Bệnh có thể gây tử vong
Trao đổi với PV về bệnh thủy đậu, ThS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: Thủy đậu là bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó, xảy ra nhiều nhất ở người lớn và trẻ dưới 5 tuổi. Thống kê cho thấy, mỗi năm ở nước ta, số người mắc bệnh thủy đậu luôn ở mức cao, dao động 25.000 - 40.000 người.
Đây là bệnh do virus gây nên và rất dễ lây lan, thường là qua đường hô hấp khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Ngoài ra, bệnh còn lây qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt thủy đậu. Khi bị bệnh, bệnh nhân sẽ có các biểu hiện như: Mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng, quấy khóc và chán ăn ở trẻ nhỏ. Sau đó, trên da xuất hiện các nốt bọng nước ở một bộ phận nào đó rồi lan ra toàn cơ thể. Các nốt này thường gây ngứa cho người bị bệnh.
Theo BS Đỗ Thiện Hải, nếu bệnh không có biến chứng thì sau 7-10 ngày các nốt bọng nước sẽ tự vỡ ra, khô dần và không để lại sẹo nếu bôi thuốc cẩn thận. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm gây ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.
“Một số biến chứng nguy hiểm của bệnh thủy đậu như nhiễm trùng, viêm da. Đây là biến chứng hay gặp do vi khuẩn trong không khí xâm nhập vào các nốt mụn nước bị vỡ, bong tróc, khiến da bị nhiễm khuẩn tại chỗ. Sau đó, các vi khuẩn ở bề mặt da ăn sâu vào bên trong cơ thể, gây nguy cơ gây nhiễm trùng máu và xuất huyết. Biến chứng đáng sợ tiếp theo là trẻ dễ bị viêm phổi và viêm não. Biểu hiện của bệnh nhân ở giai đoạn này là sốt cao, ho ra máu, khó thở, đôi khi buồn nôn và hay ngủ gà. Đây là những biến chứng nguy hiểm nhất khi trẻ bị thủy đậu và nguy cơ tử vong thường rất cao”, BS Hải nhấn mạnh.
Đơn cử trường hợp cháu Lý Thị T (14 tuổi, trú tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) bị tử vong do biến chứng của bệnh thủy đậu cuối tháng 3 vừa qua đã khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng về mức độ nguy hiểm của loại bệnh này. Theo đó, bé T được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Lưu trong tình trạng bị nổi thủy đậu khắp người, sức khỏe yếu. Sau gần 2 ngày điều trị, T có các dấu hiệu biến chứng lên phổi, phải thở ôxy và phải chuyển lên Bệnh viện Sản – Nhi Nghệ An. Sau đó, bệnh nhi ho ra máu và tử vong. Các bác sĩ cho biết, nguyên nhân khiến T tử vong là do suy gan và viêm phổi nặng từ biến chứng của thủy đậu.
Ngoài ra, theo ThS. BS Đỗ Thiện Hải, không chỉ trẻ nhỏ có nguy cơ gặp biến chứng từ thủy đậu, phụ nữ mang thai khi bị thủy đậu cũng cần đặc biệt lưu ý. Nếu để xảy ra biến chứng sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sảy thai hoặc nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến tính mạng của thai phụ. Bên cạnh đó, cần theo dõi đặc biệt với những trẻ sơ sinh bị lây thủy đậu từ mẹ vì khả năng trẻ dị tật bẩm sinh hoặc ảnh hưởng đến quá trình phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ của trẻ sau này là rất cao.
Nên tắm cho trẻ trong phòng, tránh gió lùa
ThS. BS Đỗ Thiện Hải lưu ý, rất nhiều phụ huynh chủ quan, coi thủy đậu là bệnh nhẹ nên thường tự xử lý cho con tại nhà. Tuy nhiên, thực tế đã có nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh nặng hơn do những phương pháp thiếu khoa học của bố mẹ. Ví dụ, nhiều người cho rằng, khi trẻ bị thủy đậu thì không được tắm cho trẻ. Đây là quan điểm sai lầm vì khi đó lượng da chết tích tụ nhiều sẽ càng gây ngứa ngáy, khó chịu cho bé.
Do vậy, trong trường hợp trẻ bị thủy đậu, bố mẹ vẫn tắm cho con bình thường nhưng tắm bằng nước ấm đặt trong phòng kín gió. Phụ huynh có thể thêm chút muối hoặc vắt nước chanh vào nước tắm để tăng tính sát khuẩn cho da bé. Trong khi tắm, bố mẹ không nên cởi bỏ toàn bộ quần áo của con ra mà phải cởi từng bộ phận theo kiểu “tắm đến đâu, cởi đến đó” để đảm bảo trẻ không bị nhiễm lạnh, tránh nguy cơ gây viêm phổi.
Đặc biệt, theo ThS. BS Đỗ Thiện Hải, việc kiêng gió cho trẻ bị thủy đậu là việc làm hết sức quan trọng. Vì vậy, phụ huynh nên hạn chế cho con ra ngoài trời khi đang bị thủy đậu. Phải đội mũ, quàng khăn và đi tất tay, chân trong trường hợp cho con ra gió. Bên cạnh đó, bố mẹ nên trông chừng không cho trẻ gãi quá mạnh hoặc cạy các nốt nước để tránh bị nhiễm trùng da và nguy cơ nhiễm trùng vào máu.
ThS. BS Đỗ Thiện Hải tư vấn, để tránh nốt thủy đậu bị bội nhiễm có thể dùng một số thuốc sát khuẩn da thông thường như dung dịch xanhmetylen, milian hoặc dung dịch betadin để rửa rồi dùng bông vô khuẩn thấm khô. Tuy nhiên, phụ huynh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc dùng thuốc và liều lượng để đảm bảo an toàn cho trẻ. Khi thấy có dấu hiệu bất thường (sốt cao, buồn nôn…) cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế càng nhanh càng tốt để được điều trị, đề phòng sốc do mất nước, nhiễm khuẩn và các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý.
- Thực hiện vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường.
- Tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.
- Những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.