Dần đẩy lùi tín dụng đen
Tại Hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, những năm qua, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực NNNT liên tục tăng trưởng. Theo đánh giá của NHNN về kết quả thực hiện chính sách tín dụng đối với lĩnh vực NNNT, việc đẩy mạnh triển khai các chương trình đã đáp ứng được kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và nhu cầu vốn phục vụ phát triển nông thôn.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể giúp người vay vốn sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Từ đó góp phần đẩy lùi tình trạng tín dụng đen ở khu vực nông thôn.
Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị |
Đặc biệt, Nghị định 116 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 55 đã nâng mức vốn cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác xã, đây là điều kiện tốt nhất cho người dân vùng sâu, vùng xa không có tài sản đảm bảo nhưng vẫn có thể tiếp cận được với nguồn vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh...
Tuy nhiên, Phó thống đốc Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, thời gian qua tình hình tín dụng đen vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên, gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế - xã hội. Điều này cho thấy, thực tế là người dân vẫn chưa lường hết được tác hại và vẫn đang tìm đến các hình thức cho vay nặng lãi…
Tính đến cuối tháng 11/2018, dư nợ tín dụng NNNT ước đạt khoảng 1,69 triệu tỷ đồng, tăng 14,5% so với cuối năm 2017 (ảnh minh họa) |
Cần sự vào cuộc của các cấp, Bộ, ngành
Thông tin tại Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, thời gian qua ngành ngân hàng cũng đã phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen.
Qua tổng hợp báo cáo nhanh của các chi nhánh NHNN các tỉnh, thành, ngành ngân hàng đã phối hợp theo đề nghị của cơ quan công an, các sở, ban ngành, chính quyền địa phương tham gia xử lý 218 vụ việc liên quan đến tín dụng đen tại 16 tỉnh, thành với tổng số tiền trên 117 tỷ đồng. Trong đó 72 vụ việc đã xử lý, khởi tố 14 vụ, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 37 vụ.
Đồng thời ngành ngân hàng cũng thường xuyên tăng cường, phối hợp với các cơ quan công an, các sở, ban ngành, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền chính sách, pháp luật về hoạt động ngân hàng, các quy định pháp luật về phòng chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng đen tới các tầng lớp nhân dân trong xã hội tham gia đấu tranh, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ việc liên quan đến tín dụng đen.
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc các Bộ, ngành địa phương cùng tham gia đẩy lùi nạn tín dụng đen, ngành ngân hàng sẵn sàng vào cuộc và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, Bộ, ngành, chính quyền địa phương để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tín dụng đen trong phạm vi, quyền hạn của NHNN. Tại Hội nghị, đại diện Bộ Công an cũng cung cấp thêm thực trạng, cách nhận diện tín dụng đen, các khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý, đấu tranh với hoạt động tín dụng đen diễn biến, phức tạp thời gian qua và các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động này trong thời gian tới.