Chuyện cổ tích về những người thầy vùng khó

GD&TĐ - Thầy giáo đeo đèn pin soạn bài, cô giáo không dám mặc áo trắng bởi thiếu nước sinh hoạt; giáo viên để dành từng chiếc kẹo làm phần thưởng cho trò; những chuyến đi vào bản động viên học sinh trở lại trường từ 3 giờ sáng... là số ít trong rất nhiều câu chuyện lay động lòng người của TS Vũ Minh Đức – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam – từ những chuyến công tác đến các ngôi trường ở vùng đất xa xôi khắp mọi miền đất nước.

Chuyện cổ tích về những người thầy vùng khó

Những thầy cô vượt khó dạy học

TS Vũ Minh Đức kể: Nhiều năm làm công tác Công đoàn trong ngành Giáo dục với rất nhiều chuyến đi, hình ảnh làm tôi day dứt là những gian nhà công vụ giáo viên lợp lá, vách nứa; mùa đông được “gia cố” thêm bạt, áo mưa che vách để chống chọi cái rét cắt da cắt thịt vùng núi cao; nhà tắm không có, nhà vệ sinh cũng không. Đó cũng chính xác là hình ảnh ở Pác Nặm (Bắc Kạn) hơn chục năm về trước, nơi Công đoàn Trường ĐH Giao thông Vận tải – khi đó tôi làm Chủ tịch – đã quyết định xây 3 gian nhà công vụ, 3 công trình vệ sinh cho 6 thầy cô ở đây.

Nhớ chuyến đi Hà Giang, tôi tò mò vì thấy học sinh đi học đều mang theo 1 chai nước suối. Hỏi ra mới xúc động vì biết các em mang lên đổ vào thùng đựng cho cô giáo. Nước ở vùng núi cao Hà Giang thiếu lắm, nên cô giáo mỗi tuần “chỉ tiêu” chỉ được tắm một lần. Có cô giáo tâm sự không dám mặc áo trắng vì sợ bẩn sẽ không có nước giặt. Dạy học ở những vùng khó khăn này, các cô phải hy sinh cả những nhu cầu làm đẹp tối thiểu như vậy.

Năm ngoái, tôi cùng đoàn công tác đi đến xã Lùng Thàng (Lai Châu), giật mình khi vào thăm nhà công vụ của một thầy giáo. Gian nhà nhỏ tuềnh toàng, không có gì ngoài chiếc phản để nằm và 1 hòm gỗ vừa dùng đựng đồ, vừa làm việc; vài ba bộ quần áo treo trên cánh cửa. Thắt lòng khi nhìn tấm lịch treo trên tường của năm 2014, thầy chữa ngày để theo dõi lịch công tác năm 2017. Nói gì đến những thứ xa xỉ như tivi, đài, báo, thầy giáo này đến cả cuốn lịch treo tường cũng phải dùng “tiết kiệm” đến 4 năm trời…

Rồi lần đi Cao Bằng, trước khi Công đoàn Giáo dục Việt Nam bàn giao nhà công vụ, 5 gia đình giáo viên mầm non, cả già trẻ, trai gái, con nhỏ khoảng 20 người cùng ở trong một căn phòng chỉ 30 m vuông mượn của trường tiểu học. Mọi sinh hoạt đều ở trong căn phòng nhỏ này, từ bếp nấu, ăn uống…, vậy mà còn vừa ở vừa thấp thỏm, vừa ở vừa run vì không biết đến bao giờ bị “đòi” phòng. Tết năm nay, các thầy cô nơi đây chắc vui lắm vì 5 gian nhà công vụ khang trang đã hoàn thành. Dù mỗi gian vẫn phải chia đôi cho 2 nhà ở, nhưng so với trước đây đã tốt hơn, đàng hoàng hơn rất nhiều.

Có rất nhiều những câu chuyện như vậy. Nhưng có lẽ gây ấn tượng đặc biệt nhất với Chủ tịch Công đoàn ngành là hình ảnh các thầy giáo ở Trường Tiểu học Tri Lễ (Nghệ An) –ngôi trường chưa từng có giáo viên nữ vì đường vào quá hiểm trở và hàng loạt khó khăn khác như không điện lưới, không sóng điện thoại, không mạng Intertnet, không trạm y tế, không chợ, không nhà công vụ... Năm nay, ánh sáng điện đã đến với ngôi trường đặc biệt này với sự hỗ trợ của Công đoàn Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

“Trăn trở của tôi là mình chưa đi nhiều các tỉnh phía Nam để nắm bắt cuộc sống của các thầy cô giáo nơi đây. Năm nay chúng tôi đến Kiên Giang để tổ chức đón Tết sớm cho giáo viên trong đó. Qua nắm bắt tình hình, các thầy cô vùng sông nước cũng có rất nhiều khó khăn; đặc biệt vùng Tây Nam Bộ, chủ yếu đi lại bằng xuồng, thầy cô đến trường cũng còn nhiều vất vả” – TS Vũ Minh Đức chia sẻ.

Những hy sinh cao cả

Trở thành người đứng đầu Công đoàn ngành Giáo dục, một trong những nỗi trăn trở, day dứt của TS Vũ Minh Đức là tỷ lệ giáo viên từ xuôi lên vùng khó khăn công tác, sau khi hết thời gian chưa có điều kiện luân chuyển về vùng thuận lợi hơn, nhiều người đã để tuổi thanh xuân trôi qua mà chưa lập gia đình. Công tác ở những điểm trường xa xôi, có khi vài tháng mới xuống vùng thấp, điều kiện gặp gỡ, giao lưu của các cô là rất ít. Có người chấp nhận kết duyên với đồng bào dân tộc; chồng không công ăn việc làm, trình độ văn hóa thấp, chênh lệch nhận thức nên cuộc sống không được như mong muốn…

“Tôi không thể quên được hình ảnh khi đến thăm một trường ở Pác Nặm (Bắc Kạn). Cô giáo trẻ đang dạy học trên lớp, ngoài cửa người chồng dân tộc đeo dao, bế con ngóng vào nhìn vợ dạy. Nhiều thanh niên dân tộc không đi làm, nhất là trường hợp vợ có lương thì chồng chỉ ở nhà uống rượu, dựa vào đồng lương của vợ để sống.

Với những thầy cô giáo may mắn với gia đình hạnh phúc thì không ít phải chấp nhận sống xa nhau; vợ chồng có khi cả tháng gặp nhau một lần. Con cái vì thế mà ít điều kiện chăm sóc. Phần lớn các thầy cô công tác vùng sâu phải gửi con về cho ông bà nội ngoại chăm giùm để ổn định dạy học. Đó là những hy sinh vô cùng đáng trân trọng” - TS Vũ Minh Đức chia sẻ.

Dù khó khăn vẫn gắn bó, yêu nghề

Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết: Khó có thể nói hết tấm lòng của các thầy cô giáo ở những vùng khó khăn tôi đã đi qua, đã chứng kiến. Cuộc sống còn khó khăn, nhưng các thầy cô lúc nào cũng sẵn sàng chia sẻ với học trò của mình. Không ít trường hợp, phụ huynh gửi con nhưng tối không đón về, thế là cô giáo lại thành mẹ, cho trò ăn, tắm rửa, tối ngủ luôn ở trường với cô.

Có người được các đoàn công tác lên thăm, tặng bánh kẹo nhưng không ăn mà để dành cho học trò, làm quà khuyến khích trò đến lớp. Tôi nhiều lần tận mắt chứng kiến sự vất vả của các thầy cô ở trường nội trú, nội trú dân nuôi, chứng kiến thầy cô lo lắng thế nào khi học trò ốm, nhất là những điểm lẻ không có nhân viên y tế học đường. Không chỉ vận động thuốc men, với những bệnh thông thường, giáo viên thậm chí còn lấy ý kiến người quen làm bác sĩ để chữa bệnh cho trò…

Nhưng vất vả nhất có lẽ là sau mỗi đợt nghỉ hè, nghỉ Tết, học sinh không trở lại trường. Đã có biết bao bút mực viết về những người thầy không quản nắng mưa, xa xôi để đến tận nhà học sinh vận động cha mẹ cho con đến lớp; phải học tiếng dân tộc để có thể giao tiếp với phụ huynh học sinh. Câu chuyện dậy từ 3 – 4 giờ sáng để vào bản, vượt vài chục km đường rừng để tìm học sinh không phải là hiếm. Sự vận động cũng cần kiên trì, có khi không phải một lần, bởi sự quan tâm của gia đình ở những vùng này với việc học của con rất hạn chế, thậm chí phó mặc cho thầy cô.

Nếu nói về điển hình câu chuyện tình thầy trò lại vẫn phải nhắc lại 42 thầy giáo ở Trường Tiểu học Tri Lễ. Khó có thể kìm nổi xúc động khi nhìn những thầy giáo vốn là nam giới vụng về “kiêm” vai trò của người mẹ: Cắt móng tay, buộc tóc cho học trò nhỏ. Rồi từ hiệu trưởng đến giáo viên, ban ngày đi dạy, chiều tối lại cùng đánh cá ở suối, lấy rau trên rừng cải thiện bữa ăn cho học sinh.

“Năm ngoái, khi đến đây, chúng tôi đề nghị được trang bị máy phát điện cho nhà trường, nhưng các thầy nói có máy phát cũng không chạy được vì mỗi lần mang nhiên liệu lên quá khó khăn. Thế là Công đoàn Giáo dục Việt Nam kêu gọi và được Công đoàn Trường ĐH Bách khoa Hà Nội ủng hộ 6 trạm pin mặt trời và 6 bộ máy tính. Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam hỗ trợ làm nhà khung thép. Vậy là sau bao nhiêu năm, thầy trò nơi đây đã được hưởng ánh sáng điện” – TS Vũ Minh Đức chia sẻ.

“Nhiều năm qua, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có những hoạt động hỗ trợ thiết thực cho các thầy cô giáo công tác vùng khó khăn; chủ yếu là xây dựng các công trình thiết yếu như nhà công vụ, nhà vệ sinh, công trình nước sạch... Kinh phí huy động cho việc này 10 năm gần đây là hàng trăm tỷ đồng. Công việc ý nghĩa này được đều đặn thực hiện mỗi năm. Riêng 2017, số nhà công vụ mà Công đoàn Giáo dục Việt Nam xây dựng cho các thầy cô vùng khó là 15 nhà cùng 8 công trình nước sạch với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng. 
Cùng với đó là hàng loạt các việc làm ý nghĩa khác như: Tổ chức đón Tết sớm cho các thầy cô giáo cắm bản; ký kết với doanh nghiệp tạo điều kiện cho giáo viên được mua hàng giảm giá; huy động đóng góp cho giáo dục các tỉnh bị thiên tai”.
TS Vũ Minh Đức

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.