Ông Nguyễn Vinh San - Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), thành viên chủ chốt nhóm thực hiện Bảng xếp hạng đại học Việt Nam (VNUR) cho rằng, để đạt mục tiêu có ít nhất 5 cơ sở lọt top 500 trường đại học tốt nhất thế giới, cùng với sự quyết tâm, bền bỉ, Việt Nam cần hệ thống các giải pháp, chính sách phù hợp.
“Cuộc chạy đua”
- Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đặt mục tiêu đến 2030, có ít nhất 5 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 500 trường đại học tốt nhất thế giới, 5 cơ sở giáo dục đại học vào nhóm 200 trường đại học hàng đầu châu Á. Theo ông, điều này có khả thi?

- Trong những năm gần đây, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam có bước tiến đáng kể trên các bảng xếp hạng quốc tế, phản ánh nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu. Số lượng các trường đại học góp mặt trong Bảng xếp hạng uy tín thế giới ngày càng tăng lên, vị trí trên bảng xếp hạng được cải thiện đáng kể qua từng năm.
Đặt biệt, các trường đại học Việt Nam còn có mặt trong nhiều loại hình xếp hạng khác nhau của giáo dục đại học: Xếp hạng các đại học phát triển bền vững; xếp hạng theo lĩnh vực đào tạo; xếp hạng nghiên cứu…
Theo các công bố năm 2024, Việt Nam có 6 cơ sở giáo dục đại học trong Bảng xếp hạng các đại học tốt nhất thế giới của QS; 17 cơ sở giáo dục đại học trong Bảng xếp hạng hàng đầu châu Á của QS, trong đó có 4 cơ sở giáo dục đại học nằm trong tốp 200; 9 cơ sở giáo dục đại học trong bảng xếp hạng đại học tốt nhất thế giới của THE (Times Higher Education), trong đó có 4 cơ sở giáo dục đại học nằm trong tốp 1.000; 13 cơ sở giáo dục đại học trong Bảng xếp hạng tầm ảnh hưởng của THE.
Tuy nhiên, vị trí trên bảng xếp hạng của các trường đại học của Việt Nam còn khá khiêm tốn khi chủ yếu nằm ở quanh nhóm 1.000 trường, thậm chí là 1500+. Điều này cho thấy, giáo dục đại học của nước ta còn khoảng cách khá xa so với thế giới, đòi hỏi phải có các chính sách đủ mạnh để nâng cao vị thế và thứ hạng trong các bảng xếp hạng thế giới.
Nhìn vào quá khứ, chúng ta nhiều lần đặt mục tiêu có trường đại học lọt vào nhóm 300, 500 thế giới thì thấy, muốn đạt mục tiêu Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (Chiến lược) đưa ra cần giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu xứng tầm thế giới. Nói như vậy, nếu chúng ta thực sự quyết tâm và có chính sách đúng đắn, quyết liệt thì việc đạt mục tiêu không quá khó khăn.
Mục tiêu của Chiến lược còn thấp hơn gợi mở của Tổng Bí thư Tô Lâm khi mong muốn chúng ta có trường lọt vào top 100 thế giới và top 3 ASEAN về nghiên cứu vào năm 2030. Quyết tâm chính trị của chúng ta có, người Việt Nam có truyền thống hiếu học, thông minh và lòng tự tôn. Và chúng ta đã có đại học lọt vào nhóm 500, đó là những tiền đề để nhân rộng ra 5 thậm chí 10 trường. Cái chúng ta thiếu là hệ thống giải pháp, chính sách phù hợp và kiên trì.
Sẽ khó để khẳng định chắc chắn mục tiêu Chiến lược đặt ra là khả thi hay không khả thi vì xếp hạng như “một cuộc chạy đua”, khi chúng ta cố gắng vươn lên thì các trường đại học ở các quốc gia khác cũng đang nỗ lực khẳng định mình. Muốn lọt vào nhóm 500, 300 hay nhóm 100 như gợi mở của Tổng Bí thư, chúng ta phải nỗ lực hơn nhiều lần người khác, phải “chạy” nhanh hơn, kiên trì và bền bỉ mới hy vọng vượt qua những người phía trước.

Thách thức lớn nhất là nguồn lực
- Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những khó khăn, thách thức của Việt Nam để đạt được mục tiêu trên?
- Thách thức lớn nhất mà các trường đại học Việt Nam đang gặp phải là hạn chế về nguồn lực để phát triển, cơ sở vật chất, tài chính và đội ngũ nhân sự chưa đủ mạnh để cạnh tranh quốc tế.
Nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học còn hạn chế từ cả phía ngân sách nhà nước, đóng góp của người học và các nguồn lực huy động từ doanh nghiệp, khoa học công nghệ; dẫn đến điều kiện dạy và học, nghiên cứu trong cơ sở giáo dục đại học còn hạn chế. So với chuẩn mực chung các nước trong khu vực và trên thế giới, cơ sở giáo dục đại học nước ta có tỷ lệ sinh viên trên giảng viên khá cao, trong khi tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ cũng như số công bố khoa học quốc tế tính trên một giảng viên rất thấp…
Nguồn lực chưa đủ mạnh nhưng lại phân tán khi số lượng các trường đại học rất đông, quy mô trường đại học hầu hết khá bé (khoảng 10% trường có quy mô dưới 1.000 người học, gần 30% có quy mô từ 1.000 - 5.000, hơn 10% quy mô từ 5.000 - 10.000); tỷ lệ đội ngũ giảng viên/nhà nghiên cứu có học vị tiến sĩ chưa cao nhưng phân bố khắp các trường nên khó tạo ra các nhóm nghiên cứu mạnh.
Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu khoa học hạn chế cũng là rào cản lớn khi tham gia các bảng xếp hạng quốc tế (hầu hết bảng xếp hạng uy tín đều dành tỷ trọng lớn cho công bố quốc tế). Cơ chế chính sách cho tự chủ đại học còn khá yếu, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các trường phát triển chứ chưa nói đến bứt phá trong đào tạo và nghiên cứu để tăng thứ hạng.
Một bài toán “luẩn quẩn” là muốn nâng cao thứ hạng thì cần đầu tư nguồn lực tương xứng để có được chất lượng và muốn có được sự đầu tư từ Chính phủ, doanh nghiệp hay đối tác quốc tế cần phải có thứ hạng, uy tín và vị thế.

Chọn “đầu tàu” để đầu tư trọng điểm
- Vậy theo ông, đâu là giải pháp trọng tâm mà cơ quan quản lý và cơ sở giáo dục cần quan tâm để hướng tới mục tiêu này?
- Chiến lược xác định mục tiêu số lượng 5 cơ sở giáo dục đại học vào tốp 500, tại sao không phải là 3, 10 hay nhiều hơn và 5 trường này gồm trường nào? 5 cơ sở giáo dục đại học này đóng vai trò gì đối với sự phát triển của giáo dục đại học Việt Nam nói riêng và sự phát triển đất nước nói chung? Khi trả lời những câu hỏi như vậy, chúng ta sẽ dần rõ các giải pháp cần có. Bài học xây dựng trường đại học tinh hoa, đẳng cấp thế giới đã có ở nhiều nước, liệu chúng ta có thể học hỏi?
Vì vậy, theo tôi, giải pháp đầu tiên phải xây dựng tiêu chí lựa chọn 5 - 10 trường đại học tiên phong để tập trung đầu tư, hỗ trợ cho họ phát triển. Xếp hạng “như cuộc chạy đua” vì vậy bắt buộc chúng ta phải lựa chọn trường có khả năng, tiềm lực và nội lực lớn nhất, sau đó bổ khuyết những điều còn thiếu, yếu để đạt mục tiêu phấn đấu. Các trường này sẽ là những đầu tàu tiếp tục kéo hệ thống giáo dục đại học Việt Nam phát triển theo sau. Việc đầu tư dàn trải khó có được kết quả tinh hoa, mũi nhọn.
Giải pháp thứ hai là Nhà nước cần xây dựng chính sách đặc thù để đầu tư, đặt hàng, hỗ trợ các trường được lựa chọn trong phát triển nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế. Cần cởi trói “tự chủ đại học” khi các trường vẫn còn vướng víu trong thực hiện tự chủ, nhất là trường công lập có bề dày lịch sử, nội lực và tiềm năng phát triển.
Giải pháp tiếp theo là các trường đại học phải chủ động xây dựng chiến lược của riêng mình để thu hút hoặc đào tạo đội ngũ giảng viên, nhà nghiên cứu có trình độ quốc tế, tạo điều kiện để họ nâng cao trình độ và năng lực công bố quốc tế. Các trường đồng thời cần thúc đẩy xây dựng các chương trình hợp tác đào tạo và nghiên cứu với các trường đại học hàng đầu thế giới; xây dựng các chương trình đào tạo linh hoạt, phù hợp với chuẩn quốc tế để thu hút người học quốc tế…
Một trong những giải pháp nữa là quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học thật tốt, cần sáp nhập hoặc giải thể trường nhỏ, trường yếu để tập trung nguồn lực cho trường đủ mạnh. Xây dựng tiêu chí rõ ràng cho các trường đại học định hướng nghiên cứu, ứng dụng. Chắc chắn muốn vươn tầm và lọt tốp thế giới thì đó phải là các trường đại học nghiên cứu mạnh chứ không còn là trường định hướng nghiên cứu.
Ngoài việc phấn đấu tham gia và đạt mục tiêu vào tốp thế giới thì cần có một bảng xếp hạng nội địa để phân hạng hoặc xếp hạng các trường đại học, từ đó lựa chọn đầu tư cho trường tốp đầu tham gia xếp hạng quốc tế.
Và cuối cùng, cần xác định rõ xếp hạng không phải “trò chơi”, thành tích để đánh bóng thương hiệu nhất thời; mà tham gia xếp hạng để khẳng định vị trí, chất lượng, từ đó thu hút được người học giỏi, người học quốc tế theo học; thu hút nhân lực tốt trong nước và học giả nước ngoài; thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp và hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu.
Giải pháp cốt lõi và bền vững nhất để tăng hạng, có vị thứ cao trong các bảng xếp hạng nói chung phải là nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu tự thân. Bởi để tăng hạng đã khó, giữ được hạng còn khó hơn. Nếu không xây dựng chất lượng thực sự thì thứ hạng có được sẽ không bền vững và không giúp gì được cho giáo dục Việt Nam.
- Xin cảm ơn ông!
Đạt thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng không chỉ giúp nhà trường khẳng định vị thế quốc tế mà còn góp phần nâng cao hình ảnh Việt Nam trên bản đồ giáo dục toàn cầu.
Quan tâm đến xếp hạng không chỉ là mục tiêu để nâng cao vị thế của các trường đại học Việt Nam mà còn trở thành động lực thúc đẩy cải cách giáo dục đại học, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế và phát triển bền vững. Đây là nhiệm vụ chiến lược mà Việt Nam cần tập trung để hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia có nền giáo dục đại học cạnh tranh trên thế giới. - Ông Nguyễn Vinh San