Vụ oan sai 40 năm trước tại Vĩnh Phúc, khép lại nỗi đau để sống

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - 40 năm mang nỗi oan 'giết người', đến khi được công khai xin lỗi, nhận bồi thường oan sai thì hai người đã già, một người trở về với cát bụi.

Vợ ông Trần Trung Thám ôm di ảnh của chồng ngồi cạnh ông Trần Ngọc Chinh (giữa) và ông Khổng Văn Đệ tại buổi cải chính xin lỗi công khai hồi tháng 10/2019.
Vợ ông Trần Trung Thám ôm di ảnh của chồng ngồi cạnh ông Trần Ngọc Chinh (giữa) và ông Khổng Văn Đệ tại buổi cải chính xin lỗi công khai hồi tháng 10/2019.

Với họ và người thân của họ, tiền không thể xóa được nỗi đau, mất mát đã trải qua.

Những ngày tháng kinh hoàng

Trong 2 ngày 15 và 16/2, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã trao số tiền hơn 2,7 tỷ đồng bồi thường oan sai cho ông Trần Ngọc Chinh và gia đình của ông Trần Trung Thám (đã chết). Mặc dù ông Chinh và gia đình ông Thám đã nhận tiền nhưng với những người con của họ nỗi đau này vẫn hằn mãi.

Vụ án giết người xảy ra ngày 28/1/1980, tại thôn Vạn Thắng, xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc (tỉnh Vĩnh Phú cũ). Nạn nhân là ông Chu Văn Quản, Bí thư Chi bộ thôn Vạn Thắng thời điểm đó. Mặc dù vụ án đã diễn ra hơn 40 năm nhưng với ông Trần Ngọc Chinh những ngày tháng kinh hoàng vẫn luôn ám ảnh trong tâm trí.

“Qua quá trình khám tử thi Công an tỉnh Vĩnh Phú xác định ông Quản bị chết bởi 3 cú đánh. Vết thương thứ nhất ở vùng yết hầu, 2 vết còn lại ở huyệt mặt trời (vùng ức). Lúc đó, công an điều tra không được minh bạch, nghe ngóng thông tin không tỉ mỉ nên đã triệu tập các quân nhân phục viên. Ở xã có tôi và thủ phạm Nguyễn Đình Ký đều ở Sư đoàn 305”, ông Chinh nhớ lại.

Tháng 1/1980, ông Trần Ngọc Chinh đang làm lạc một mình thì bất ngờ có 7 người tìm tới. “Lúc đó một người đọc lệnh bắt, sau đó họ trói tôi bằng chạc và về khám nhà. Sau khi khám nhà họ không thu được vũ khí. Có chiếc bút kim tinh họ cũng lấy của tôi. Tiếp đó, họ dẫn tôi đi bộ qua phà Đức Bác sang TP Việt Trì rồi lên ô tô đến trại giam Phủ Đức”, ông Chinh kể.

Liên quan đến vụ án này, ngày 29/1/1980, công an huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phú cũ) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 05 theo Điều 5 của Sắc luật 03 ngày 15/3/1976 của Chính phủ.

Quá trình điều tra từ tháng 3/1980 đến năm 1982, cơ quan điều tra đã khởi tố và bắt tạm giam 4 bị can gồm: Ông Trần Trung Thám, Trần Ngọc Chinh, Khổng Văn Đệ và Nguyễn Đình Ký.

Qua điều tra cơ quan điều tra công an tỉnh Vĩnh Phú đã xác định chỉ có một mình Nguyễn Đình Ký phạm tội giết ông Chu Văn Quản. Ngày 15/6/1983, Nguyễn Đình Ký đã bị TAND tỉnh Vĩnh Phú xét xử tuyên phạt mức án chung thân.

Đối với các bị can khác trong vụ án, ông Trần Trung Thám bị bắt từ ngày 3/3/1980, được giam giữ tại Trại giam Phủ Đức (TP Việt Trì). Quá trình giam giữ đến ngày 24/5/1980 thì ông Trần Trung Thám chết.

Ông Thám chết tại Bệnh viện thị xã Phú Thọ do bệnh kiết lỵ. Ngày 18/10/1982, ông Trần Trung Thám được Ty Công an tỉnh Vĩnh Phú ra quyết định đình cứu vì không phạm tội giết người.

Đối với ông Trần Ngọc Chinh và Khổng Văn Đệ cũng được Viện KSND tỉnh Vĩnh Phú ra quyết định đình cứu vì không phạm tội giết người và được thả tự do ngày 10/10/1982.

Mong khép lại những niềm đau

Anh Trần Văn Mạnh, con trai ông Trần Trung Thám.

Anh Trần Văn Mạnh, con trai ông Trần Trung Thám.

Tháng 9/2020, trải qua nhiều lần thương lượng, gia đình ông Đệ đã chấp nhận khoản bồi thường oan sai hơn 1,1 tỷ đồng từ Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc. Trong khi đó, gia đình ông Chinh và ông Thám yêu cầu bồi thường tổng số tiền gần 38 tỷ đồng. Trong đó, ông Chinh đòi bồi thường 12,870 tỷ đồng, gia đình ông Thám đòi bồi thường 25 tỷ đồng. Tòa sau đó tuyên Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc phải bồi thường hơn 2,7 tỷ đồng. Trong đó, ông Chinh được bồi thường gần 1,068 tỷ đồng, gia đình ông Thám được bồi thường 1,668 tỷ đồng.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, anh Trần Văn Mạnh, con trai ông Thám cho biết, khi bố anh bị bắt rồi mất anh mới 5 tuổi.

“Biết là bố bị chết oan, từ năm 1995 tôi liên tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng để tìm sự thật, giải oan cho bố. Cuộc sống gia đình tôi khi đó thiếu thốn đủ bề. Lớn lên tôi phải bươn chải khắp nơi để kiếm sống.

Một mạng người, hơn 40 năm ròng rã tìm công lý, giờ nhận khoản tiền bồi thường oan sai, gia đình không lấy gì làm vui vẻ. Tuy nhiên, chúng tôi đã chấp nhận và không muốn đi khiếu kiện thêm nữa. Giờ mẹ tôi cũng già yếu rồi, tôi muốn bà được sống bình yên”, anh Mạnh nói.

Ông Trần Ngọc Chinh giờ đang ở cùng con trai là anh Trần Văn Quý. Nói về số tiền bồi thường cho bố, anh Quý cho biết: Gia đình không bằng lòng với số tiền đền bù nhưng hiện tại cũng chỉ biết đến mức như vậy nên cũng đành phải lấy.

“Bố tôi từng là học sinh Trường Trần Phú, được trưởng thành qua quân ngũ. Khi bị bắt, ông bị giày vò về cả thể xác lẫn tinh thần. Khi về nhà, sức khỏe ông giảm sút, mắt mờ không nhìn rõ. Cả tuổi thanh xuân, tương lai của ông và gia đình tôi bị rẽ sang hướng khác. Mấy anh chị em tôi chịu cảnh thiệt thòi”, anh Quý tâm sự. Nói về mong muốn của gia đình trong vụ việc này, anh Quý cho biết sẽ chờ quyết định của bố và luật sư.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ