Chuyện về người thầy 'giữ cho được văn hóa dân tộc' ở miền núi Tri Tôn

GD&TĐ - Sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi Tri Tôn, hơn ai hết, thầy Chau Mô Ni Sóc Kha hiểu chỉ có con chữ mới có thể khiến đồng bào quê mình khởi sắc.

Thầy Kha luôn là một nhà giáo tâm huyết với mỗi học sinh vùng dân tộc thiểu số. Ảnh: Hồng Nguyên - Nhơn Tiến
Thầy Kha luôn là một nhà giáo tâm huyết với mỗi học sinh vùng dân tộc thiểu số. Ảnh: Hồng Nguyên - Nhơn Tiến

Hơn 30 năm công tác trong ngành Giáo dục, cả một đời gắn bó với vùng đất, con người Tri Tôn, thầy Chau Mô Ni Sóc Kha, Hiệu trưởng Trường THCS Ô Lâm (xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) là một trong những trí thức tiêu biểu, có nhiều cống hiến trong công tác giáo dục vùng dân tộc thiểu số, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng Khmer.

Tâm huyết với sự nghiệp giáo dục

Sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi Tri Tôn, hơn ai hết, thầy Chau Mô Ni Sóc Kha hiểu chỉ có con chữ mới có thể khiến đồng bào quê mình khởi sắc. Vì thế, thầy đã không ngừng học hỏi, trang bị kiến thức để trở thành người thầy truyền dạy kiến thức cho con em dân tộc Khmer.

Thầy Kha chia sẻ, sau khi tốt nghiệp đại học ngành Sư phạm Ngữ văn, thầy chuyển về dạy tại Trường THPT Dân tộc Nội trú An Giang. Đó cũng là khoảng thời gian thầy đem những giá trị cao đẹp của văn chương truyền dạy cho các thế hệ học trò, khơi gợi trong các em những khát vọng. Trong mỗi bài giảng, thầy luôn lồng ghép những chi tiết trong cuộc sống hiện thực, từ các nhân vật văn chương thầy liên hệ đến số phận những con người trong thực tế, giúp cho học trò thêm yêu cuộc sống, yêu con người và phấn đấu vượt lên số phận khó khăn để khẳng định giá trị bản thân.

Những năm tháng miệt mài cống hiến cho ngành Giáo dục của thầy đã được đền đáp xứng đáng. Nhiều học trò giờ làm cán bộ huyện, xã, chủ doanh nghiệp, kỹ sư, bác sĩ, cũng không ít người đi theo con đường sư phạm như thầy, đang ngày ngày gieo chữ trên mảnh đất Tri Tôn.

Cô Vanh Ma Lai, từng là học trò cũ của thầy nay lại nối bước trở thành người gieo chữ miền sơn cước, cho biết: “Thầy Kha là người đã truyền cảm hứng cho tôi đến với nghề giáo. Cả một đời thầy luôn tận tụy vì sự nghiệp giáo dục vùng dân tộc. Nay tôi tiếp bước thầy để có thêm nhiều lứa học trò vùng dân tộc được đến trường, để từ con chữ mà đồng bào có thể thoát nghèo”.

Trường THCS Ô Lâm là ngôi trường ở xã đặc biệt khó khăn, hơn 98% học sinh là con em đồng bào dân tộc Khmer, trong đó có trên 50% thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập còn nhiều thiếu thốn. Thương học trò nghèo, thầy Kha lại vận động xã hội hóa từ học trò cũ, các mạnh thường quân tiếp sức để các em có thể tiếp tục đến trường.

Thầy Đặng Huy Cường, giáo viên dạy môn Hóa của trường, kể: “Từ khi thầy Kha về diện mạo trường đã có nhiều sự thay đổi. Thầy vận động làm lại sân trường, trồng thêm nhiều cây kiểng tạo cảnh quan, xây dựng sân chơi bóng rổ, bóng chuyền, lắp thêm tivi, hỗ trợ tập sách quần áo, tìm nguồn học bổng, bồi dưỡng học sinh giỏi... Thầy làm mọi thứ để học sinh không bỏ học. Nhìn những tâm huyết của thầy, chúng tôi có thêm động lực cùng thầy tạo ra một môi trường học tập tốt nhất cho các em”.

Học sinh của trường được tìm hiểu văn hóa dân tộc qua tiếng đàn Champay. Ảnh: Hồng Nguyên - Nhơn Tiến

Học sinh của trường được tìm hiểu văn hóa dân tộc qua tiếng đàn Champay. Ảnh: Hồng Nguyên - Nhơn Tiến

Phải giữ cho được văn hóa dân tộc

Với mong muốn khơi dậy tình yêu, lòng đam mê và ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thầy Kha luôn quan tâm đến việc giáo dục các giá trị văn hóa truyền thống cho học sinh. “Nhà trường thường tổ chức cho các em tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, các chùa, làng nghề... của bà con Khmer tại địa phương. Nhà trường còn mời nghệ nhân về trường biểu diễn nhạc ngũ âm, giúp các em có được sự hứng thú tìm hiểu nét đẹp văn hóa độc đáo của dân tộc mình”, thầy Kha chia sẻ.

Không chỉ trong bài giảng, ở mọi lúc mọi nơi khi có điều kiện thầy Kha luôn hướng các em đến những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer. “Qua đó giúp các em biết lễ nghĩa, tôn trọng người già, các vị sư và lễ phép với thầy cô. Khi nghe nhạc ngũ âm, mặc trên người trang phục truyền thống, múa các điệu múa của dân tộc mình, các em thêm yêu mến, trân trọng và có ý thức giữ gìn những nét đẹp văn hóa”, thầy Kha bộc bạch.

Em Neang Ma Ni, học sinh lớp 7A3 Trường THCS Ô Lâm, kể: “Ở trường em được tham gia trải nghiệm hoạt động gói bánh Katum, nghe đàn Champay, thăm mộ nàng Nghés... rất vui. Em rất muốn có thêm nhiều hoạt động như vậy để em và các bạn hiểu thêm về văn hóa, có thể phát huy và giữ gìn”.

Bên cạnh công việc giảng dạy, thầy Kha còn tham gia nhóm biên soạn “Từ điển Khmer - Việt và Việt - Khmer” do Trường Đại học Trà Vinh chủ trì. Thầy đã biên soạn “Bộ sách tiếng Khmer” (quyển 1) cho Bộ GD&ĐT; “Tài liệu tiếng Khmer” dành cho cán bộ, viên chức công tác tại vùng đồng bào dân tộc Khmer và cán bộ, viên chức trong ngành Giáo dục tỉnh An Giang... Những đóng góp của thầy đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số, đồng thời bảo tồn chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer.

Theo thầy Chau Mên, Tổ trưởng Hội đồng cốt cán tiếng dân tộc thiểu số tỉnh An Giang, thầy Chau Mô Ni Sóc Kha là một tấm gương sáng trong cộng đồng đồng bào dân tộc Khmer, để học sinh dân tộc thiểu số học tập, noi theo. Với vai trò là người thầy, là đàn anh, thầy luôn sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ đồng nghiệp khi gặp khó khăn trong công tác và hết lòng thương yêu, giúp đỡ học sinh của mình, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đến lớp, hay không đủ tiền để trang trải cho việc học. Thầy thường đi đến tận nhà học sinh tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, để từ đó tìm cách giúp đỡ các em.

Đặc biệt, trong khoảng 2 năm qua, từ khi về công tác tại Trường THCS Ô Lâm, thầy đã có những đóng góp đáng kể cho nhà trường, giúp trường trở thành điểm sáng của huyện. Nhờ sự vận động tiếp sức đến trường của thầy, các em học sinh dân tộc thiểu số vùng Ô Lâm ít bỏ học hơn và nhận được sự tin yêu của phụ huynh học sinh nơi đây.

“Những tài liệu do thầy Kha dịch thuật biên soạn đã hỗ trợ rất nhiều cho sự nghiệp giáo dục dân tộc. Tất cả tư liệu do thầy biên soạn đều là tư liệu quý để đồng nghiệp tham khảo, phục vụ công tác giảng dạy tiếng Khmer cho cán bộ, viên chức công tác tại vùng đồng bào dân tộc Khmer sinh sống trên địa bàn tỉnh An Giang”, thầy Chau Mên cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ