Vụ người đàn ông 30 năm mang thân phận bị can: Cần làm rõ có oan sai hay không?

GD&TĐ - Ngày 1/2/2023 Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Hà Tĩnh trao quyết định đình chỉ vụ án đối với người đàn ông 30 năm mang thân phận bị can.

Ông Nguyễn Văn Dương cho rằng sẽ tiếp tục làm rõ oan sai của mình. Ảnh: Tiến Hiệp
Ông Nguyễn Văn Dương cho rằng sẽ tiếp tục làm rõ oan sai của mình. Ảnh: Tiến Hiệp

Liên quan đến vụ việc, các chuyên gia pháp lý cho rằng tiếp theo cần làm rõ có oan sai hay không? Nếu oan sai thì cơ quan tố tụng phải bồi thường oan sai theo luật định.

Đình chỉ vụ án

Năm 1992, tại xã Đức Nhân (nay là xã Bùi La Nhân, huyện Đức Thọ) xảy ra vụ mất cắp khoảng 50m dây điện thắp sáng. Thời điểm đó, đường dây điện sinh hoạt thuộc công trình an ninh quốc gia nên Công an huyện Đức Thọ đã đến hiện trường điều tra. Theo ông Dương thì ông đã bị bắt tạm giam cùng 2 người bạn tại công an huyện 2 tháng, rồi bị di lý chuyển vào Trại tạm giam Cầu Đông (Hà Tĩnh) tiếp 4 tháng. Sau 6 tháng bị tạm giam, ông Dương và những người trên được thả về mà không có bất kỳ quyết định nào. Đến đầu tháng 10/2021, ông Dương bất ngờ nhận được điện thoại mời đến công an xã để làm việc, về vụ mất trộm dây điện 30 năm trước vì liên quan đến tàng thư cấp CCCD. Ông Dương cho rằng, thời điểm đó ông không hề gây ra vụ trộm và bị oan. Ông đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng yêu cầu được minh oan, phục hồi danh dự của mình.

Liên quan việc ông Nguyễn Văn Dương (50 tuổi, trú xã Bùi La Nhân, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) liên tục gửi đơn đến các ngành chức năng cho rằng mình bị oan trong vụ án trộm dây điện cách đây 30 năm nhưng nay vẫn chưa được phục hồi danh dự, còn dây dưa đến pháp lý mà Báo GD&TĐ vừa phản ánh, VKSND tỉnh Hà Tĩnh đã trao quyết định (QĐ) đình chỉ vụ án đối với bị can cho ông Dương.

Theo đó, vào khoảng 8 giờ 30 phút ngày 1/2/2023, tại trụ sở Công an xã Bùi La Nhân (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) đại diện VKSND tỉnh Hà Tĩnh tiến hành trao QĐ số 03/QĐ-VKS- P1 (ngày 16/01/2023) về việc Quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Nguyễn Văn Dương (SN 1973, trú xã Bùi La Nhân, huyện Đức Thọ).

QĐ nêu: Căn cứ các Điều 41, 236, 240 và 248 Bộ luật Tố tụng hình sự. Căn cứ QĐ khởi tố vụ án hình sự số 48 ngày 25/11/1992 của Công an huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh và QĐ khởi tố bị can số 75 ngày 3/12/1992 của Công an huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh đối với Nguyễn Văn Dương về tội “Phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về An ninh quốc gia”, quy định tại Điều 94 Bộ luật Hình sự năm 1985;

Căn cứ QĐ chuyển vụ án hình sự để điều tra theo thẩm quyền số 07 ngày 12/12/1992 của VKSND huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh; Xét thấy, hành vi của bị can đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nên VKSND tỉnh Hà Tĩnh đã ra QĐ đình chỉ vụ án đối với bị can Nguyễn Văn Dương.

Sau khi nhận quyết định trên, ông Dương cho biết, trong vòng 15 ngày ông sẽ có đơn khiếu nại để làm rõ oan sai của mình và yêu cầu các cơ quan liên quan có trách nhiệm bồi thường về những tổn thất của ông trong vụ án này.

Có oan sai hay không?

Quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Nguyễn Văn Dương của VKSND tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Tiến Hiệp

Quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Nguyễn Văn Dương của VKSND tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Tiến Hiệp

Theo Luật sư Phan Văn Chiều - Giám đốc Công ty Luật Hà Châu (Đoàn luật sư Hà Tĩnh), trên cơ sở nội dung đơn ông Nguyễn Văn Dương, thông tin gia đình cung cấp thì trước hết Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh cần phối hợp với VKSND tỉnh Hà Tĩnh tiến hành xác minh, kiểm tra lại hồ sơ vụ án có đúng như nội dung đơn ông Dương trình bày hay không?

Có hay không việc năm 1992, ông Dương đã bị bắt tạm giam 6 tháng? Nếu thông tin đúng như ông Dương cung cấp thì tại sao ông Dương lại được thả về? Nguyên nhân nào cho đến nay hơn 30 năm rồi mà vụ án chưa được đưa ra xét xử?

“Rõ ràng những nội dung trên cần được các cơ quan tố tụng có thẩm quyền xác minh làm rõ, cũng như trả lời đơn cho ông Dương theo quy định pháp luật”, Luật sư Chiều nói.

Cũng theo Luật sư Chiều, căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 248 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015: VKSND quyết định không truy tố và ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong các căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 155 và Điều 157 của bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc Khoản 2 Điều 91 của Bộ luật Hình sự.

Như vậy, đối chiếu quy định trên, nếu vụ án của ông Dương cho đến nay chưa được toà án có thẩm quyền đưa ra xét xử và có một trong các căn cứ theo quy định tại Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (Không có sự việc phạm tội; Hành vi không cấu thành tội phạm; Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự…).

Và nếu trên thực tế các cơ quan tiến hành tố tụng cũng chưa có quyết định nào khác liên quan đến giải quyết vụ án này, vụ án đang ở trong giai đoạn truy tố thì VKSND tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiến hành ra quyết định không truy tố và ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông Nguyễn Văn Dương theo quy định.

Cũng đối chiếu theo Khoản 3 Điều 18 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây: Người bị tạm giam mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.

“Như vậy, nếu có đủ các căn cứ như tôi vừa viện dẫn và phân tích trên đây thì khi có quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, ông Nguyễn Văn Dương có thể liên hệ cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền để được khôi phục, làm rõ có oan sai hay không để phục hồi danh dự”, Luật sư Chiều nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ