Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong bộ phim kéo dài gần 1h đồng hồ này, Zakaria đã nói về những lo ngại của Tổng thống Putin trước “sự nổi dậy của toàn dân” và về sự kiểm soát toàn diện của ông Putin với nước Nga và về sự can thiệp như Mỹ tố cáo của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Phim được bắt đầu với chi tiết mà theo tác giả là có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành các nguyên tắc chính trị của ông Putin. Farid Zakaria kể rằng trong thời gian hoạt động ở vùng Drezden của Đức, điệp viên KGB 37 tuổi Putin ngày 5/12/1989 đã đơn phương đối mặt với một đám đông đang chuẩn bị tấn công vào tòa nhà của KGB. Ông Putin đã nhanh chóng điện về Moscow để xin chỉ thị nhưng chỉ nhận được câu trả lời hãy tự hành động, tùy thuộc vào tình hình cụ thể.
Ban đầu, ông Putin đã đốt hàng nghìn tài liệu mật của KGB như là biện pháp phòng ngừa, nhưng sau đó ông quyết định đi ra phố và cảnh báo đám đông đang tụ tập trước tòa nhà của KGB rằng bên trong có lực lượng bảo vệ sẵn sàng bắn vào đám đông. Thủ thuật này đã phát huy tác dụng và đám đông giải tán sau đó.
Sự kiện này, theo đánh giá của Tổng Biên tập tạp chí The New Yorker David Remnik, đã có những ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sau này của ông Putin, và hiện ông Putin sợ nhất là “cuộc nổi dậy toàn dân”. Theo nhà báo có quốc tịch Mỹ và Nga, cựu Giám đốc đài phát thanh “Tự do” và là tác giả cuốn sách về Tổng thống Putin Masha Gessen, Tổng thống Putin đang chế ngự nỗi lo sợ này bằng việc kiểm soát hoàn toàn chính quyền.
“Ông ấy ghét Hilary Clinton”
Bộ phim này cũng nói về mối quan hệ giữa nước Nga của Putin với Mỹ - từ “cảm mến nhau” từ thời cựu Tổng thống Mỹ G.Bush cho đến quan hệ nguội lạnh hoàn toàn dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Khởi nguồn của quan hệ đối đầu căng thẳng Nga-Mỹ dưới thời ông Putin được thể hiện thông qua quan hệ giữa ông Putin với cựu Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton. Trong phim, David Remnik nói rằng “ông Putin ghét bà Clinton”.
Theo tác giả, nguyên nhân của sự thù ghét này là do bà Hilary Clinton ủng hộ những cuộc biểu tình quy mô lớn ở Nga và bày tỏ sự nghi ngờ rằng cuộc bầu cử vào Hạ viện Nga hồi tháng 12/2011 là không “tự do và công bằng”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Putin, Cựu Ngoại trưởng Mỹ Clinton
Theo Farid Zakaria, sự can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 với thất bại thuộc về Hilary Clinton có thể coi là “sự trả thù” của ông Putin khi cố gắng ngăn chặn khả năng Hilary Clinton lên nắm quyền. Trong phim, cựu Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ và là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cũng đã bày tỏ “sự tin tưởng hoàn toàn” về khả năng Nga đã can thiệp vào bầu cử Mỹ. “Kết quả là bầu cử Mỹ đã diễn ra theo đúng kịch bản của Putin”- Zakaria nói.
Ngoài Robert Gates và Masha Gessen, trong phim còn có sự xuất hiện của người đồng sáng lập Quỹ Đầu tư Hermitage Capital là Bill Brauder - người đã từng bị Nga kết án gián tiếp 9 năm tù. Bill Brauder khẳng định rằng tài sản của ông Putin đã đạt đến con số 200 tỷ USD.
Trong đoạn phim này cũng có trích đoạn phỏng vấn Thư ký Báo chí của Tổng thống Nga Dmitri Peskov. Người đại diện Điện Kremlin này trước đó đã có những phát biểu tích cực về việc trong bộ phim này của CNN đã tạo cơ hội để Nga nói lên chính kiến của mình. Tuy nhiên, bình luận về bộ phim này, ông Peskov tuyên bố rằng “xét về thực chất, bộ phim này được dàn dựng lên để tiếp tục chỉ trích và nói xấu về nước Nga và Tổng thống Putin”.
Trong đoạn phỏng vấn, ông Peskov cũng nhắc lại những phát biểu trước đó của mình, ví dụ như ông ấy nói rằng các đại diện của chính quyền Nga không hợp tác, không tiếp xúc với các trợ lý của ông Donald Trump trong thời gian diễn ra các cuộc vận động tranh cử ở Mỹ. Ông Peskov khẳng định rằng Đại sứ Nga ở Mỹ Sergey Kislyak không thảo luận với đại diện của các ứng cử viên tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ trong suốt quá trình vận động tranh cử.
Giải thích về tiêu đề của bộ phim trong phần bình luận trên CNN, Zakaria cho biết quyền lực của người đứng đầu quốc gia được xác định như là sức mạnh của đất nước, cũng như khả năng của người cầm trịch trong việc kiểm soát quyền lực mà không cần để ý đến các thể chế khác, các đảng phái khác, các lực lượng chính trị khác. Xét về các chỉ số này, ông Putin chính là người đàn ông quyền lực nhất thế giới.
Trong phần tổng kết của bộ phim, Zakaria nhấn mạnh rằng ảnh hưởng của ông Putin không chỉ gắn với uy tín mà còn do ông ấy “hiểu được nước Nga và hiểu thế giới”, cũng như biết sử dụng sức mạnh, quyền lực một cách hiệu quả. “Vladimir Putin hiểu rất rõ chúng ta. Vấn đề là ở chỗ chúng ta và Donald Trump có hiểu được ông ấy hay không” - tác giả kết luận.