Việc đặc cách xét tuyển sẽ dần trở nên công bằng hơn
Ngày 24/9/2019 Sở GD&ĐT Hà Tĩnh ban hành văn bản số 1641/SGDĐT-GDPT về việc đặc cách học sinh giỏi cấp tỉnh có chứng chỉ tiếng Anh. Trong văn bản hướng dẫn cụ thể về việc xét giải cho những thí sinh đăng kí dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn tiếng Anh lớp 9,10,11, 12 có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương trình độ B2 trở lên.
Theo đó, học sinh lớp 9 đạt điểm IELTS 5.0 điểm là quy đổi giải Ba, đạt 6.0 điểm là xếp giải Nhất; học sinh lớp 10 đạt điểm IELTS 5.5 điểm là quy đổi giải Ba, đạt 6.5 điểm là xếp giải Nhất. Học sinh lớp 11 đạt điểm IELTS 6.0 điểm là quy đổi giải Ba, đạt 7.0 điểm là xếp giải Nhất; học sinh lớp 12 đạt điểm IELTS 6.5 điểm là quy đổi giải Ba, đạt 7.5 điểm là xếp giải Nhất.Học sinh chỉ cần có chứng chỉ IELTS đạt chuẩn theo quy định sẽ được chứng nhận học sinh giỏi tỉnh.
Việc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh vừa quyết định đặc cách công nhận cho 70 em học sinh lớp 12 là học sinh giỏi cấp tỉnh môn tiếng Anh năm học 2020 – 2021 vì đã có chứng chỉ IELTS từ 6.5 trở lên đang nhận được sự quan tâm của nhiều người. Bởi đây là tỉnh gần như đầu tiên trong cả nước dám tiên phong thực hiện một quyết định mà nhiều người cho rằng là táo báo, đột phá công nhận học sinh giỏi tỉnh không cần qua thi tuyển.
Một góc độ khác, cách làm này cũng khiến dư luận băn khoăn bởi có thể nó sẽ dẫn đến sự mất công bằng trong kỳ thi học sinh giỏi và tuyển sinh đại học sau này. Họ đưa ra dẫn chứng, những em học sinh giỏi đều học trường Chuyên, lớp chọn tốp đầu thành phố, còn các em vùng nông thôn, miền núi thì việc tiếp với môn tiếng Anh đã khó khăn thì chứng chỉ IELTS là việc xa vời.
Xung quanh việc này, ông Nguyễn Viết Hùng, Chủ tịch HĐQT Trường liên cấp Albert Einstein Hà Tĩnh cho rằng: Quyết định công nhận học sinh giỏi dựa vào việc học sinh có chứng chỉ quốc tế ở môn tiếng Anh thực sự là một bước đột phá cả trong quan điểm chỉ đạo cũng như dựa vào thực tiễn các kỳ thi học sinh giỏi của Sở GD&ĐT Hà Tĩnh. “Có lẽ đây là Sở GĐ&DT đầu tiên trong cả nước “dám” coi chứng chỉ quốc tế mà học sinh đạt được như chính kỳ thi do mình tổ chức” – ông Hùng nhấn mạnh.
Quan điểm của ông Hùng: “Dĩ nhiên quyết định này cũng kích thích cả người dạy và người học sẽ đi vào thực chất hơn khi tiếp cận với môn tiếng Anh như, rèn luyện cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết một cách toàn diện thay vì chỉ tập trung vào ngữ pháp và đọc hiểu để đối phó với các kỳ thi như hiện nay”.
“Dưới khía cạnh là một người làm giáo dục, tôi cho rằng đây là một sự thay đổi mang tính đột phá trong việc dạy và học tiếng Anh của lãnh đạo Sở GD&DT. Tôi hy vọng các cấp lãnh đạo khác, giáo viêntiếng Anh và học sinh Hà Tĩnh nắm lấy cơ hội này để hướng tới mục tiêu mà lâu nay chúng ta chưa làm được trong việc học tiếng Anh là để giao tiếp, để dùng được trong công việc và góp phần cạnh tranh nghề nghiệp trong xu thế mới của xã hội” – ông Hùng nói rõ mục tiêu lâu dài về môn tiếng Anh.
Khi phóng viên đặt câu hỏi, việc “quy đổi” từ chứng chỉ IELTS thành học sinh giỏi tỉnh, theo ông có công bằng đối với học sinh thành phố và nông thôn? Ông Hùng phân tích, “Với điều kiện kinh tế xã hội hiện nay của Hà Tĩnh thì học sinh các vùng nông thôn, miền núi khó có khả năng để đạt được cũng như khó có cơ hội tham gia các kỳ thi lấy chứng chỉ quốc tế ở môn Tiếng Anh. Tuy nhiên, theo xu hướng phát triển thì dần dần việc đạt các chứng chỉ quốc tế đối với mọi học sinh là không khó”.
Ông Hùng cũng phân tích thêm, “Việc công nhận học sinh giỏi dựa vào chứng chỉ quốc tế cũng sẽ góp phần giúp việc đặc cách xét tuyển dần trở nên công bằng hơn, thực chất hơn, tránh đi những lùm xùm không đáng có về các kỳ thi học sinh giỏi hiện nay, kể cả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia’.
Lãnh đạo Sở giáo dục nói gì?
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho hay, chủ trương này được Hà Tĩnh thực hiện từ năm 2018. Mục đích là nhằm khuyến khích, đẩy mạnh phong trào dạy và học tiếng Anh trong các nhà trường, giảm bớt áp lực thi cử cho học sinh.
Phó Giám đốc Sở cũng cho hay, năm đầu tiên áp dụng chính sách này thì học sinh chỉ cần đạt 7.0 IELTS là đã được công nhận đạt giải Nhất cấp tỉnh, nhưng năm nay, yêu cầu tăng lên mức 8.0 IELTS. Ngoài chứng chỉ IELTS, những học sinh có chứng chỉ TOEFL và một số chứng chỉ khác cũng được chấp nhận. Đồng thời, Sở vẫn tổ chức kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh cấp tỉnh như bình thường và giữ nguyên cơ cấu giải.
“Bởi không phải em nào cũng có điều kiện học chứng chỉ quốc tế, mà chỉ chủ yếu ở thành phố, đô thị, ở các gia đình có điều kiện hơn. Còn ở các trường đại trà thì vẫn tổ chức thi như bình thường” – ông Anh nhấn mạnh.
Ông Quốc Anh cũng thừa nhận: Cách làm này chắc chắn sẽ khiến số học sinh giỏi cấp tỉnh môn tiếng Anh nhiều hơn so với các môn học khác. So với các địa phương khác, tổng số học sinh giỏi cấp tỉnh của Hà Tĩnh cũng nhiều hơn. Tuy nhiên, trong giai đoạn khuyến khích việc tăng cường dạy học tiếng Anh thì Hà Tĩnh chấp nhận điều đó. Sở cũng cam kết đề thi chọn học sinh giỏi vẫn đảm bảo độ khó tương đương, chứ không hạ cách đánh giá để lấy cho đủ cơ cấu giải.
Sau quyết định của Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, một số dư luận cho rằng là hợp lý, thực chất giảm bớt thi lý thuyết như trước kia, thúc đẩy học sinh phát triển toàn diện cả 4 kỹ năng, cũng như tạo động lực cho các em học IELTS từ sớm. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại về sự mất công bằng khi xét tuyển đại học. Bởi hiện nay, nhiều trường đại học có phương thức xét tuyển thẳng hoặc cộng điểm với học sinh giỏi cấp tỉnh.
Về điều này, ông Quốc Anh cho rằng đó là quyền tự quyết của các trường đại học. “Hà Tĩnh làm như vậy nhưng sau này các trường đại học có lấy thí sinh theo phương thức này hay không là quyền của họ. Chúng tôi không đặt ra mục tiêu tăng số học sinh giỏi cấp tỉnh để tăng số lượng vào đại học. Mục tiêu của chúng tôi là để động viên, khuyến khích, tăng khả năng tiếng Anh cho học sinh trong tỉnh chứ không phải tạo điều kiện cho các em vào đại học. Với những chính sách ưu tiên mà cứ nói đến chuyện công bằng thì vô cùng” - ông Quốc Anh nói và khẳng định việc này không nhằm chạy đua thành tích.
“Tôi nói thêm, các em cũng không nên lấy giải thưởng học sinh giỏi bằng cách phải thi các chứng chỉ quốc tế mà phải hiểu được thực chất việc lấy chứng chỉ là để khuyến khích học sinh hướng tới việc học ngoại ngữ một cách thực chất hơn, học để dùng được trong thực tiễn” – ông Quốc Anh nhấn mạnh.