Ông Vance chỉ trích các chính sách của EU là mối đe dọa lớn nhất đối với châu Âu, báo hiệu sự thay đổi mạnh mẽ chống lại chủ nghĩa Đại Tây Dương trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Vậy điều gì báo hiệu sự thay đổi này? Hãng Novosti đã có bài viết về vấn đề này.
Làm suy yếu nền kinh tế EU
Khi Tổng thống Trump nhậm chức, ông đã nhận xét, "Liên minh châu Âu đã đối xử với chúng ta rất tệ", ám chỉ đến một cuộc chiến thương mại.
Đầu tháng 2, ông đã áp thuế 25% đối với thép và nhôm, có hiệu lực vào tháng 3. Đây không phải là lần đầu tiên ông nhắm vào các ngành công nghiệp EU.
Năm 2018, Tổng thống Trump cũng đã áp dụng mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm từ các công ty châu Âu và Canada.
Đến năm 2019, ông đã làm gia tăng căng thẳng khi áp thuế 25% đối với rượu vang Pháp, pho mát Ý và rượu whisky Scotland để trả đũa việc EU trợ cấp cho Airbus, đối thủ cạnh tranh của Boeing.
Áp lực lên các thành viên NATO châu Âu
Tổng thống Trump thường xuyên gọi NATO là "lỗi thời", chỉ trích gánh nặng tài chính của liên minh này đối với Mỹ, quốc gia đóng góp lớn nhất cho liên minh quân sự.
Ông thúc đẩy các thành viên NATO tăng chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP, lập luận rằng châu Âu nên chịu nhiều chi phí an ninh hơn.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông đã yêu cầu mục tiêu chi tiêu quốc phòng là 2% GDP và khởi xướng việc rút quân của Mỹ khỏi Đức, sau đó bị Biden đảo ngược.
Ngoài ra, ông Trump hiện đang cân nhắc cắt giảm 20% sự hiện diện của quân đội Mỹ tại châu Âu và kêu gọi các đồng minh đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng của họ.
Quan điểm thực dụng về Ukraine
Ông Trump đã có cái nhìn thực tế về Ukraine khi gọi điện cho người đồng cấp Nga Putin và nói rõ rằng Ukraine sẽ không gia nhập NATO cũng như không gây ảnh hưởng đến an ninh châu Âu, trái ngược với lập trường "không đàm phán hòa bình nếu không có Ukraine" của EU trước đó.
Xây dựng lại mối quan hệ với Nga
Tổng thống Trump ủng hộ việc Nga quay trở lại G7 và thừa nhận những lo ngại về an ninh của Moscow, đặc biệt liên quan đến Ukraine và nguyện vọng của NATO.
Chủ nghĩa hiện thực thẳng thắn của ông trái ngược với sự tập trung của chủ nghĩa Đại Tây Dương vào "thất bại chiến lược của Nga", khiến nhiều chính trị gia châu Âu lo lắng.
Thành lập quân đội riêng
Trước sự thay đổi của Mỹ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào ngày 15 tháng 2 đã kêu gọi thành lập quân đội châu Âu để tăng cường khả năng phòng thủ của lục địa.
"Tôi thực sự tin rằng đã đến lúc thành lập lực lượng vũ trang châu Âu. Thẳng thắn mà nói, hiện tại, chúng ta không thể loại trừ khả năng Mỹ sẽ từ chối châu Âu về những vấn đề có thể đe dọa đến lục địa", ông Zelensky phát biểu.
Cùng với đó, ông Zelensky đánh giá châu Âu cần thống nhất về một chính sách đối ngoại và quốc phòng chung, nhằm cho Mỹ thấy khối này nghiêm túc đối với an ninh của châu lục.
Hôm 14 tháng 2, Tổng thống Ukraine đã gặp Phó Tổng thống Mỹ Vance để thảo luận về triển vọng thỏa thuận hòa bình Nga-Ukraine. Tuy nhiên, ông Zelensky lưu ý rằng Ukraine muốn có "bảo đảm an ninh" trước khi bắt đầu bất kỳ cuộc đàm phán nào với Tổng thống Putin.