Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp

GD&TĐ - Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, chúng ta đang chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; trong đó nhấn mạnh đến yếu tố thị trường.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đăng đàn trả lời chất vấn
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đăng đàn trả lời chất vấn

"Không có vấn đề" chính là vấn đề lớn nhất

Phát biểu tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (chiều 7/6) cho biết, một lần nữa vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn được đưa vào nghị trường tại Kỳ họp thứ 3 và phiên chất vấn hôm nay (7/6). Ngay sau khi Hội nghị Trung ương V, khóa XIII vừa thảo luận chuyên đề về tam nông.

Bộ trưởng thông tin, trước đó, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Như vậy, về mặt vĩ mô, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã xác lập con đường phát triển nông nghiệp, nông thôn phía trước, với những bước đi cụ thể, phù hợp trong từng giai đoạn.

Vấn đề còn lại là, cách thức vận hành của cả hệ thống chính trị vì nông nghiệp có tính liên ngành cao, xuyên suốt, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Chính sách vĩ mô được hoạch định từ cấp trung ương nhưng tổ chức thực hiện lại bắt đầu từ cấp cơ sở. Điều đó cần đến sự phối hợp theo tư duy hệ thống và hành động hệ thống. Đó là yếu tố quyết định cho sự thành công.

 "Không có vấn đề" chính là vấn đề lớn nhất. Nhận diện phát hiện vấn đề không thể chỉ từ trong nội bộ một tổ chức vì vốn dĩ tổ chức ít nhiều còn quán tính khôn cứng, khó có thể vận hành, điều chỉnh linh hoạt, kịp thời với những yêu cầu đa dạng, thay đổi liên tục từ đời sống thực tiễn.

Do đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, phiên chất vấn hôm nay không chỉ dừng lại là câu hỏi và trả lời, chất vấn và giải trình còn là dịp để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lắng nghe, ghi nhận, phát hiện thêm những vấn đề đã tồn tại từ lâu và cả những vấn đề mới phát sinh từ thực tế cuộc sống sinh động và vận động không ngừng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững được Thủ tướng phê duyệt
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững được Thủ tướng phê duyệt

Nâng cao tính tự chủ của ngành nông nghiệp

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững được Thủ tướng phê duyệt, đã xác định rõ chúng ta đang chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; trong đó nhấn mạnh đến yếu tố thị trường.

Chia sẻ với bà con nông dân cùng doanh nghiệp, giai đoạn vừa qua đã đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như việc ùn ứ ở cửa khẩu phía Bắc; vấn đề vật tư phân bón, giá nguyên liệu đầu vào của ngành nông nghiệp đều tăng cao trong bối cảnh thị trường đã bị đứt gãy…

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cảm ơn 14 triệu nông dân Việt Nam đã rất năng động, linh hoạt để góp phần làm nên kết quả xuất khẩu nông nghiệp, nông lâm, thủy sản trong năm 2021 đạt mức rất cao trong bối cảnh khó khăn.

Về giá nguyên liệu đầu vào, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, vấn đề này liên quan tới thị trường, quản lý doanh nghiệp, vật tư đầu vào sản xuất, nhập khẩu và xuất khẩu…

Đứng ở góc độ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, khi đứt gãy chuỗi cung ứng trong giai đoạn dịch bệnh và nhất là cao điểm ùn ứ cửa khẩu phía Bắc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao cùng vào cuộc dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để hạn chế thấp nhất thiệt thòi, thiệt hại cho nông dân.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, đây là trường hợp bất khả kháng do khác biệt trong quy định chống dịch của hai bên. Nước ta làm nông nghiệp nhưng phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ phân bón, thuốc, nguyên liệu để chế biến thức ăn.

Đây là vấn đề Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp nhằm nâng cao tính tự chủ của ngành nông nghiệp, để tạo ra cái giá trị gia tăng cao hơn, giảm rủi ro thị trường.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương cũng đã có rất nhiều phiên họp, làm việc với các hiệp hội, ngành hàng phân bón, các doanh nghiệp… liên quan đến lĩnh vực này cố gắng thuyết phục.

Bộ trưởng cho biết, trong nền kinh tế thị trường không dễ mà áp đặt một mệnh lệnh hành chính. Trong hoàn cảnh này, các hiệp hội cũng đã có những can thiệp nhất định…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.