“Cô dâu ảo” bùng 150 mâm cỗ cưới ở Điện Biên: Gia cảnh đặc biệt khó khăn

GD&TĐ - Một sự việc hy hữu vừa xảy ra tại Điện Biên. Cà Thị Út - một thiếu nữ dân tộc Thái đặt 150 mâm cỗ cưới rồi “mất hút”. Không cô dâu, chẳng chú rể, cũng không có tứ thân, phụ mẫu, quan khách dự tiệc. Nhà hàng báo công an với nội dung tố cáo Út có dấu hiệu lừa đảo.

Cỗ “ế”, chủ nhà hàng kêu gọi mọi người đến “giải cứu” song vẫn không thu được vốn.
Cỗ “ế”, chủ nhà hàng kêu gọi mọi người đến “giải cứu” song vẫn không thu được vốn.

Có kẻ “giật dây”?

Sáng 5/10, Báo GD&TĐ tìm đến bản Co Thón, xã Pá Khoang, huyện Điện Biên, nơi “cô dâu ảo” Cà Thị Út trong vụ “bỏ bom” 150 mâm cỗ cưới của một nhà hàng tại thành phố Điện Biên Phủ đăng ký thường trú. Người dân ở bản Co Thón đa số là đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Bà con ở đây chủ yếu là thuần nông.

Nhà Cà Thị Út ở ven sườn đồi thấp, cách con đường nhựa dẫn vào Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ chừng gần 100m. Nhà Út có 9 anh, chị em (3 trai, 6 gái) trong đó Út là người con sinh ra sau cùng nên được đặt tên là Út.

Hàng ngày, bố mẹ Út sống chung với vợ chồng người anh thứ 5 là Cà Văn Khụt. Mang tiếng là ở chung, song Út chẳng mấy khi về nhà, còn bố mẹ thì thường xuyên ở khu vực ao cá của gia đình để tăng gia sản xuất, ít khi về bản.

Trong căn nhà sàn gỗ 3 gian 2 trái mà vợ chồng anh trai Út dựng lên có lẽ là tài sản duy nhất của cả gia đình. Trong nhà hầu như không có đồ dùng đáng giá ngoài cái tủ gỗ cũ kỹ và một chiếc tivi.

Mấy hôm trước, xem tivi thấy bảo em gái dính vào lao lý, cả nhà mới “giật mình ngã ngửa”.

“Gia đình có biết gì đâu. Không thấy Út nó nói gì, cũng không thấy bố mẹ bảo gì cả. Xem tivi thấy người ta nói thế nên mới biết. Út nó cũng ít khi về nhà. Lâu lâu nó về chơi, nó bảo đang làm việc ở thành phố nên chỉ biết thế thôi”, anh Cà Văn Khụt tâm sự.

Chốc chốc, anh Khụt lại véo tay chị Phượng (vợ anh Khụt) một cái như thể ra tín hiệu mỗi khi chị Phượng nói. Thế rồi, chị Phượng quay ra bảo: “Không biết tiếng Kinh nên không biết nói thế nào với nhà báo”.

Anh Khụt, chị Phượng và cả mấy người chị gái, chị dâu của Út cũng kéo đến như thể xem mặt khách rồi quay đi. Mọi người đều kiệm lời và e dè đến lạ thường. Tất cả chỉ có chung một câu nói: “Không biết”.

Ngay đầu con dốc dẫn vào nhà Cà Thị Út là nhà của ông Lò Văn Sơn - Bí thư Chi bộ bản Co Thón. Ông Sơn và ông Cà Văn Ui (bố đẻ của Út) mới nhận huy hiệu 30 năm tuổi Đảng cách đây vài năm. Ông Sơn kể: Nhà ông Ui là một trong những gia đình gương mẫu, sống đoàn kết, gắn bó với bà con dân bản.

Ông Sơn không biết đến chuyện 156 kg gà, 40 kg giò, 180 hộp mía mà người ta mang đến tận nhà ông Ui cho Út hồi tháng 9 như thông tin trên báo chí. Bản thân ông Sơn cũng không tin rằng Cà Thị Út lại “dám” làm chuyện “tày đình” (“bỏ bom” 150 mâm cỗ cưới để trốn nợ) như thế.

“Út không bị bệnh tật gì cả. Tôi cũng không tin là cháu nó dám lừa đảo như thế. Biết đâu lại có người khác xúi giục cháu nó thì sao?”, ông Lò Văn Sơn nói.

Ông Sơn cũng khẳng định, trong trường hợp Út có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản là thật thì gia đình cũng “chịu”.

Nhà nghèo, có gì đâu. Chỉ có mỗi cái ngôi nhà gỗ. Giờ nếu cháu nó sai, phải bồi thường thì bố mẹ cũng chịu thôi. Lấy đâu ra tiền mà trả”, ông Lò Văn Sơn cho biết.

Tuy hai nhà cách nhau chừng vài chục mét, song anh Lò Văn Song (con trai ông Lò Văn Sơn) cũng ít khi gặp Út ở nhà. Hai gia đình cũng ít có dịp qua lại, gặp gỡ nên anh Song cũng không dám chắc điều gì trong câu chuyện này. Có điều anh Song cũng chưa tin vào việc “thân gái” như Út lại dám “bỏ bom” nhà hàng với số lượng mâm cỗ lớn và chi phí lớn đến thế.

“Bỏ bom” 150 mâm cỗ sẽ bị xử lý như thế nào?

Cà Thị Út tại cơ quan công an.
Cà Thị Út tại cơ quan công an.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, Út đã có hành vi gian dối ngay từ ban đầu với anh Vũ Thế Long (chủ nhà hàng Tâm Phúc). Út nói rằng mình đang công tác tại một cơ quan Nhà nước trên địa bàn và gian dối trong việc mình làm đám cưới để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Đối tượng đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của anh Long. Lần 1 vào khoảng tháng 8/2020. Út đặt anh Long làm 7 mâm cơm (trị giá 7 triệu đồng). Anh Long đã chuyển giao đầy đủ cho đối tượng.

Lần 2, ngày 22/9, Út gọi điện thoại cho anh Long yêu cầu cung cấp 156 kg gà sống, 40 kg giò, 180 hộp mía (trị giá gần 23 triệu đồng) để tổ chức báo hỷ tại nhà gái và đặt anh dựng phông, rạp và 150 mâm cỗ cưới tại nhà hàng của anh.

Anh Long đã chuyển đủ số thực phẩm 156 kg gà, 40 kg giò, 180 hộp mía cho Út và ngày 30/9 cũng đã chuẩn bị đầy đủ 150 mâm cỗ cưới theo yêu cầu.

Đối với hành vi đặt 150 mâm cỗ cưới, cần làm rõ động cơ, mục đích khi đặt. Nếu có động cơ mục đích chiếm đoạt thì tại sao không chiếm đoạt mà bỏ lại cho nhà hàng? Ngoài ra cần xem xét các động cơ khác như tư thù, mâu thuẫn kinh doanh hoặc có ai xúi giục chơi xấu nhà hàng hay không?

Nếu không có động cơ chiếm đoạt hoặc mâu thuẫn thì cần xem xét tâm thần của đối tượng. Quá trình điều tra, xét thấy đối tượng có biểu hiện bất thường tâm lý thì có thể trưng cầu khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của đối tượng xem có bị bệnh tâm thần hay không để đánh giá.

Theo quan điểm của luật sư, đối với hành vi đặt 150 mâm cỗ cưới và các trang thiết bị thuê phục vụ đám cưới chưa thỏa mãn dấu hiệu phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thực tế, Út cũng chưa chiếm đoạt số cỗ và số cỗ này vẫn còn nguyên tại nhà hàng.

Trường hợp đối tượng đặt 150 mâm cỗ chưa lấy thì khó có thể quy kết là trường hợp chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt theo quy định tại các Điều 14, 15 Bộ luật Hình sự.

Tháng 9/2020, Cà Thị Út (SN 1996) hợp đồng “miệng” với Vũ Thế Long (SN 1988, chủ nhà hàng Tâm Phúc, TP Điện Biên Phủ) làm 150 mâm cỗ cưới và tổ chức dịch vụ phông rạp… 1 mâm cỗ có giá tiền 1.350.000 đồng, hẹn tổ chức vào trưa ngày 30/9. Tuy nhiên, đến thời điểm tổ chức không có ai đến dự tiệc. Chủ nhà hàng liên hệ với cô dâu, song không liên lạc được. Vũ Thế Long đã trình báo với cơ quan công an. Khi chủ nhà hàng tìm đến địa chỉ nơi ở của Út thì được biết Út đã bỏ trốn khỏi địa bàn sinh sống. Tối 1/10, cơ quan công an đã tìm thấy Út khi đang có ý định bỏ trốn sang biên giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Yêu chay” không có nghĩa là mối quan hệ thiếu tình yêu. (Ảnh: ITN)

Vì sao 'yêu chay' ngày càng phổ biến?

GD&TĐ - Có tới 40 triệu người Mỹ đang trong các mối quan hệ lãng mạn không quan hệ tình dục. Đáng nói,phần lớn những người này hoàn toàn hài lòng với điều đó.