văn có tiếng của trường THCS chuyên của thị xã. Một thời gian ngắn sau, những trường chuyên cấp THCS bị bãi bỏ, mỗi địa phương chỉ được phép tồn tại một trường chuyên duy nhất cấp THPT của tỉnh. Trường THCS chuyên của chúng tôi khi ấy sát nhập vào trường THCS điểm của phường trung tâm thị xã. 

Cô Tuyết, cùng nhiều thầy cô của chúng tôi khi ấy, người ở lại trường, người chuyển đi nơi khác. Trong số những người chuyển đi, có thầy Phạm Gia Mạnh, hiện đang dạy tại Trường THPT Chuyên ĐHSP Hà Nội, nổi tiếng là một trong những người luyện thi ĐH môn Văn hiệu quả nhất thành phố, nhiều năm được mời giảng dạy Ngữ văn qua truyền hình trên kênh VTV2. 

Cô Tuyết của tôi không nổi tiếng đến thế, mà nói cho đúng, cô không phải là người thích nổi tiếng. Rất nhiều học trò của cô, từ ngôi trường cấp hai ở một địa phương xa trung tâm tỉnh lỵ, chưa bao giờ có tiếng về sự học, thế nhưng đã có giải nhất, nhì môn văn tỉnh; rời THCS được vào học trường THPT chuyên của tỉnh, tham gia đội tuyển quốc gia và có giải, rồi bay nhảy khắp nơi trên đường đời. Bây giờ, cô vẫn lặng lẽ ngày hai buổi đến trường rồi về nhà lo thu vén việc gia đình, phục vụ chồng con. 

Năm ấy khi tôi tham gia đội tuyển Văn quốc gia của tỉnh, có 8 người, trong đó đã có 3 người từng là học sinh cũ của cô: tôi và một cô bạn cùng lớp ngày trước, thêm một em học dưới một lớp, tức lớp 11 nhưng vẫn thi đỗ đội tuyển thi Văn lớp 12 quốc gia, cũng học dưới chúng tôi một lớp ở trường THCS và từng tham gia đội tuyển học sinh giỏi Văn tỉnh do cô Tuyết dạy. Kỳ thi năm ấy, đội tuyển Văn quốc gia của tỉnh chúng tôi có 5 giải thì 3 giải thuộc về học sinh cũ của cô, những người đã từng được cô đặt niềm tin và mang lại niềm vui cho cô 4 năm trước đó.

Khi tin vui này được đưa về quê (để vào học trường chuyên tỉnh, chúng tôi buộc phải xa nhà, đi trọ học ngay khi mới 14, 15 tuổi), điều làm tôi ngạc nhiên khi ấy là cô không hề tỏ ra… ngạc nhiên một chút nào. Hôm gặp chúng tôi, cô chỉ quan tâm học trò của mình bây giờ đã có giải học sinh giỏi quốc gia, được tuyển thẳng vào đại học rồi, vậy nên chọn trường nào cho đúng sở trường.

Cô bạn tôi, cô Tuyết khuyên nên vào Đại học Sư phạm, tiếp bước cô làm cô giáo dạy Văn. Với tôi, cô khuyên nên theo con đường báo chí. Còn cô học trò dưới chúng tôi một lớp, có trách nhiệm năm sau tiếp tục tham gia đội tuyển văn của tỉnh, nhưng mục tiêu phải là đoạt giải nhất, nếu không, không nên tham gia làm gì nữa. Bây giờ, tôi vẫn đang theo đuổi nghề “nói láo ăn tiền”. Còn cô bạn tôi, đang là giáo viên Văn của trường THPT chuyên tỉnh, bắt đầu tham gia dạy đội tuyển như cô Tuyết ngày nào…

Nhớ ngày đến chào cô đi học xa, gia đình cô vẫn ở trong khu tập thể nhà văn hoá thị xã. Ấn tượng lớn nhất là khu tập thể này nuôi rất nhiều chó. Vừa dựng xe đạp xong, chưa kịp gọi cô thì một đàn chó dữ xồ ra. Theo phản xạ, tôi giơ chân đá tứ tung.

Vậy mà một con vẫn kịp táp vào mu bàn chân, máu chảy ròng ròng. Như bây giờ thì chắc đã lo lắng theo dõi bệnh dại, nhưng ngày ấy thì thường lắm. Nhưng cô vẫn cẩn thận lấy xà phòng rửa kỹ vết thương cho tôi, theo quan niệm phổ biến khi ấy là cứ chó cắn thì rửa xà phòng sẽ không lo nhiễm bệnh dại. Xót méo mặt. Cô cười: Thêm cái sẹo cho nó phong trần, nhà báo sau này còn đi khắp nơi, chông gai còn nhiều lắm con ạ. 

Vết sẹo ngày ấy đã mờ và mất hẳn từ bao giờ. Đường đời tôi đi, chông gai và những vết cắn trộm còn nhiều hơn, đau hơn cả dự đoán của cô. Không hiểu sao mỗi lần như vậy, tôi lại nhớ hình ảnh cô múc nước rửa vết thương cho tôi, nhẹ nhàng và ân cần như người mẹ hiền…

Cô giáo có thể dạy học trò những bài học đầu đời. Ảnh: Lê Văn
Cô giáo có thể dạy học trò những bài học đầu đời.  Ảnh: Lê Văn
 

Bài học đầu đời

Năm đó tôi học lớp 9. Trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh dành cho học sinh THCS năm ấy, đội tuyển Văn của chúng tôi do cô dạy lần đầu tiên có giải nhì (coi như giải nhất vì kỳ thi năm đó không có giải nhất) toàn tỉnh, may mắn thế nào lại rơi ngay vào tôi. Nghĩa là đủ điều kiện để thi vào đội tuyển của tỉnh đi thi học sinh giỏi quốc gia. Hai cô trò tôi lại khăn gói lên tỉnh dự thi.

Tiếng là học sinh duy nhất của thị xã đi thi quốc gia, nhưng không được bố trí xe, nơi ăn ở, mà hai cô trò phải tự túc. Cũng dễ hiểu, chưa bao giờ cái thị xã này được đánh giá cao về chăm lo cho giáo dục, kể cả bây giờ. 

Cũng may, qua người quen của cô, chúng tôi mượn được căn phòng công vụ của Sở GD&ĐT, ở nhờ không mất tiền, ăn uống thì ra hàng cơm bụi ngay gần đó. Mấy hôm tập trung thi cử, cô chăm sóc tôi với sự lo lắng thấy rõ, còn quá cả đứa học trò đang dự kỳ thi của mình. Hôm thi buổi cuối, xong thì đã muộn, trời lại mưa rền rĩ nên đành ở lại thêm một đêm để mai bắt xe về sớm. Tôi ngồi xem lại sách, kiểm tra nội dung bài thi đã làm lúc chiều.

Chợt cô bảo: Thôi cất sách đi, cô hỏi cái này. Tôi buông sách xuống, nhìn cô. Cô từ tốn: Hôm trước cô nghe mấy bạn gái trong lớp bảo em nóng nảy quá, dù gì cái Hảo cũng là con gái. Phải đại lượng lên chứ đừng chấp nhặt như thế. Lúc xảy ra chuyện, các bạn đưa Hảo xuống phòng cô, bảo mách gia đình, cô khuyên nên thôi vì cũng biết em đang có chuyện nhà không vui, dặn các bạn và Hảo về bố mẹ có hỏi thì bảo ngã, rồi có gì cô sẽ khuyên bảo trực tiếp với em.

Thực sự, đó cũng là câu chuyện khá ân hận đã xảy ra trước đó ít ngày, nếu đưa ra ban giám hiệu nhà trường, chắc chắn tôi không tránh khỏi hình thức kỷ luật, với tội… hành hung bạn. Cũng chỉ là mâu thuẩn trẻ con với nhau, liên quan đến bố mẹ đứa nọ gia đình đứa kia. Không hiểu diễn biến thế nào mà tôi tung chân đá thẳng vào mặt bạn cô bạn mình.

Cú đá của người có gần chục năm học karate, không phải nhẹ nhàng. Sau đó, tôi sách cặp bỏ về mà không biết diễn biến tiếp theo ra sao, hôm sau lại đúng ngày lên đường dự kỳ thi. Cô bảo, các bạn gái đã thống nhất nghĩ chơi với tôi một tuần cho biết mặt. Mai về cô mua ít bánh kẹo làm quà của cô trò mình cho các bạn, lúc liên hoan em đứng lên xin lỗi Hảo. Không việc gì ngại cả, cũng đừng so đo ai sai ai đúng. Mình làm bạn đau là mình sai rồi, nhưng không ai giận người biết xin lỗi cả. Em có làm thế được không?

Đương nhiên tôi làm được, và kết quả tích cực không ngờ. Chỉ nhớ hôm ấy, khi đứng lên nói lời xin lỗi, tôi đã phải hạ quyết tâm mãi, cho đến khi nhìn thấy ánh mắt khích lệ của cô. Bất ngờ khi lời nói vừa được đưa ra, cả lớp vỗ tay rầm rầm, còn cô nhìn tôi trìu mến. 

Đã nhiều mùa mưa qua đi. Cứ mỗi đêm nằm nghe tiếng mưa rả rích, tôi lại nhớ đêm mưa năm nào nơi nhà công vụ của Sở GD ở quê nhà. Những câu chuyện khá dài, những lời khuyên khá nhiều, nhưng nhớ nhất câu nói sau cùng của cô: Có chuyện gì, bất cứ chuyện gì, nếu em tin cô thì hãy tâm sự với cô. Sống ở trên đời, phải biết độ lượng em ạ. Mình cứ nghĩ mình là gì đó, nhưng nếu không ai tin mình, mình sẽ chẳng là gì cả, em ạ.

Bắc Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ