Báo Đức cho biết, quân đội nước này đã ghi nhận ít nhất 6 vụ máy bay không người lái (UAV) bí ẩn bay qua căn cứ không quân Schwesing trong ngày 9 và 29 tháng 1.
Chỉ huy căn cứ Schwesing cho biết: "Bất chấp các biện pháp đối phó điện tử, trong đó có hệ thống gây nhiễu UAV HP47, lực lượng tại căn cứ không thể ép loạt phi cơ hạ cánh hoặc xác định vị trí người điều khiển.
Quân đội Đức đánh giá đây có thể là hoạt động gián điệp và đã phát cảnh báo tới các cơ quan tình báo".
Cũng theo nguồn tin này, loạt UAV được ứng dụng công nghệ rất tiên tiến, không phải sản phẩm thương mại thông thường. "Nhiều khả năng chúng được triển khai từ các tàu ở Biển Bắc hoặc Biển Baltic", báo Đức viết.
Phát ngôn viên của Quân đội Đức xác nhận các sự việc đã được báo cho cảnh sát bang Schleswig-Holstein, nhưng không tiết lộ thông tin cụ thể.
Căn cứ không quân Schwesing được coi là vùng an ninh đặc biệt, do là địa điểm huấn luyện vận hành tên lửa phòng không tầm xa Patriot. Những kíp trắc thủ vận hành Patriot của Ukraine cũng được đào tạo tại đây.
Những vụ UAV bí ẩn xuất hiện trên các địa điểm quân sự và công nghiệp ở Đức những tháng gần đây đã gây lo ngại, khiến chính phủ Đức thông báo điều chỉnh quy định của quân đội nhằm cho phép họ bắn hạ những thiết bị bay đáng ngờ này.
UAV không rõ nguồn gốc từng xuất hiện gần căn cứ quân sự chủ chốt Ramstein và các cơ sở thuộc tập đoàn quốc phòng Rheinmetall hồi cuối năm 2024.
Phát ngôn quân đội Đức thừa nhận thông tin về UAV bí ẩn và các sự việc nghi là hoạt động gián điệp đã tăng lên trong vài tháng gần đây.
Nhưng ông lưu ý rằng quân đội Đức rất thận trọng khi đánh giá động cơ của những vụ UAV xuất hiện, vì chúng dễ mua và nhiều cá nhân "điều khiển phi cơ bay qua các cơ sở quân sự mà không tính đến tác động của nó".
Hệ thống đánh chặn Patriot là vũ khí đắt nhất mà Mỹ và đồng minh viện trợ cho Ukraine. Mỗi tổ hợp có giá gần 1,1 tỷ USD, trong đó đạn tên lửa có giá 690 triệu USD và các thành phần khác có giá 400 triệu USD.
Phòng không Ukraine đang vận hành khoảng 3-5 tổ hợp Patriot được Mỹ, Đức và một số nước châu Âu chuyển giao. Đây từng được kỳ vọng là vũ khí có thể thay đổi đáng kể cục diện trên bầu trời Ukraine, nhờ năng lực chiến đấu vượt trội so với các hệ thống phòng không mà phương Tây viện trợ trước đó.
Nhưng Nga từng nhiều lần phóng tên lửa đạn đạo Iskander-M và tên lửa siêu vượt âm Kinzhal nhằm vào các trận địa Patriot, cũng như bệ phóng trên đường hành quân.
Nguồn đạn cho những tổ hợp phòng không Ukraine cũng đang cạn dần, khiến những đợt tập kích bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga có tỷ lệ thành công cao hơn hẳn so với trước đó.