Nuôi ước mơ trên xe nhặt ve chai
Hơn 10 năm trước, bà con khu vực Chợ Cũ P. 8, TP Mỹ Tho, Tiền Giang đều quen thuộc với hình ảnh bà Nguyễn Thị Phụng (bà Bảy) đẩy đứa cháu trên chiếc xe tự chế đi nhặt ve chai. Ai hỏi bà cũng bảo “cháu ngoại tôi đó”. Nhưng người biết rõ thì nói vui rằng đó là đứa “cháu ngoại ngang hông”.
Chị Phan Thị Kim Quyên, con gái bà Bảy kể, mẹ chị từng tham gia làm cách mạng với nhiệm vụ giao liên. Hòa bình lập lại, bà buôn bán, làm thuê, nuôi bốn người con. Các con lớn lên và lần lượt có cuộc sống riêng. Bé My đến với bà như một “duyên nợ” khi bà chỉ còn một mình. Đó là lúc bà Bảy kiếm thêm thu nhập bằng việc nhận giữ trẻ. Mẹ My gởi cho bà Bảy để đi làm. Lúc ấy, My chỉ ngoài 5 tháng tuổi. My là đứa con sinh ra của một mối tình không rõ đầu đuôi. Rồi một ngày mẹ My không về thăm con nữa. Chính quyền địa phương phát loa tìm mẹ và người thân cháu bé nhưng không ai đến nhận. My bỗng dưng trở thành cháu ngoại bà Bảy từ đó.
Hai bà cháu sống bằng nghề nhặt ve chai. Buổi sáng bà Bảy đẩy My trên chiếc xe đi khắp TP Mỹ Tho. Tối về, bà cháu tá túc trong căn chòi lá nhỏ nằm trên đường Trần Nguyên Hãn, Khu phố 7, Phường 8, TP Mỹ Tho. Đồ đạc trong nhà đa số là tận dụng những thứ người ta không dùng nữa. Ngoài giờ học, My theo bà đi nhặt nhạnh các thứ người ta bỏ đi đổi lấy cơm, áo qua ngày. Hình ảnh hai bà cháu cùng xe ve chai tự chế đã trở nên quen thuộc khắp các nẻo đường trên địa bàn TP Mỹ Tho. Có người đi ngang thấy thương nên cho gói xôi, trái bắp; có người đem cho ve chai… Nhờ những tình cảm như thế mà bà cháu My sống được.
Xe ve chai tần tảo của bà nuôi My khôn lớn. Đến trường My thấy các bạn có cha mẹ đưa rước. Có lần My hỏi bà: Ba mẹ con đâu hả bà? Lúc đó, bà Bảy giấu vội những giọt nước mắt mà trấn an My: Mẹ đi làm ăn xa, con ở nhà có ngoại rồi! Một trong những người biết được hoàn cảnh My, anh Nguyễn Hải Đăng, Trưởng nhóm Tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ cho 2 bà cháu.
Năm My học lớp 2, My được Hội Khuyến học tỉnh Tiền Giang tổ chức chương trình Nâng bước đến trường với suất học bổng đặc biệt. Lên lớp 6 My không còn theo bà nhặt ve chai nữa, em ở nhà giúp công việc nhà và tự học. Ngoài giờ học, My biết giúp bà kiếm thêm thu nhập bằng cách làm thuê các công việc như làm lông gà, vịt, gói kẹo...
Lớn tuổi, lưng bà Bảy đã còng hơn bởi gánh nặng tuổi tác và sức khỏe yếu đi nhiều do những năm tháng mưu sinh, nuôi con và tham gia cách mạng. Năm My lên lớp 10, bà Bảy đổ bệnh, em phải chạy vạy khắp nơi để có tiền lo chạy thuốc thang. My bị stress nặng và em đã bỏ học. Biết chuyện của em, Hội Khuyến học tỉnh tìm đến nhà và nhiều lần thuyết phục My quay trở lại trường. Chương trình Nâng bước đến trường lần thứ 2 được Hội Khuyến học tỉnh tổ chức cho My. Chương trình cấp cho em suất học bổng đặc biệt để em trang trải và tiếp tục học với cam kết là không được bỏ học.
Chạm tay vào ước mơ
Lần quay trở lại trường, My quyết tâm cao hơn bởi em mong muốn theo học ngành Y để có thể chữa bệnh cho ngoại và những người nghèo. Bởi em hiểu chỉ có con đường đi học mới giúp bản thân có tương lai sáng hơn và là cách duy nhất mà em có thể làm được để đền đáp công nuôi dưỡng của bà. Thế nhưng, năm My vào lớp 11 thì bà ra đi sau những ngày lâm trọng bệnh. Trước khi đi xa, bà dặn người con gái là chị Kim Quyên về ở nhà và tiếp tục thay bà lo cho My học hành tới nơi tới chốn.
Ý chí vượt lên hoàn cảnh và khát khao theo đuổi con chữ đã khiến bản thân My mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nén nỗi đau, ngoài giờ học My tranh thủ làm thêm bởi My hiểu mẹ Quyên (cách My gọi chị Kim Quyên) cũng có gánh nặng của gia đình riêng, cưu mang thêm My lại càng thêm khó. Hàng ngày, 2 giờ sáng em đi nhổ lông gà thuê cho các tiểu thương ở chợ. Buổi tối dạy kèm cho các em học sinh gần nhà, tự làm bánh bán cho các bạn cùng lớp để kiếm thêm thu nhập. Bận rộn là thế nhưng My chưa bao giờ xao nhãng việc học.
Vào giờ học My chăm chú nghe thầy cô giảng bài, tranh thủ làm bài, học bài khi bất cứ lúc nào rảnh rỗi. Một số giáo viên cho biết, khi giảng bài, nhìn xuống lớp thấy ánh mắt khát khao chinh phục tri thức của My đã khiến thầy cô có thêm cảm hứng. My còn được một số giáo viên cho vào lớp học thêm miễn phí để nâng cao kiến thức… Cô Lê Thị Thể Tần, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A7 Trường THPT Trần Hưng Đạo, cho biết: My chăm ngoan, luôn cố gắng về mọi mặt, em hiền, hòa đồng với bạn bè và đặc biệt không hề bi quan…
Ngày My nhận giấy báo nhập học Trường ĐH Y Dược TPHCM (Khoa Y tế công cộng) là ngày chị Kim Quyên lo lắng nhất. Chị cho biết, nhà đã thiếu trước hụt sau thì lấy đâu tiền cho My lên TPHCM học. My lại trấn an chị: Mẹ yên tâm, con sẽ vừa học vừa đi làm thêm kiếm tiền đóng học phí. Nếu không đủ tiền con sẽ xin hoãn việc học, kiếm đủ tiền con lại học tiếp… đến khi nào học xong mới thôi. Nghe thế chị rưng rưng nước mắt.
Trong thời gian chờ nhập học, My nhận làm thêm công việc, nhận dạy kèm với học phí ít ỏi là 350 nghìn đồng/tháng… Số tiền kiếm được, em dành dụm để đi học. Ngoài ra, em còn được các chương trình từ thiện, nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ.
Giờ đây, căn nhà lá ngày nào dần được cải thiện chủ yếu bằng tôn cùng đủ các vật liệu khác do bà nhặt nhạnh hay xin được. Căn nhà không còn dột nhưng vẫn xập xệ, chật chội. Trời nắng nóng hầm hập, trời mưa tạt nhiều phía. Tuy nhà chật hẹp, My vẫn có góc học tập nho nhỏ. Trên góc học tập của My là bức ảnh của bà thời trẻ. Bàn học của My giờ sáng hơn nhờ chiếc laptop mà một nhà hảo tâm tặng để My học trực tuyến. Ngôi nhà dường như vui hơn bởi cô bé mồ côi ngày nào đã chạm tay vào ước mơ nơi giảng đường đại học.