Pháp và Việt Nam đều đã ký Công ước quốc tế về Quyền trẻ em, Công ước này đặt mục tiêu hạn chế áp dụng biện pháp phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội. Tuy nhiên, số lượng người chưa thành niên phạm tội bị áp dụng hình phạt này vẫn gia tăng. Vậy phải làm thế nào đối với người chưa thành niên phạm tội ?
Một cuộc Hội thảo về chủ đề này sẽ được tổ chức tại L’espace (24 Tràng Tiền, Hà Nội) vào lúc 17h00 ngày 20 tháng 11 năm 2018. Hội thảo có sự tham gia của ba chuyên gia cấp cao : - Bà Kim Reuflet, Phó chủ tịch phụ trách quản lý mảng hoạt động của các thẩm phán xét xử các vụ án liên quan đến trẻ em, Tòa sơ thẩm thẩm quyền rộng thành phố Nantes, bà đồng thời cũng là thẩm phán điều phối tòa trẻ em từ tháng 9 năm 2015, - Bà Lê Thị Hoa, Phó phòng pháp luật hình sự, Vụ Pháp luật hình sự và hành chính, Bộ Tư pháp, - Bà Nguyễn Thanh Trúc, chuyên gia về bảo vệ trẻ em trong hệ thống tư pháp của UNICEF Việt Nam.
Trong bối cảnh chung: Ngày 20 tháng 11 năm 1959, tuyên bố về quyền trẻ em được công bố. Ngày 20 tháng 11 năm 1989, Công ước quốc tế về quyền trẻ em được ký kết. Hai nước Pháp và Việt Nam đều đã phê chuẩn Công ước này. Theo đó, các nước tham gia cam kết đảm bảo «không trẻ em nào bị tước đoạt tự do một cách bất hợp pháp hoặc vô căn cứ. Việc bắt, giam giữ hoặc bỏ tù trẻ em chỉ là giải pháp cuối cùng và thời gian áp dụng phải ngắn nhất có thể».
Tại Pháp, pháp lệnh 1945 đã quy định rõ nguyên tắc cơ bản này trong bảo vệ trẻ em: biện pháp giáo dục phải đứng trên biện pháp trừng phạt. Phạt tù chỉ là giải pháp cuối cùng và chỉ được áp dụng trong trường hợp đặc biệt.
Tâm lý học trẻ em cũng ủng hộ theo hướng này: phạt tù không phải là giải pháp hiệu quả đối với người chưa thành niên phạm tội. Boris Cyrulnik, chuyên gia tâm lý học trẻ em nổi tiếng cũng cảnh báo: «Nhà tù là câu trả lời tồi tệ nhất. Nó gây ra sự cô lập về cảm giác, chấm dứt sự đồng cảm, làm gia tăng lo lắng, duy trì mối quan hệ độc hại, sự sỉ nhục. Khi ra tù, chúng ta có thể thấy rằng đứa trẻ không còn có thể điều chỉnh cảm xúc của mình».
Việc giam giữ thường sẽ có xu hướng đẩy trẻ dấn sâu hơn vào việc phạm tội. Tỷ lệ tái phạm ở trẻ vị thành niên trong vòng 5 năm sau khi rời khỏi trại giam là 70% ở Pháp
Pháp có nhiều biện pháp giáo dục đối với trẻ em phạm tội: cảnh cáo, trả về cho cha mẹ quản lý, áp dụng biện pháp bảo vệ tư pháp, giám sát, quản chế hoặc sinh hoạt ban ngày.
Tuy nhiên, mặc dù những cải cách trong hệ thống pháp luật của Pháp vẫn đảm bảo duy trì nguyên tắc chỉ áp dụng biện pháp phạt tù trong trường hợp đặc biệt, các biện pháp giáo dục thay thế lại không được áp dụng rộng rãi như so với năm 1945.
Năm 2002, luật về định hướng và xây dựng chương trình của ngành tư pháp được ban hành với mục tiêu phối hợp hài hòa các biện pháp giáo dục và xử lý hình sự thông qua việc thiết lập hệ thống trại giam riêng cho người chưa thành niên, các trại giam này được giới thiệu là «trại giam với mục đích giáo dục», và các trung tâm quản chế.
Có thể rút ra được gì từ những tranh luận về việc nên áp dụng biện pháp giáo dục hay xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội ở Pháp và Việt Nam?
Tính đến ngày 01 tháng 8 năm 2017, 885 trẻ vị thành niên đang chịu án tù tại Pháp, hai phần ba trong số này bị giam giữ trước khi xét xử. Số lượng trẻ vị thành niên bị giam giữ tăng gần 17%, trong khi phần còn lại của dân số nhà tù chỉ tăng 0,4%. Trong khi đó tình trạng tội phạm chưa thành niên lại không tăng đáng kể trong 15 năm qua.
Thời gian chịu án cũng tăng lên: 2,1 tháng năm 2009, hơn 3 tháng năm 2016.
Hiện nay, trong số các án phạt được tuyên, số biện pháp giáo dục tương đương với số án phạt tù. Tổng số trường hợp tuyên phạt tù chiếm 11 % các bản án được tuyên năm 2014.
Như vậy, mặc dù thực tế chung là nhà tù đã thất bại trong việc giáo dục người chưa thành niên phạm tội, việc sử dụng hình phạt này lại càng ngày càng phổ biến.
Vậy có thể cải cách theo hướng nào? Đâu là biện pháp thay thế? Làm thế nào để tuân thủ các nguyên tắc cơ bản được đặt ra trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em?
Những vấn đề nêu trên sẽ được đưa ra bàn luận trong Hội thảo, cùng những gợi ý về giải pháp khác thay thế.