Theo Times of Israel, trong thông báo hôm 16 tháng 2, Bộ Quốc phòng Israel cho biết lô hàng gồm 1.800 quả bom Mark 84 đã cập cảng Ashdod và được vận chuyển đến các căn cứ không quân. Đây là loại bom thông thường có khối lượng hơn 900 kg, trong đó hơn 400 kg là thuốc nổ mạnh.
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Israel Katz ca ngợi lô vũ khí này là "khí tài quan trọng" đối với Không quân Israel, nhấn mạnh đợt chuyển hàng là minh chứng cho "mối quan hệ đồng minh vững chắc" giữa Tel Aviv và Washington.
Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Israel cũng gửi lời cảm ơn đến Tổng thống Mỹ Donald Trump vì đã gỡ hạn chế và đảm bảo an ninh cho Israel.
Trước đó, ông Joe Biden đã áp đặt lệnh cấm mang tính tượng trưng đối với việc chuyển giao Mark 84 cho Israel vào tháng 5 năm 2024 trong bối cảnh Không quân Israel sử dụng rộng rãi loại đạn dược này để san phẳng Dải Gaza.
Các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Y tế FXB của Harvard phát hiện vào mùa thu năm ngoái rằng từ ngày 7 tháng 10 đến ngày 17 tháng 11 năm 2023, Israel đã thả 592 quả Mark 84 vào phạm vi cơ sở hạ tầng quan trọng của các bệnh viện.
Nghiên cứu xác định rằng bom có thể giết người cách điểm phát nổ 360 m và gây thương tích ở phạm vi lên tới 800 m.
Trong số 36 bệnh viện ở Gaza, chín bệnh viện có ít nhất một hố bom Mark 84 có thể gây tử vong, hai bệnh viện có 21-23 hố bom. 38 quả bom đã được thả trong phạm vi bán kính 800 m được Israel xác định là 'khu vực sơ tán'.
Từ cuối năm 2023 đến giữa năm 2024, Không quân Israel đã thả nhiều Mark 84 và các loại đạn dược khác trên dải đất rộng 365 km2 hơn tổng số tấn bom thả xuống London, Hamburg và Dresden trong Thế chiến II, đánh trúng một loạt mục tiêu dân sự bao gồm bệnh viện, nhà thờ Hồi giáo và ba nhà thờ ở Gaza.
Cuộc ném bom dữ dội của Israel vào Gaza được cho là đã khiến khoảng 33.000 người Palestine thiệt mạng trong 100 ngày đầu tiên của cuộc chiến, số người thiệt mạng cao hơn bất kỳ cuộc xung đột nào kể từ cuộc diệt chủng ở Rwanda năm 1994.
Mark 84 đã xuất hiện từ những năm 1960 và được Không quân Mỹ cùng các đồng minh sử dụng ở Việt Nam (từ năm 1965 đến kết thúc chiến tranh), Iraq (từ năm 1981, 1991, 2003), Lebanon (từ năm 1982, 2024), Nam Tư (từ năm 1999), Afghanistan (từ năm 2001 trở đi), Yemen (từ năm 2015 trở đi).
Bom Mark 84 có thể được chuyển đổi thành đạn dược có điều khiển bằng bộ JDAM, giúp tăng tầm bắn và độ chính xác. Biến thể này được Mỹ và các đồng minh triển khai ở Libya, Syria, Yemen và Ukraine, nơi nó gặp phải sự gây nhiễu hiệu quả của chiến tranh điện tử Nga.
Lô bom Mark 84 được bàn giao giữa lúc lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas đứng trước nguy cơ sụp đổ, khi cả hai bên liên tục cáo buộc nhau vi phạm các điều khoản thỏa thuận, trong đó có trao đổi con tin Israel bị giam giữ ở Dải Gaza với tù nhân Palestine trong các nhà tù Israel.