Clip hiếm về màn thực chiến của vũ khí đe dọa tên lửa đạn đạo

GD&TĐ - Không quân Ukraine vừa công bố đoạn video ghi lại hình ảnh hiếm về màn thực chiến của S-300V1, vũ khí có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo Nga.

Hệ thống S-300V1 được Ukraine triển khai ra tiền tuyến.
Hệ thống S-300V1 được Ukraine triển khai ra tiền tuyến.

Theo War Zone, trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, S-300V1 là một trong những hệ thống phòng không cao cấp nhất của lực lượng vũ trang Ukraine và là một trong số ít hệ thống cung cấp khả năng chống tên lửa đạn đạo của Nga.

Không quân Ukraine - lực lượng chịu trách nhiệm chính về hệ thống phòng không mặt đất tầm cao của quân đội Ukraine, đã công bố một video, trong đó có hai đoạn clip khác nhau ghi lại cảnh S-300V1 khai hỏa, cùng với nhiều hình ảnh khác về hệ thống này.

Mặc dù cùng dòng S-300 nhưng dòng S-300V hoàn toàn khác với các biến thể S-300P từ cấu hình đến tên lửa đánh chặn. Các phiên bản S-300V bao gồm phương tiện phóng, chở tên lửa và radar tự hành trên khung gầm bánh xích (TELAR).

Cùng với đó còn có các xe TEL không có radar nhưng được trang bị cần cẩu để nạp lại đạn cho các bệ phóng khác. Hệ thống này cũng có thể tích hợp các radar ngoài để hỗ trợ việc theo dõi mục tiêu.

S-300V sử dụng hai loại tên lửa đánh chặn là 9M82 (NATO định danh là SA-12B Giant), dài gần 10 mét, với tầm bắn tối đa 96 km và 9M83 (NATO định danh là SA-12A Gladiator), có tầm bắn tối đa 75 km.

Các bệ phóng TELAR và TEL của S-300V có thể mang theo tối đa 2 tên lửa 9M82 hoặc tối đa 4 tên lửa 9M83, tùy vào biến thể. Cả hai loại tên lửa này đều có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo trong giai đoạn cuối của quỹ đạo bay, nhưng chỉ trong những điều kiện nhất định.

Tổ hợp S-300V1 sử dụng cơ chế phóng nguội. Điều này tạo nên những cảnh khai hỏa cực kỳ ngoạn mục, như có thể thấy trong các đoạn video vừa được Không quân Ukraine công bố.

Trước khi nhận được những tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại từ phương Tây, S-300V1 là hệ thống phòng không có tầm bắn xa và uy lực nhất trong biên chế quân đội Ukraine.

Tuy nhiên, Kiev lại sở hữu rất ít hệ thống này. Theo một số báo cáo được tờ Defense News công bố cuối năm 2024, Ukraine chỉ kịp tái biên chế một đơn vị S-300V1 vào năm 2014, sau thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Các tổ hợp S-300V1 được thiết kế và chế tạo từ thời Liên Xô với mục đích bảo vệ các mục tiêu quân sự, vũ khí, binh sĩ và các công trình trọng yếu trước nguy cơ bị tấn công bởi tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và máy bay chiến đấu của đối phương.

Ngoài ra, với khả năng chiến đấu trong mọi điều kiện thời tiết và chống chọi với khả năng gây nhiễu điện tử tần suất cao của đối phương, S-300V1 thường được sử dụng để bảo vệ các mục tiêu có ý nghĩa chiến lược quan trọng.

Việc đưa tổ hợp S-300V1 vào tham chiến cho thấy Ukraine đang nỗ lực hết sức nhằm tăng cường năng lực cho hệ thống phòng không của nước này. Liên tục trong thời gian qua, các đợt tập kích bằng tên lửa và UAV cảm tử của Nga đã để lại nhiều thiệt hại nặng nề cho cả mục tiêu quân sự và dân sự của Ukraine.

Hình ảnh hiếm về màn khai hỏa của S-300V1 được Ukraine công bố.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ